Trang

Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Mậu Thân

Hậu sinh chỉ nên nhớ lại sự kiện lịch sử Tết Mậu Thân 1968 như một nỗi đau xót, một dĩ vãng buồn, chứ có gì phải làm ồn ào ngợi ca thắng lợi, thành công này nọ. Một cuộc đánh nhau, chết quá nhiều người như thế, hủy hoại cuộc sống dân thường như thế, sao gọi là thành công.

Một cựu binh kể lại trên báo Thanh Niên, 5 tiểu đoàn đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất đều hy sinh gần hết, riêng tiểu đoàn ông hy sinh ít hơn nhưng 500 lính chỉ còn lại chưa tới 100. 

Tôi từng gặp bác sĩ thương binh Trần Văn Bản, người huyện Vĩnh Bảo (HP), anh từng bỏ nhiều năm đi tìm hài cốt đồng đội, nhất là những người hy sinh năm Mậu Thân. Anh cho biết riêng tiểu đoàn Cát Bi của HP đã mất hơn trăm người.

Tôi chỉ cầu mong những linh hồn người đã chết trong cuộc chiến tàn nhẫn ấy được bay về chốn siêu thoát. Những anh bộ đội lính nông dân làng tôi hy sinh năm 68 nay vẫn chả biết hài cốt nằm đâu, mong sao có ngày tìm thấy các anh để đưa các anh về làng, làng Trà Phương thân yêu. Các anh tôi xa làng đã quá lâu rồi, nửa thế kỷ rồi.

Nguyễn Thông

Khu vực Chợ Lớn bị tàn phá trong cuộc tổng tấn công xuân Mậu Thân 1968 - Ảnh tư liệu

3 nhận xét:

  1. Còn quá ít bài viết nhưthế này!

    Trả lờiXóa
  2. Nửa thế kỷ qua đi nhanh quá-1968-2018. Chiến tranh, chuyện đánh đấm là chuyện bình thường, chuyện phải thế. Chấp nhận. Tuy nhiên, ở Mậu Thân, có 2 cái đau: Đang đón Tết và quân chính qui miền Bắc vào, khi bị đẩy vào thành phố, lạ lẫm, không biết đường, biết hướng, chết nhiều quá, chết như rạ. Trẻ măng. Quá hồn nhiên. Bị dồn vào thế phải tiến vào, phải chết, từ chỉ huy cấp tiểu đoàn đến lính trơn. Kỳ lạ, không ai chịu trách nhiệm cả và qui đăt ra cái xảo từ: chiến thắng vang dội! Thương quá những bạn bè đồng trang vừa xong THPT hay đang dang dở bậc đại học! Một chiến dịch từ một vốc não đang sôi bỏng tự phụ, ham muốn cực cùng quyền lực.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi lên 3 vào Tết Mậu Thân 68, còn nhỏ hơn các anh Thông và TMĐ, nên cũng chỉ nghe chuyện anh chị và bố mẹ kể lại. Bạn bè người thân hai anh là chiến binh chắc ít nhiều cũng biết và chấp nhận thực tế "Lấy chồng chiến binh mấy người trở lại". Riêng đồng bào thường dân miền Nam những ngày đó khấp khởi vui mừng đón một cái Tết xum vầy vì "mấy ông bên kia" đã chấp nhận đình chiến, hưu chiến dịp Tết. Để rồi tối 30 tiếng đạn thay tiếng pháo, ánh lửa hồng nhà cháy thay ánh lửa hồng luộc bánh, kho thịt.

    Trả lờiXóa