Trang

Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

Chữ ký

Nửa tuần nay, phải công nhận các chàng trai cầu thủ U.23 và ông thầy Park ký tên mệt nghỉ. Ký lên cờ, lên áo, ký lên quả bóng, ký vào sổ tay... Ai cũng muốn có chút kỷ niệm chữ ký của những con người nổi tiếng ấy.

Tôi rất trân trọng cả người ký lẫn người xin chữ ký. Đó là nét văn hóa khá mới mẻ trong xã hội hiện đại.

Nhưng tôi không cố chen lấn để xin cho được chữ ký của ai đó, những yếu nhân, văn nghệ sĩ, ca sĩ, cầu thủ, đại gia, nói chung là những người nổi tiếng. Tôi tự biết, mình quý trọng họ là được rồi, bởi trên thực tế thấy những chữ ký lưu niệm, kỷ niệm bị đối xử hắt hủi, lãng quên, thật tội.

Tôi mê sách, thường la cà ở những tiệm bán sách cũ đường Trần Nhân Tôn (quận 5), hoặc Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), không ít lần mua được những cuốn sách hay, giá rẻ, trang đầu có chữ ký trân trọng của tác giả ký tặng người này người nọ. Sách quý như thế mà trôi nổi lưu lạc, cũng có thể chủ nhân cuốn sách gặp cảnh khốn khó tang thương đến nỗi phải bán cả sách mà sống qua ngày, nếu vậy thì thật đáng thương, dễ thông cảm. Nhưng cũng có thể họ cũng chả tha thiết gì với kỷ niệm của người khác. Những cuốn sách ấy, sau khi mua về, bao giờ tôi cũng lấy kéo cắt cẩn thận tờ có chữ ký bỏ đi. Mình dễ bị hiểu nhầm là mượn sách của người khác nhưng không trả. Nhưng cái chính là giữ gìn cái tiếng cho ai đó từng là chủ nhân cuốn sách.

Hồi đầu năm ngoái, chị Ái Vân về nước giới thiệu cuốn hồi ký của chị, tôi được chị ký tặng một bản. Đối với tôi, chữ ký ấy có giá trị ngang cuốn sách. Mỗi lần mở ra đọc lại, ngắm nghía chữ ký chán chê rồi mới lật từng trang, thấy thú vị vô cùng. Cuốn Hồ Quý Ly của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, có chữ ký của cụ Khánh, rồi bộ sách Bạn Văn, Ký Ức Vụn của nhà văn Nguyễn Quang Lập, cuốn nào bọ Lập cũng đề tặng rất cẩn thận nắn nót, nét ký thật đậm phía dưới, những cuốn ấy, tôi bảo các con "đứa nào cho mượn làm mất mấy cuốn này của bố, phải đền 1 tỉ", chúng lắc đầu lè lưỡi.

Nhiều đám cưới xứ ta có công đoạn khách tới dự ký vào một băng vải hoặc bản giấy đẹp nào đó. Kỷ niệm ngày cưới thật đáng nâng niu. Nhưng chính tôi có lần thấy trong đống rác dọn nhà ở một hẻm đường Trần Đình Xu quận 1 có bản giấy lụa hoành tráng gồm chữ ký của hàng trăm người xác thực cuộc hôn nhân, ở tình trạng nhàu nát, rách te tua, lẫn với gạch đá, bùn đất. Chua xót lắm.

Mấy đứa học trò cuối cấp khi chia tay nhau thường ký lên áo. Lúc đầu thì thỉnh thoảng lôi ra ngắm nghía, bâng khuâng, dậy lên nỗi nhớ man mác dịu dàng về thời hoa niên đáng yêu. Nhưng rồi những cái áo cũng chịu chung số phận đồ cũ, chủ nhân chả đoái hoài gì tới nó, một ngày nào đó bị lôi ra khỏi tủ, một đi không trở lại.

Những chữ ký nếu được đóng khung kính treo lên tường, thì may ra có cơ hội sống sót. Chứ cứ thích là xin, không thích thì bỏ, tôi đồ rằng số phận những lá cờ, chiếc áo, quả bóng... có chữ ký kia, dù của người nổi tiếng, biết đâu lại chả như những cuốn sách trên phố Trần Nhân Tôn.

Tôi biên mấy dòng này chả phải "trâu buộc ghét trâu ăn", ganh tị với ai, chỉ để nhắc rằng nếu ta đã có chữ ký của người nào đó thì hãy ráng gìn giữ, trân trọng như một kỷ vật đẹp. Nó không thể như cành đào tết, sau những ngày rực rỡ mùa xuân phải chịu cảnh lăn lóc trong thùng rác. Thế thì buồn lắm.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét