Chẳng ai khác, chính bác Trần Nhật Chính lớp Ngữ nhắn tin cho mình xin số điện thoại của đại ca Trần Triều Nguyệt, rằng Thông ơi cho tớ số anh Nguyệt, thằng Sóng Hùng nó cần liên lạc với anh ấy.
Trời, nghe Chính nhắc tới cái tên mà cả lớp đã bị bặt hơn nửa thế kỷ, tôi thoáng rùng mình bởi không ngờ. “Thằng” Sóng Hùng, Nguyễn Sóng Hùng, lâu nay K17 vẫn biết nó còn sống (chứ nếu chết thì đã um lên rồi) nhưng cả đám không đứa nào lần mò ra manh mối nó, chẳng biết nó phiêu bạt chốn đâu. Nước nam ta nào có rộng dài gì cho cam, mỗi tỉnh thành đều bé như mắt muỗi, có trốn cũng chả thoát, nói chi đời lưu lạc. Phải có ai đó, lúc nào đó phát hiện ra nó chứ, chẳng hạn ở quán cà phê, nơi bến tàu bến xe, ấy nhưng gần nửa thế kỷ đã trôi qua, mấy lần họp lớp xôm tụ hoành tráng vẫn vắng Sóng Hùng.
Trong cái danh sách khá dài những tên tuổi vắng mặt, nào anh Nguyễn Ngọc Xuân, anh Trần Nam Việt, anh Ngô Đức Nguyên, thằng Trần Văn Dũng, chị Hà Bích Liên, cái Nguyễn Thị Mùi, thằng Phạm Văn Bích, anh Trần Quang Thuật, anh Nguyễn Xuân Thụ, anh Nguyễn Huy Tưởng, thằng Nguyễn Sóng Hùng, cái Nguyễn Thị Lan…, cuối cùng phát lộ được Nguyễn Huy Tưởng xứ Ý Yên Hà Nam “từ cõi chết anh trở về chói lọi”. Thực ra thì lão Tưởng không hề chết, trái lại rất khỏe mạnh, điện nước tới khi ra trình diện vẫn đầy đủ, nhưng chả biết đứa nào đồn chết, thế rồi mọi người cứ tin là chàng đã khuất núi, còn chàng thì chỉ cách Hà Nội có vài chục cây số, cứ dứt khoát im lặng. May nhờ phây búc, nhờ ông Vũ Duy Chu bạn của Tưởng lên tiếng, thế là cả bọn háo hức theo xe mụ Dung kéo nhau về nhà Tưởng, hôm ấy nhà hắn chết mấy con gà thả vườn mấy lị một can rượu 5 lít của ông Chu, ổng cho thằng cháu xách sang.
Rồi anh Nguyễn Xuân Thụ nữa, ông này quả thật xém chết (chính ổng kể lại, đã từng thập tử nhất sinh), ấy vậy họp lớp năm 2016 lại hồng hào béo tốt, cầm mi cờ rô kể một lèo những nỗi đoạn trường, ai nghe cũng rơm rớm nước mắt.
Mỗi lần có dịp gặp nhau đông đông, lườm nguýt cấu véo nhau chán chê, thế nào cũng có đứa bật hỏi rằng chúng mày ơi, có tin tức gì anh Xuân già, anh Việt sát gái, thằng Sóng Hùng… không. Rồi những cái lắc đầu, cả buồn bã lẫn e ngại. Hay là các vị ấy đi cả rồi. Nghĩ thế nhưng chả đứa nào nói ra.
Thế rồi phát lộ Sóng Hùng. Cái nhà lão Trần Nhật Chính trời đánh kia, lão biết tin tức của Hùng từ lâu rồi nhưng chả hiểu sao lại không hé răng. Còn vì sao lão biết ư, bởi hai lão ấy từng cùng cựu chiến binh một trung đoàn, kể từ đợt cởi áo sinh viên khoác áo lính năm 1974, lâu lâu vẫn liên lạc với nhau. Không biết giời xui đất khiến thế nào lão lại nhờ mình cho số điện thoại của anh Triều Nguyệt, để rồi Sóng Hùng trở về với K17 như ngày tập trung trên cái trang Sát Thượng nhỏ bé ven sông Cầu.
Sóng Hùng, cứ theo trí nhớ đã lỏng lẻo của mình, thì dân Hải Hưng (Hải Dương và Hưng Yên), cùng quê với đám Đồng Văn Duyệt, Đoàn Văn Tuyến, Lê Thanh Nga, Dương Hồng Tư, Cao Dung Hòa, Đỗ Quyết Tâm… Lớp mình có còn nhớ không, Hùng không cao nhưng đậm người, dáng gù gù như con gấu. Mặt đầy đặn phúng phính. Y hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ hệt con gái, chứ không choang choác mất lịch sự như bọn Nguyễn Thông, Sĩ Đại, Bá Tân, Xuân Ba, Ngọc Bính… Một hôm, mình, thằng Phạm Văn Bích và anh Huy Cờ lẩn thẩn bảo chẳng biết nó có làm thơ không mà đặt tên là Sóng Hùng. Anh Cờ bảo chúng mày thắc mắc đéo gì, muốn biết thì cứ gặp thẳng nó mà hỏi, nhưng theo tao có nhẽ nó thần tượng ông Trường Chinh. Sóng Hồng và Sóng Hùng cũng na ná nhau.
Hồi ấy ông Trường Chinh nổi tiếng không phải chỉ là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (quốc hội bây giờ) mà còn thỉnh thoảng có thơ trên báo Nhân Dân. Đám học trò hệ 10 năm thời trước năm 1975 chả đứa nào không thuộc nằm lòng bài “Là thi sĩ” của ông ấy, có câu đinh “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”, mỗi lần làm bài tập làm văn về bất cứ chủ đề gì cũng cứ phải cố lôi bằng được câu ấy vào cho nó có khí thế. Một trong những nỗi khổ của học trò lứa chúng mình là phải học thơ của các ông Trường Chinh, Xuân Thủy, Lê Đức Thọ, lên gân ngang phè phè. Ông Trường Chinh có bài nói về chiến tranh nhân dân, mình còn nhớ câu mở đầu “Có một bầy kẻ cướp/Đột nhập nhà dân lành/Múa vuốt lại nhe nanh/Vểnh râu và trợn mắt”, đọc xong muốn ngã ngửa. Viết về mây, ông tả “Em ơi, ra mà xem kìa mây bay/Lớp lớp trên nền trời đuổi giặc/Tốp đi đầu in hình quân xâm lược”, rồi cuối cùng thi sĩ kết luận “Ôi, chiến tranh nhân dân là vô địch/Sẽ đi vào quần chúng học thuyết ta”, chối tỉ hết sức. Đại loại là thơ như thế, giống chuông khánh giục ra trận, ai không đủ bản lĩnh sau khi đọc chắc phát điên.
Tuy nhiên, Sóng Hùng của chúng ta không làm thơ như Sóng Hồng, y dễ thương hơn nhiều. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét