Trải thế hệ này qua thế hệ khác, ta từng nghe ông cha truyền lại những tấm gương Tô Hiến Thành, Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giang Văn Minh, Lê Quý Đôn, Nguyễn Công Trứ… đỗ đạt cao, giỏi giang trị quốc bình thiên hạ, vì dân vì nước, tấm lòng trong sạch. Họ in dấu cả trên bia đá bảng vàng ghi danh lẫn những lưu truyền trong lòng người và văn chương, sử sách.
Nhưng cũng có không ít ẩn khuất, góc tối, góc hẹp khiến có những kẻ sĩ suốt dặm dài thời gian bị che phủ, mờ nhạt, không lộ diện, thậm chí bị hiểu sai, méo mó, ngược hẳn với con người thực. Tình trạng ấy của lịch sử đã xuất hiện trong nhiều giai đoạn, nhất là khi có những biến thiên thời cuộc, xã hội bãi bể nương dâu, “thế gian biến cải vũng nên đồi”. Thôi thì chả dám trách, tránh sao được khi búa tạ thời đại giáng vào ai đó, chỉ có điều thật mừng bởi có lúc phát lộ những khoảng sáng vỡ òa khiến sự thật trở về đúng với nó vốn có, nhờ công khai phá tìm tòi của nhiều thế hệ hậu sinh.
Trong những sự khai phá ấy, gần đây nhất là 2 cuốn sách chững chạc, nghiêm túc xoáy sâu vào chủ đề kẻ sĩ của nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Thắng (tức Từ Khôi): Cuốn Vụ án Thái sư hóa hổ (năm 2017) và Đạo sắc màu máu (năm 2018).
Tôi đã từng nhắc tới công trình nghiên cứu dày dặn Vụ án Thái sư hóa hổ nên không đề cập nhiều nữa. Chỉ nhớ rằng, là nhà báo đi nhiều hiểu nhiều (nhà báo Từ Khôi là Phó trưởng ban Văn hóa nghệ thuật báo Đại đoàn kết, am hiểu vốn cổ, thạo chữ Hán), anh đã nghiên cứu sâu và kỹ lưỡng về vụ án “lừng danh” có một không hai trong lịch sử nước ta: Thời nhà Lý thế kỷ 11, Thái sư Lê Văn Thịnh, quan đầu triều, quyền chỉ dưới vua, bị kết án tội hóa hổ “âm mưu giết vua”, cách tuột cả quan tước, bị đi đày, khi mãn hạn đã chết như một kẻ ăn mày nghèo khó. Suốt bao nhiêu năm, một kẻ sĩ “đỉnh giáp khai khoa” (đỗ đầu khoa thi đầu tiên của nước nhà), một vị quan lẫy lừng, công giữ nước khó ai bì, đã bị nhắc trong sự nguyền rủa của người đời. Cũng đã có không ít nhà nghiên cứu làm cái việc xắt từng lát sử đánh giá lại vụ việc để chiêu tuyết cho ông. Nhà báo Từ Khôi với những chuyến điền dã cặm cụi không mệt mỏi, lật từng viên gạch hòn ngói, tỉ mỉ soi đọc từng tấm sắc phong, hoành phi, câu đối bấy lâu chìm khuất trong nhân gian và phát hiện sự thật bất ngờ: Trạng nguyên-kẻ sĩ-Thái sư Lê Văn Thịnh đã bị oan, mối oan khuất cả nghìn năm mới được giải tỏa. Nhân cách một kẻ sĩ dùng tài năng và đạo đức của mình phục vụ cho đất nước, cho muôn dân lại sáng bừng lên sau dằng dặc những tăm tối hàm oan.
Trong Đạo sắc màu máu, tác giả Từ Khôi dựng lại những hình ảnh kẻ sĩ mà chúng ta đã biết ít nhiều, gồm Giang Văn Minh và Nguyễn Duy Hiểu (thời Lê - Trịnh), Lê Văn Thịnh (thời Lý), Đặng Trần Côn (thời Lê), Lê Hữu Trác (thời Lê), Nguyễn Văn Siêu (thời Nguyễn), Cao Bá Quát (thời Nguyễn). Mỗi người một vẻ, người thì tài giỏi kinh bang tế thế, giúp vua gây dựng cơ đồ, người luôn đau đáu nỗi thương đời thương dân chịu cảnh trầm luân loạn lạc, người chăm chút từng viên gạch văn hóa để bảo tồn truyền thống văn hiến dân tộc, người cương trực khí tiết, người nhân hậu yêu thương… Tất cả hiện lên rất sinh động qua những “chạm khắc” tỉ mỉ của tác giả, sâu sắc và tinh tế. Và đáng nói nhất, Từ Khôi mở cho bạn đọc thêm những cánh cửa mới hiểu hơn về con người lịch sử mà bấy lâu ta tưởng như đã biết kha khá đầy đủ rồi.
Xưa nay, vế đối lừng danh “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng từ ngày xưa máu vẫn còn đỏ) đập lại thói kiêu ngạo của vua quan nhà Minh trong câu thách đối “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng tới giờ rêu đã phủ xanh), người đời chỉ biết và nhắc tới vị sứ thần oanh liệt Giang Văn Minh, nhưng thực ra, với phát hiện của tác giả Từ Khôi, căn cứ vào các bản sắc phong, chiếu biểu, di tích thờ cúng, nay phát lộ rằng đợt đi sứ “không nhục mệnh vua”, “giữ gìn quốc thể” để lại tấm gương “thiên cổ anh hùng” ấy không phải chỉ liên quan tới sứ đoàn của chánh sứ Giang Văn Minh mà cả đoàn của chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu (vì sao cùng lúc phải đi 2 đoàn đã được tác giả lý giải rất rõ), cả hai kẻ sĩ anh hùng Giang Văn Minh và Nguyễn Duy Hiểu có thể coi là đồng tác giả của vế đối bất khuất. Lịch sử bấy lâu cũng biên ghi chưa đầy đủ, thường chỉ nhắc tới Giang tiên sinh mà quên vị anh hùng họ Nguyễn. Cả hai vị chánh sứ đều bị bọn vua quan nhà Minh kiêu ngạo, tàn ác xử tử, mổ bụng moi gan chỉ vì họ đã dám đối lại bằng ý chí bất khuất, khí phách anh hùng.
Người đời cũng từng ngạc nhiên tại sao Trạng nguyên, Thái sư Lê văn Thịnh bị xử tội mưu giết vua nhưng ngôi chùa - đền thờ ông bây giờ lại chính là căn nhà mà ông đã từng sống chứ không phải bị tịch thu, bị xóa sạch vết tích như nhiều trường hợp khác (Nguyễn Trãi chẳng hạn). Sở dĩ vậy bởi Lê Văn Thịnh công lao quá lớn, nên ông được tha tội chết, chỉ bị đi đày, tài sản nhà cửa bị xử lý theo phép “hóa gia vi tự” (biến nhà thành chùa) chứ không xóa sạch.
Và còn nhiều bất ngờ khai mở nữa trong cuốn sách sẽ trả lời những thắc mắc của hậu sinh: Tại sao danh sĩ Đặng Trần Côn lại đào hầm, tự giam mình vào đó để học và viết, trong đó có tuyệt tác Chinh phụ ngâm? Cuốn sách y học nổi tiếng Y tông tâm lĩnh của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác do ai tổ chức khắc ván in lưu truyền cho đời sau, có liên quan gì tới mối tình của ông với người đàn bà năm xưa? Tháp bút bên hồ Gươm hầu như ai cũng biết tác giả là cụ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu nhưng nó được hình thành như thế nào, ai thi công… thì chả mấy người tỏ tường. Và tình bạn giữa Nguyễn Văn Siêu – Cao Bá Quát, cặp “thần Siêu thánh Quát” có phải chỉ là duyên văn chương hay còn gì khác? Bấy nhiêu cũng để bạn đọc không rời mắt khỏi cuốn sách chỉ 149 trang này sau khi đã lật mở trang đầu.
Điều đọng lại, và có lẽ cũng là điều mà tác giả Từ Khôi gửi gắm tới mọi người, là xã hội Việt Nam qua bao biến thiên đã bừng lên những kẻ sĩ tuyệt đẹp cả về tài năng và nhân cách. Họ như niềm an ủi, động viên cho những thế hệ hậu sinh khi bất chợt lúc nào đó thấy tại sao thời nay “đi giữa phố đông không thấy mặt người”.
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét