Trang

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018

Những vị tướng làng tôi

Nhà nước đang lôi một loạt tướng lĩnh cao cấp, có cả thượng tướng, trung tướng, ném vào lò chống tham nhũng. Leo lên đến tướng mà còn hư hỏng, thật quá thể. Sực nhớ về những vị “tướng” của làng.

Làng tôi là làng (thôn) Trà Phương thuộc xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng. Xã có 3 thôn làng, hai thôn kia là Quế Lâm và Phương Đôi, thôn Trà Phương nằm chính giữa, hai bạn kẹp hai bên. Hầu như mọi trụ sở của “bộ máy trung ương xã” như ủy ban, trường học, trạm xá, nhà văn hóa… đều đặt tại làng Trà. Ngày xưa giữa làng còn có cái đình rất to, nghe kể dựng từ thời nhà Mạc, được tu sửa thời nhà Nguyễn, hàng chục cột lim cả vòng tay người ôm, hành lang bao quanh bằng đá xanh núi Nhồi (Thanh Hóa) mỗi tảng nặng vài tấn, nhưng hồi năm 1964 bị hợp tác xã dỡ lấy gỗ đá xây trại chăn nuôi. Nơi đặt cái đình chính là trung tâm của xã, nay trường cấp 2 ngự trên nền đó.

Làng tôi từng được nhà nước thời Pháp thuộc cuối thế kỷ 19 chọn làm nơi đặt phủ Kiến Thụy với tòa thành phủ rất hoành tráng. Vị thế đắc địa, rất đẹp, trên bến dưới thuyền. Năm 1945 nổ ra cách mạng, phủ Kiến Thụy bị quân cách mạng đánh chiếm, sau đó bỏ hoang, qua thời kháng chiến 9 năm cứ hoang hóa tàn tạ đổ nát dần. Hồi tôi trẻ con, thấy tòa thành cũ bằng đất vẫn cao ngất mấy mét, chân rộng cả chục mét, giống như con trăn khổng lồ. Người dân tự động san lấp, phá từng đoạn trồng sắn, trồng tre, làm nhà ở trên mặt thành, còn hợp tác xã thì chọn những chỗ thuận tiện nhất xây trại chăn nuôi, làm lò gạch. Cứ việc cuốc đất thành phủ ra mà trộn đều đóng gạch bỏ vào lò nung, chẳng cần đào bới gì sất. Sau những buổi đi học, tôi thường mò ra thành phủ kiếm củi, đánh trận giả, lội xuống đầm Phương Đôi phía sau thành đánh dậm kiếm mớ tôm tép, có hôm tối mịt mới về.

Khi tôi chục tuổi (giữa thập niên 60) cả xã chỉ độ hơn 2.000 người, làng Trà đông nhất chiếm một nửa dân số. Chủ yếu là nông dân chân lấm tay bùn. Những người có chút chữ nghĩa thì đã đi thoát ly, người ra nội thành Hải Phòng làm công nhân, người làm cán bộ trên huyện, người đi bộ đội. Những ai dính tí lý lịch “chính quyền cũ” như thày tôi chẳng hạn (từng làm thư lại ở phủ Kiến Thụy) thì chỉ còn cách duy nhất cày ruộng. Chữ nghĩa bao nhiêu cũng mặc (thày tôi thạo cả tiếng Hán, tiếng Pháp). Gần nửa đời người mới tập cầm cày nên ông cụ lóng nga lóng ngóng, quất trâu nó chẳng chịu đi, cuối cùng lại giao hết cho bu tôi. Thày nhận “nhiệm vụ” lo dạy dỗ con cái, cơm nước, việc nhà, chăn nuôi gà lợn, làm vườn, còn bu tôi lo vòng ngoài, việc hợp tác, ruộng đồng, hàng xay hàng xáo, buôn bán kiếm thêm chút đỉnh. Có nhẽ vì thế mà thày tôi nấu ăn rất khéo, ngon. Ai có việc đơn từ gì họ thường đến nhờ thảo giùm. Nhiều hôm thày tôi ngồi trò chuyện đàm đạo với sư ông Thích Quảng Mẫn trụ trì chùa Trà suốt buổi ra chiều, hiểu nhau tâm đắc lắm. Cả ông phó Bót thợ cắt tóc cũng hay ghé chơi, hai ông nói với nhau bằng tiếng Pháp nhoay nhoáy. Mấy chị em tôi và người trong làng đều bảo thày tôi là dạng trí thức chân đất, trí thức nông dân. Bu tôi cười, bảo lắm chữ bây giờ cũng chả làm gì, cứ đi cày giỏi như chú Mịch, cậu Thê kia may ra có cơm mà ăn. Nghe chọc quê thế, thày tôi chỉ cười, cúi đầu như người có lỗi.

Nhưng điều tôi muốn kể ra đây, như đã viết cái tên đầu bài, không phải về những người như thày tôi bu tôi, mà về những người lính, về những bộ đội của làng. Dưới mắt đám trẻ con thò lò mũi xanh chúng tôi, đó là những anh hùng, những mẫu người mình ao ước, nằm mơ sau một đêm sẽ biến thành như vậy.

Cứ như tôi nhớ, làng tôi người đăng lính cũng không nhiều. Đi lính cho Pháp hồi Pháp còn chiếm đóng, tôi chỉ biết có mỗi chú Số, mà cũng chả phải chính quy chính kiếc gì, chỉ là địa phương quân. Hòa bình 1954, chú bị chính quyền mới bắt đi cải tạo. Gọi là cải tạo nhưng thực chất là đi tù, giam mãi 11 năm mới được thả. Ra tù, về quê làm nông dân, hiền lành chân chất. Hồi đi lính địa phương quân, có càn quét bắn ai bao giờ, thế mà tù tội những hơn chục năm, kinh thật. Hình như đã có chỉ tiêu mỗi làng phải có bao nhiêu người bị cải tạo, giống như hồi cải cách ruộng đất phải đạt 5% địa chủ. Làng tôi bé tí, ruộng đất cũng đâu có bao nhiêu, chẳng hiểu sao họ cũng kiếm ra địa chủ, thậm chí có hẳn một “địa chủ” sau khi bị đấu tố, đội cải cách lôi ngay lên đầu núi Chè lập pháp trường, bắn luôn. Chị gái tôi kể hôm đó đi xem bắn địa chủ về suốt đêm sợ ma không ngủ được. Năm ấy tôi mới 1 tuổi. (viết ngắn cho dễ đọc, còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét