Mươi năm trở lại đây, cứ tới gần Tết âm lịch, cụ thể cữ khoảng tháng một tháng chạp là lại dậy lên ý kiến của ai đó về việc nên bỏ Tết ta. Không chỉ người bình thường, mà cả những người có chút ít tiếng tăm, cả nhà khoa học, cả trí thức cũng phân tích khá thuận nhĩ rằng chả cần duy trì, giữ Tết Nguyên đán làm gì. Họ chỉ ra, nào là xu hướng thời đại, nào là phù hợp với những bước đi xã hội, rồi thì tiết kiệm, rồi nước Nhật cũng từng ăn Tết âm lịch như ta nhưng đã bỏ hẳn mà có chết ai đâu, v.v..
Tất nhiên lời ra phải có tiếng vào. Xã hội tôn trọng sự phản biện, tranh luận nên người này nói thế này thì có người khác nói thế khác. “Phe” bảo vệ, đòi giữ lại Tết ta chả lý luận gì nhiều, chỉ bảo đó là phong tục cổ truyền của dân tộc, được lưu giữ từ đời này qua đời khác, tuổi tết có khi phải tính bằng mấy ngàn năm, nó còn tồn tại tới giờ là sức sống mãnh liệt lắm, cớ sao phải bỏ.
Đó là lý luận, lý sự của người lớn, chỉ quan tâm tới những khía cạnh của người lớn. Còn với trẻ con, Tết như một bức tranh đẹp, sinh sắc, tươi vui, đầm ấm, nhiều ước mơ, tràn sức sống. Dạo xưa, chả mấy ai trong thời hoa niên, dù khi cảnh đời còn nghèo khó thiếu thốn, lại không giữ cho mình những ký ức đẹp về Tết ta. Có khi rất đơn giản, chỉ là chiếc áo mới, đôi guốc gỗ in hoa, phong bao mừng tuổi, bữa ăn đậm thịt cá hơn so với ngày thường, không khí sum họp gia đình hiếm có trong năm…, tất cả đều in đậm vào trí óc con trẻ. Trẻ con cần Tết. Tết với trẻ con không thể bỏ được. Nếu chỉ ăn Tết tây, chỉ có một ngày mùng 1 tây đầu năm làm sao có thể chuyển tải, chứa đựng hết những gì trẻ con dồn nén lại trong năm. Lý của trẻ con khác lý của người nhớn, nhưng không phải là vô lý.
Tuy nhiên, những người chủ trương bỏ Tết ta ít quan tâm tới điều này nữa: Mấy ngày tết cổ truyền là dịp vô cùng giá trị trong việc giáo dục con trẻ về tâm hồn, đạo đức, xây dựng nhân cách thông qua những sinh hoạt rất tự nhiên ngày tết. Không có cuốn sách luân lý, đạo đức nào thấm bằng. Chả biết có phải do buổi trời đất giao hòa, khí xuân nồng nàn, cảnh vật khoe sắc, con người tươi vui, mà lòng ai cũng dịu lại, đằm thắm. Ngay cả những tâm hồn bị cằn cỗi bởi sự đời đen bạc, bởi cuộc tranh lấn đua chen, bởi cái xấu cái ác, cũng muốn nhú mầm yêu thương mỗi khi Tết đến.
Tôi muốn nói về ý nghĩa của Tết với trẻ con. Khi xưa, hồi còn nhỏ, mỗi lần theo cha mẹ đi chúc tết ông bà, các bậc bề trên, chúc bà con xóm giềng thân thuộc, được ngồi “hóng hớt” người lớn trò chuyện những điều lễ nghĩa, tình cảm, đám trẻ con chúng tôi chưa cảm nhận ngay hết được ý nghĩa của việc này. Đến khi trưởng thành mới hiểu những chuyến “tháp tùng” đầu xuân như thế có tác dụng vô cùng. Sự cung kính lễ nghĩa với người trên, những lời thưa lời chúc thốt lên tự đáy lòng giữa không khí ấm áp gia đình, dòng tộc, xóm làng, tình thương yêu của người nhớn với trẻ con, lời khen tặng, niềm mong ước, sự kỳ vọng… đều hết sức cảm động, chân thành. Chúng cứ nhẹ nhàng tự nhiên ngấm vào cuộc sống tình cảm, tâm hồn. Và rất bền chặt, thành lối sống, cách sống. Những “tiết học đạo đức” ngày tết, năm này qua năm khác, cứ thấm dần vào mỗi chúng ta, khiến lòng ta không thể không thương yêu cuộc sống, con người.
Bây giờ, ngày tết nhiều người ít nghĩ tới sự sum họp, gần gũi, chia sẻ mà thường tính chuyện đi chơi. Giống như đi trốn Tết. Họ than mệt mỏi với cuộc mua sắm, chuẩn bị; lên những kế hoạch, chương trình cho cuộc mưu sinh, cho những mối quan hệ sắp tới. Những cuộc thăm hỏi, chúc tết, tạo không khí ấm áp gia đình, dòng họ, làng xóm láng giềng thưa vắng, nhạt dần. Cũng chẳng trách được, thời buổi mỗi ngày mỗi khác. Nhưng tôi cứ tiếc nếu như giờ đây ai đó, gia đình nào, dòng tộc nào, làng xóm nào không còn giữ lại được nét đẹp tinh thần, đạo đức của cái tết ngày xưa, nhất là với việc xây đắp tâm hồn con trẻ. Thì uổng lắm thay.
Nguyễn Thông
Thế Bác không kể là người lớn cho trẻ con đi theo để kiếm tí tiền mừng tuổi à.
Trả lờiXóaNgày thường đã đi làm tết đi sang nhà này nhà nọ chúc chịu sao nổi ? Ăn tết theo kiểu lịch Tây là được rồi cũng 3 ngày tết. Sau tết bớt sức ì làm việc dễ hơn. Trẻ con thì cũng phải thích nghi riết rồi quen thôi.
Trả lờiXóaanh Thông và các bạn mở báo Thanh Niên (báo giấy) số tất niên 11/2/2018 cuối trang 3. Đọc đi và cho ý kiến!
Trả lờiXóaAnh thắc mắc là phải. Bài trên báo Thanh Niên là của chính tôi, tòa soạn đề nghị dùng tên khác cho đỡ trùng (Lê Phiêu là tên bà xã tôi). Tuy nhiên bài của tôi dài (như anh vừa đọc) bị tòa soạn cắt quá nhiều, biên tập lại không đúng ý nên tôi phải đăng lại nguyên văn bài gốc này. Cảm ơn anh nhé. Thông
XóaTết cổ truyền là tết của Trung Quốc , muốn thoát khỏi Trung Quốc thì hãy bỏ tết cổ truyền giống như Nhật và hàn quốc gia
Trả lờiXóa