Trang

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2018

Thủ Thiêm

Có lẽ tra trên Gu gồ thời điểm này, Thủ Thiêm là từ nóng sốt nhất. Nóng cháy mạng.

Thằng con tôi bình luận toàn dân đang quan tâm đến những gì đã và đang xảy ra ở Thủ Thiêm. Giống như người ta từng hồi hộp, lo âu, buồn đau theo dõi những thứ diễn ra ở tỉnh Thái Bình năm 1997, Tiên Lãng Hải Phòng năm 2012, Dương Nội Hà Đông năm 2013, Văn Giang Hưng Yên năm 2014, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức ở Hà Nội năm 2017... Những trang sử viết bằng đất thấm máu và nước mắt người dân cứ nối ngày một dày, không biết bao giờ mới chấm dứt. Tất cả đều xảy ra dưới chính thể treo câu slogan “của dân, vì dân, cho dân, do dân” được cả bộ máy cai trị tụng niệm hằng ngày. Đổ bao nhiêu xương máu cốt xóa được một đồng Nọc Nạn nhưng sau đó lại sinh ra muôn nghìn đồng Nọc Nạn khác.

Tôi tận mắt thấy Thủ Thiêm cách nay vừa đúng 41 năm, hình như hơi bị sớm so với nhiều người bắc. Chả là cuối tháng 4.1977 tôi khăn gói ba lô (toàn bộ hành trang chỉ có một chiếc ba lô lép kẹp, đựng 2 bộ quần áo, cái màn đơn và chăn đơn, vài quyển sách quý) xuống tàu biển khách Thống Nhất trực chỉ Sài Gòn. Lên bến Nhà Rồng được ông anh trung úy biên phòng Nguyễn Quốc Vương bạn của anh trai tôi đón, cho tắm rửa ăn uống tử tế, sáng hôm sau đưa đi một vòng chiêm ngưỡng Sài Gòn hoa lệ trước khi về nơi nhận việc. Tôi khoác ba lô ngồi sau ba ga, hai anh em rong ruổi xe đạp trên đường Hàm Nghi, vòng tới chợ Bến Thành, ngược lên đường Nguyễn Huệ, ra bến Bạch Đằng. Chỉ cái cột cao cao, anh Vương bảo đó là cột cờ Thủ Ngữ, nhích xuống dưới tí nữa là bến đò Thủ Thiêm. Ngó sang bên kia sông, anh nói đó là Thủ Thiêm, đò nối sang bên ấy. Ôi cái con đò Thủ Thiêm mà tôi từng được nghe từ hồi nảo hồi nào.

Tôi ngắm Thủ Thiêm trong lúc mặt trời đã lên hơn con sào, cả một vùng mênh mông chỉ um tùm cây cối xanh ngắt, vài ba căn nhà thấp lè tè, đường ven sông thưa thớt người đi. Giống như một vùng đất bị bỏ hoang, đất chết, thiếu sinh khí. Thật lạ, bên này, bờ tây sông Sài Gòn nhà cao cửa rộng, lô nhô chọc trời, phố phường xe cộ người ngợm chen chúc đi lại nườm nượp như mắc cửi, còn bên kia, chỉ cách một con sông rộng gần 200 mét lại là xứ đìu hiu xơ xác nghèo nàn thảm hại. Anh Vương bảo bên ấy là đất của Việt cộng, làm sao mà phát triển như bên này được. Phải công nhận Việt cộng giỏi, bám ngay sát nách thủ đô mà chính quyền Sài Gòn không làm gì được. Giờ bần thần nhớ lại lời bác cựu sĩ quan biên phòng, sực nghĩ hóa ra dân bên ấy phần lớn đều có công với cách mạng cả, họ đã chở che mấy anh giải phóng, biệt động, đặc công; nay con cháu thế hệ kế tiếp mấy anh lại xuống tay chiếm đất đuổi họ ra khỏi nơi đã “che bộ đội, vây quân thù”. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

3 nhận xét:

  1. Của dân,vì dân,cho dân,do dân,được cả bộ máy cai trị tụng niệm hàng ngày....con cháu kế tiếp đuổi họ(dân ra khỏi nơi che bộ đội,vây quân thù)Chua chát,cay đắng quá ông Thông ạ.

    Trả lờiXóa
  2. có thằng nói : 99% dân nhận tiền đền bù , còn 1% không nhận , nó có biết đâu họ không nhận vì họ là dân cố cựu còn bọn kia là bọn đá cá lăn dưa , đầu đường xó chợ , dàn tế thiên !!!!!

    Trả lờiXóa
  3. Tếu chút cho vui. Kho tiếng Việt, từ "can" nhiều mà từ "cang" rất hiếm. Có một từ "cang" nhưng chính xác nó được biến âm từ từ "cương" trong "tam cang ngũ thường" và một từ "cang" khác, âm từ tiếng Pháp "cangue"(nghĩa Việt là gông cùm).
    Tất Thành Cang? Cái họ nghe là lạ và cái tên thì rất...vô nghĩa. Hay gộp nghĩa theo cách "Pháp Việt đề huề" cho nó...lành: Tất Thành Cang là Ắt
    phải bị gông! Hi hi...

    Trả lờiXóa