Lần ấy tôi ngồi với mấy nhà báo. Trông anh nào cũng thông tuệ, hiểu đời, linh lợi, miệng bằng tay, tay bằng miệng. Phục lắm. Khi ai đó nhắc tới món chay, tôi liền rụt rè bảo rằng tôi ghét nhất nhà chùa, nhà sư đã là chốn tu hành, đi tu mà chưa dứt được trần tục, chay chẳng ra chay, mặn chẳng ra mặn. Đã ăn chay lại còn chay cá chay tôm thì chửa giác ngộ, nghiệp còn nặng. Nghe tôi nói vậy, một nhà báo phê ngay, thế nhỡ người ta ăn chay theo khoa học dinh dưỡng thì sao, món chay-mặn như thế thì có gì đáng phê phán, nếu phê cái gì cũng phải xem xét đầy đủ, ngay phê chế độ này cũng vậy, đừng chỉ nhìn cái bề ngoài mà vội phán xét...
Chàng nói một thôi một hồi, tôi cứng họng, nín khe. Cứng không phải bởi không dám cãi một nhà lý luận, mà thấy không cần cãi, không cần tranh luận tiếp nữa. Tôi đang nói về món chay của nhà chùa, nhà sư, còn chàng chuyển qua chay dinh dưỡng, cãi cũng bằng thừa, nhất là với một người có tư duy như thế.
Không cãi còn bởi lúc ấy sực nhớ ngay chuyện Khổng Tử. Chuyện rằng một ông chắc thuộc loại tay chơi tới hỏi học trò Khổng Tử, tao hỏi mày một năm có mấy mùa. Học trò đáp có 4 mùa, tay chơi bèn bảo rằng mày dốt, có khi thày mày cũng dốt, 1 năm chỉ có 3 mùa thôi. Mày không tin để tao hỏi thày mày. Liền hỏi cụ Khổng, một năm có mấy mùa. Khổng Tử đáp có 3 mùa. Tay chơi liền bảo, thấy chưa, thày mày cũng nói có 3 mùa, rồi đi thẳng. Trò thưa với thày, một năm có 4 mùa, sao thày lại nói 3, chả nhẽ thày đồng ý với cái sai của nó. Khổng Tử cười, con ạ, hơi đâu mà tranh luận với những người như thế. Họ chả bao giờ nghe ý kiến mình đâu.
Trên đời này còn nhiều người như vậy lắm.
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét