Như đã nói trong bài trước, suốt thời gian dài mấy chục năm ở miền Bắc, bảng xếp hạng ngũ cốc (được coi là nguồn lương thực chính) gồm có lúa, ngô, khoai, sắn, đỗ (đậu). Do hoàn cảnh chiến tranh, nền nông nghiệp lạc hậu, những thứ phục vụ nông nghiệp như máy móc, phân bón, giống má, kỹ thuật canh tác, nhân lực… đều thiếu thốn nên sản lượng lúa rất thấp, mỗi hecta chỉ cho vài tấn thóc. Gạo thiếu trầm trọng, phần lớn được dồn ra tiền tuyến nuôi quân “ăn no đánh thắng”, vì vậy dân chúng nơi hậu phương, nhất là nông dân, ăn độn quanh năm. Làm nông nghiệp, đánh vật với đất, một nắng hai sương, là lực lượng chính làm ra hạt thóc hạt gạo nhưng phải nói lúc nào cũng thèm cơm. Gạo, bột mì do các nước anh em Liên Xô, Trung Quốc… viện trợ chỉ để nuôi lính và dân thành thị cày đường nhựa. Nông dân, cụ thể là đám thiếu nhi, thanh niên nông thôn chúng tôi hồi ấy, cùng với ông bà, thày bu mình, chỉ rặt ăn ngô, khoai, sắn, đỗ. Gọi ngũ cốc cho sang chứ thực ra chỉ có tứ cốc, nồi cơm chạy qua hàng gạo, và thứ “cốc” phổ biến nhất, phải xơi hằng ngày chính là khoai lang.
Làng quê tôi vùng duyên hải Hải Phòng, nằm lọt giữa hai dòng sông Văn Úc và Đa Độ, nghe người nhớn kể lại thì thuở xưa là vùng đất bãi bồi. Hồi tôi còn tuổi thiếu nhi thập niên 60 vẫn thấy làng mình có nhiều đầm nước sâu, dẫn nước từ sông Văn Úc vào tận cổng chùa Trà Phương gần thành phủ. Đầm rộng mênh mông, cá tôm nhiều vô kể. Đi học về, tranh thủ buổi trưa vác cái dậm ra đầm là có lưng giỏ hoặc "dính đầy đít giỏ" tôm trứng, tép, cá bống mũn... Bác Ỷ tôi chiều chiều vác chiếc cần câu dử làm bằng cả cây dùng (một loại trong họ tre nứa) dài thườn thượt gần chục mét ra bờ đầm. Móc mồi là con chuồn lửa hoặc châu chấu vào lưỡi câu, dử dử vài nhát là cá rói đã lao tới tranh nhau đớp. Hôm nào bác cũng kết thúc cuộc câu dử với một xâu dài cá rói về khoe với bác gái. Có hôm giật trúng con cá rói to quá, bác kéo lên không nổi, phải kêu bọn trẻ con vào nhà ông Hàn gần đó mượn cái rổ sề, xúc con cá đem lên. Nó to đến nỗi, hôm sau anh Tân con bác khoe với chúng tôi nó nặng gần 4 ký. Trên đời tôi chưa thấy thứ cá nào ngon như cá rói đầm. Kho với dưa chua ngon béo không thể tả.
Cái đầm này, ông em rể tôi mày mò đọc những tư liệu cổ, cho biết nó vốn là một phần sông và bờ bãi sông Văn Úc, nối tuốt lên tận Dương Kinh là kinh đô trại của nhà Mạc cách đó năm, bảy cây số. Thời xưa thuyền bè dập dìu, trên bến dưới thuyền, những dịp lễ tết, hội hè đông vui chả kém chốn kinh thành. Sau thời thế thay đổi, bãi bể nương dâu, chiến tranh, lại cộng thêm sự phá phách của con người, khung cảnh cổ kính cứ lụi tàn hoang phế dần, chỉ còn trơ lại chùa Trà Phương cô độc giữa đám nhà mái bằng mái ngói lộn xộn xung quanh.
Do là vùng bãi nên làng có khu đồng đất cát pha mang tên cánh Bến. Thật lạ, những cánh đồng làng tôi mỗi nơi đất mỗi khác. Đồng giáp làng Phương Đôi phía tây bắc và đồng khu xóm núi thì tinh đất thịt, đất sét, xắn lên cứ dẻo quẹo, chỉ hợp với cấy lúa, trồng rau, dưa, thuốc lào. Mỗi lần học môn thủ công, cần đất nặn là chúng tôi xách thuổng ra những nơi đó, đem về cả bọc đất sét trắng ngà sạch tinh, cả lớp tha hồ nặn. Vậy nhưng khu đồng cánh Bến thì khác, dù nằm cùng làng, nhưng nó giống như của trời cho, ân tứ ban riêng cho dân làng. Đất cát pha, có lẽ giàu phù sa do sông Văn Úc đắp bồi, cứ mịn tơi, xôm xốp, chỉ cần bóp nhẹ cũng tan. Đi trên đất đồng cánh Bến, cảm giác bàn chân mát rượi, cầm nắm đất như chạm vào da thịt mịn màng của người con gái. Cày bừa, đập nương ruộng cánh Bến rất nhàn, nhất là đập nương. Ở đồng khác, mỗi hòn đất cày phải nện vài nhát vồ mới vỡ thì chỗ này thúc nhẹ vồ vào đã tan ngay. Khi làm việc hợp tác xã lấy công điểm, tôi chỉ thích khoản đập nương cánh Bến, vừa nhàn đỡ mất sức, vừa được nhiều diện tích. Cánh khác cả ngày chỉ nện được 1 sào thì cánh Bến làm 2 sào ngon ơ.
Đất tơi xốp thế nên rất hợp với trồng khoai và các loại củ. Nhưng cứ phải ưu tiên cho ngũ cốc vì vậy hợp tác xã chỉ trồng khoai lang. Còn khoai tây, lạc, khoai sọ… thì bà con tự trồng trên đất 5% hoặc vườn. Mấy thứ đó là củ ăn chơi, không giải quyết được nạn đói, thiếu lương thực, không được ưu tiên.
Cho tới bây giờ, lúa gạo ê hề, đôi lúc nâng bát cơm trắng tinh, tôi vẫn không quên củ khoai lang cánh Bến. Đất ấy hợp nên khoai ngon lạ lùng. Hợp tác xã thường trồng 2 loại khoai lang: khoai đỏ và khoai trắng. Khoai đỏ củ to, có những củ nặng cả ký, ngọt hơn, nhưng luộc lên ruột trong, trông không bắt mắt. Khoai lang trắng còn có tên khoai chuột lột, thường củ chỉ bằng cổ tay trẻ con, có nhẽ màu trắng ngà giống như con chuột bị lột da nên chết tên thành khoai chuột lột. Củ khoai chuột lột cánh Bến sau khi luộc, bẻ ra bở như bột, ăn miếng nào khoái miếng ấy. Trăm củ đều bở cả trăm. Bê rổ khoai luộc lên, khói bốc nghi ngút, tỏa mùi thơm thoang thoảng dễ chịu. Nếu nướng lại càng ngon. Những lần tôi nấu cơm, tranh thủ tro rơm nóng đỏ, tôi vùi vào mấy củ khoai chuột lột, có hôm chỉ khoai nướng đi “tiền trạm” đã no, bỏ cả cơm. Thày tôi bảo chỉ quê mình mới có khoai chuột lột ngon như thế, là nhờ ruộng cánh Bến. Nhiều hộ xã viên được chia khoai sau khi thu hoạch, chọn mớ khoai chuột lột ngon nhất đem ra chợ ngoài Phòng (Hải Phòng) bán, được giá gấp đôi ở quê. Củ khoai chuột lột cánh Bến ngon nức tiếng đất Phòng. Thày tôi có lần nhận xét nó ngon như bánh phong (bánh phong là loại bánh ép bằng bột nếp trộn đường, gói trong giấy hồng điều, mỗi chiếc to hơn 2 ngón tay, giá 1 hào/cái). Mà quả thế thật. Anh họ tôi sống ngoài phố, tới mùa khoai, về quê ôm cả bọc mì sợi to biếu chú thím, bảo cháu chả có gì làm quà, nhưng hôm nào cháu ra cháu chỉ xin vài củ khoai chuột lột. Kể cũng hợp lý. Chúng tôi thèm mì sợi bởi ăn khoai nhiều quá thì nghẹn cổ, cũng ngán, còn ông anh thì được củ khoai chuột lột như bắt được cục vàng, để ăn dè. Sau có lần tôi nghe anh thủ thỉ ăn khoai chuột lột cánh Bến cho đỡ nhớ quê.
Lại nói thêm về đồng cánh Bến. Như người nhớn kể, ngày xưa nơi này có bến đò ngang qua đoạn sông nhánh để sang bờ phía tây, vùng xã Kiến Quốc, Tú Đôi bây giờ. Cánh đồng sát bến đò gọi là cánh Bến. Khu nghĩa địa mồ mả nằm cuối cánh đồng thì có tên Mả Đò. Hồi năm 1947, đội công an vũ trang tỉnh Kiến An về đóng quân, luyện tập tại xóm bến. Một hôm, anh em đang quây quần ăn cơm tại sân nhà ông Mỹ thì bọn Pháp biết, nghe nói có mật thám báo tin. Chúng từ đồn Nghi Dương kéo lên, đồn Núi Đối kéo xuống, chia thành gọng kìm bao vây chặt. Khi công an ta phát hiện thì chúng đã áp sát. Anh em hầu hết không kịp lấy súng ống, chạy ra cánh Bến, cầm cự giữa những ruộng khoai, lấy luống khoai làm công sự. Nhưng cánh đồng trống trải chẳng che nổi mấy đứa con tay không. Trận ấy quân ta hy sinh gần hết, nay ở nghĩa trang liệt sĩ xã Thụy Hương còn mộ của 14 cán bộ chiến sĩ ngã xuống trên ruộng khoai cánh Bến, mỗi lần tôi về quê đều ghé thắp hương cho các anh. Về sau nhiều khi cầm củ khoai cánh Bến cứ bất giác nhớ đến những con người dũng liệt ấy.
Hồi thiếu niên, đi dỡ khoai hợp tác, tôi hay ghé vào nhà ông Mỹ, được ông kể lại chuyện đội công an vũ trang. Anh trai tôi bảo, nhà ông Mỹ như một thế giới thu nhỏ, tên người tuyền là tên nước. Anh em, cha con nào là Mỹ, Nga, Đức, Trung…, nhưng không có ai tên Pháp, chả dại gì đặt cái tên ấy để bị chửi. Ông Mỹ có người con gái tên Mên kém tôi một, hai tuổi. Chú Nga giải thích rằng Mên là Cao Mên (Miên), tức Campuchia bây giờ. Mên rất xinh, dịu dàng, hiền lành, hồi tôi học lớp 10 đi gặt lúa hợp tác, chị Sìu cùng nhóm gặt cứ chế, ghép đôi tôi với cô ấy. Mên chỉ cười, mặt ửng đỏ, thẹn thùng, còn tôi trai làng quê cũng hay ngượng nghịu, tìm cách lảng, sợ bị chế nữa. Rồi lớn lên bay nhảy, cứ đi, đi mãi, chả nhớ gì tới quê mình, có cánh Bến, có một người con gái dịu dàng.
Nguyễn Thông
Đọc bài viết của ông,bao nhiêu kí ức ùa về, làng tôi cũng chẳng khác gì làng ông, ôi một thời thèm cơm quá thể,một thời khốn khó,mong ông viết thêm một kì nữa cho thỏa lòng những kẻ vụng văn như chúng tôi được nhìn lại chính mình.
Trả lờiXóaThế ra bác Nguyễn Thông cùng nơi chôn nhau với em. Thời bác còn ở quê thì còn chung huyện An Thụy, nay thì lại trở lại như xưa, quê em ở đầu sông Đa Độ- An Lão, quê bác Kiến Thụy- Cuối con sông này, nhưng vẫn chung một bên bờ dòng sông Văn Úc. Em cũng như bác sống xa nhà nên nhớ quê lắm, chất văn của bác làm em sống lại cả thời thơ ấu, những chất liệu quê ấy chỉ có những người con sinh ra và lớn lên ở đấy mới có được. Mong bác có nhiều bài viết về quê mình và vì quê hương Việt Nam mình.
Trả lờiXóa