Trang

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

Ăn của rừng dửng dưng nhờn luật

Hơn tháng trước, dư luận ồn ào, chú mục vào căn “biệt thự” và cơ ngơi hoành tráng của gia đình ca sĩ Mỹ Linh, rồi từ đó phát lộ ra những vụ phá rừng, xây dựng trái phép, lấn chiếm công khai rừng phòng hộ Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội.

Vụ việc quá nóng, lời ra tiếng vào, đúng sai cứ loạn xạ cả lên, “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” nên chẳng đặng đừng, ngày 22.10, Thanh tra TP.Hà Nội phải lên tiếng công bố chính thức tổ chức thanh tra toàn diện quá trình sử dụng đất rừng trên địa bàn H.Sóc Sơn, tập trung chủ yếu vào 2 xã Minh Phú và Minh Trí.

Hôm 14.11 vừa qua, khi giả nhời những chất vấn của cử tri về vụ chiếm rừng phòng hộ Sóc Sơn, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nói rằng thành phố sẽ công bố công khai kết luận thanh tra (của Hà Nội) trước Tết và nêu rõ trách nhiệm những cá nhân tập thể liên quan. Cũng cần nói thêm, chính ông Chung ngày 30.10 đã tuyên bố, với 27 công trình mới vi phạm thì dứt khoát cưỡng chế, còn những vi phạm trước đó sẽ thực hiện theo đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Là người đứng đầu chính quyền thủ đô, nơi có rừng đặc dụng và phòng hộ Sóc Sơn, nơi xảy ra liên tiếp những vụ phá rừng, xâm lấn rừng trái phép, vi phạm pháp luật bảo vệ rừng diễn ra suốt mấy chục năm nay, ông chủ tịch đang phải gánh hậu quả nặng nề mà những người tiền nhiệm do vô trách nhiệm để lại. Vẫn biết không thể đòi hỏi ông ra tay một lần là quét sạch mọi vi phạm, bởi như ông nói, còn những phức tạp do lịch sử để lại, nhưng lần này mà chính quyền không làm rốt ráo, vụ việc lại “ném đá ao bèo”, giải quyết nửa vời, thì lại để tiếp tồn đọng nợ xấu cho người sau.

Thực ra, chuyện phá rừng ở nước ta chẳng phải là sự mới mẻ gì. Rừng trên cả nước mấy chục năm qua đã trải bao trận bão phá kinh hoàng, không phải do trời mà do người. Về lý thuyết, rừng là tấm thảm xanh, là lá phổi, hơi thở, dưỡng khí, là áo giáp bảo vệ cho cuộc sống của muôn loài. Giữ rừng, bảo vệ rừng chẳng nhằm vào gì khác mà để bảo vệ chính con người. Ấy vậy nhưng, thực tế lại quành theo lối khác. Rừng xứ ta bị phá tàn bạo, tới mức có câu chuyện đùa cay đắng rằng sự nghiệp phá rừng cơ bản đã hoàn thành, vượt mức kế hoạch. Dù nhà nước, chính phủ rất rốt ráo tuyên chiến với nạn phá rừng nhưng đủ kiểu lâm tặc đã móc nối nhau coi thường pháp luật và rừng vẫn tiếp tục bị phá, mà vụ rừng phòng hộ Sóc Sơn là ví dụ cụ thể.

Lật giở những từ chuyên môn, thì rừng phòng hộ tức là loại rừng có vai trò cực kỳ quan trọng bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sự sa mạc hóa, hạn chế tác hại của thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường, hạn chế xâm nhập mặn, chắn cát... Rừng phòng hộ Sóc Sơn góp phần cùng những cánh rừng khác chở che cho Hà Nội, cho gần chục triệu người thủ đô. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ thấy việc phá rừng là không thể chấp nhận được. Mặc dù pháp luật trước kia (khi chưa có Luật Lâm nghiệp) cho phép chuyển nhượng đất rừng nhưng cũng quy định rõ chỉ được chuyển nhượng cho người tại chỗ chứ không phải ở nơi khác tới, và đặc biệt nghiêm cấm việc biến đất rừng thành thổ cư, xây dựng nhà ở và các loại công trình khác. Mọi quy định đều rất rõ ràng nhưng những kẻ coi thường pháp luật cùng những kẻ tham tiền, ỷ vào sức mạnh đồng tiền đã bất chấp tất cả. Pháp luật với họ cũng chẳng bằng lợi ích cá nhân.

Những vụ vi phạm xâm lấn rừng phòng hộ Sóc Sơn đã kéo dài hơn 2 chục năm nay, dư luận xã hội và báo chí truyền thông đã nhiều lần lên tiếng, chính quyền cũng nhiều lần vào cuộc và hứa sẽ giải quyết, thanh tra chính phủ cũng từng ra quân và có kết luận, dân cũng đã rất bất bình, chỉ để rồi cuối cùng vẫn chửa đi đến đâu, thậm chí càng ngày càng tệ. Chẳng khác gì thứ bệnh ngoài da không có thuốc đặc trị nên nó cứ lan rộng, hoặc như khối ung nhọt ngày càng lở loét. Những biệt phủ, biệt thự, khu “du lịch sinh thái”, nhà nghỉ, lầu ngang dãy dọc, chốn ăn chơi… của quan chức, đại gia, ca sĩ, họa sĩ, tướng tá chẳng khác gì vết hắc lào khó chịu trên cơ thể rừng đặc dụng, rừng phòng hộ Sóc Sơn. Người ta lấy lý do đất đã có sổ đỏ thì được quyền xây nhà, làm công trình kiên cố; nếu xây nhà không phép thì chỉ vi phạm Luật Xây dựng chứ đâu có vi phạm Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp. Và người ta luôn dựa vào thứ nguyên tắc bất thành văn “phạt nhưng cho tồn tại”. Người ta ỷ vào vị thế “người của công chúng”, có danh có tiếng, có tiền có uy, có quan hệ rộng rãi, có chức tước trong bộ máy hiện hành… để đứng ngoài pháp luật.

Giờ đây nhân dân chỉ yêu cầu: đã xử lý thì phải căn cứ vào pháp luật và nghiêm minh. Không có vùng cấm, không né tránh bất cứ đối tượng nào, không chừa ra “những tồn đọng lịch sử”, không đổ cho những người tiền nhiệm để có cớ thoái thác. Đã sai, vi phạm pháp luật thì dù xảy ra ở thời điểm nào, xác định được sai thì phải sửa sai, đừng đổ lỗi cho “khóa trước”. Ngay cả việc Thanh tra Chính phủ từng có kết luận, nếu chưa chính xác, cần được thanh tra lại. Cứ thẳng tưng thước thợ, cán bộ lợi dụng chức vụ quyền hạn làm sai thì phải chịu trách nhiệm, người mua bán trái phép, xây dựng trái phép phải bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Rừng phòng hộ Sóc Sơn tan hoang, người dân có quyền đặt câu hỏi: Vậy thì vai trò của chính quyền, sự quản lý của nhà nước ở đâu? Pháp luật ở đâu? Coi những bức ảnh về rừng phòng hộ Sóc Sơn, có thể thấy tình trạng vô chính phủ, cha chung không ai khóc, coi khinh luật pháp, mạnh ai nấy làm, bất cần quy hoạch. Sự lộn xộn, nhôm nhoam, tan nát, rừng chẳng ra rừng, phố chẳng ra phố ở Sóc Sơn khiến dân chúng hoài nghi về bộ máy lãnh đạo. Đất đai, cụ thể là rừng, cụ thể hơn nữa là rừng phòng hộ Sóc Sơn, không chỉ liên quan tới cuộc sống, sự tồn tại và số phận của người dân, mà còn tới pháp luật, chính sách, bộ máy điều hành quản lý, chế độ… Không thể cứ nhùng nhằng xử lý kiểu lửa rơm, đầu voi đuôi chuột, để lâu cứt trâu hóa bùn. Đã từng có những bài học tương tự về xử lý vi phạm đất đai để làm theo hoặc rút kinh nghiệm, xa thì vụ chiếm rừng đặc dụng Hải Vân của đại gia vàng và tướng công an ở Đà Nẵng, gần thì vụ giải tỏa nhà xây dựng trái phép ở Hải Phòng. Sự kiên quyết của chính quyền trong những vụ ấy được công luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Chẳng nhẽ Hà Nội, nơi cả nước trông vào, nín thở chờ đợi từng biểu hiện, lại không thể làm được như nơi khác.

Đừng để vụ xâm lấn rừng Sóc Sơn lại rơi vào cái vết xe xử lý cắt ngọn tòa nhà 8B Lê Trực đầy những chua chát, bi hài.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét