Cứ cái đà này, không chừng mai mốt có cả hội táo bón, hội đái dầm, hội ngủ mê, hội ngáy, v.v.., vui ra phết. Cả nước sinh hoạt hội quanh năm suốt tháng, không cần đợi tháng giêng hai nữa. Khi ấy, chả ai thèm đi hội chùa Hương, hội Phủ Dầy, hội Lim, cứ ở nhà cũng có người tới khiêng đi hội vệ sinh, ngáy, đái dắt. Vui phết.
Nhắc tới chuyện vệ sinh, lại nhớ nhiều thứ từng xảy ra trong “phạm trù” này, có cái đã trôi vào dĩ vãng, chẳng ai nhắc tới nữa, có cái vẫn lảng vảng đâu đây dù cuộc sống thay đổi từng ngày.
Bây giờ, người ta nói với nhau theo kiểu có văn hóa thì gọi là vệ sinh, thậm chí những anh chị mang phong cách tây phải dùng từ toilet (đám choai choai phát âm thành toi lít), chẳng hạn tới nhà hàng hay khách sạn nào đó, mót quá liền vẫy tay hỏi nhân viên, em ơi cho anh (cho chị) hỏi toi lít ở chỗ nào. Quá lịch sự. Chả như các cụ ngày xưa cứ sổ toẹt là đi ỉa, đi đái.
Nhưng mấy cụ đó là số đông nông dân thôi, chứ mấy cụ nho cũng lịch sự phết. Có chút chữ nghĩa, các cụ không thích sự trần tục. Theo các cụ, 3 hành vi “vệ sinh” của con người được chia thành 3 hạng theo mức độ… bẩn, là ỉa, đái, đánh rắm. Nhưng ai lại nói thẳng ra thế bao giờ, các cụ bèn đặt cho chúng tên rất văn vẻ: đại tiện, trung tiện, tiểu tiện. Nghe cực kỳ văn hóa. Cứ từ nguyên chữ Hán thì “tiện” có nghĩa là bẩn thỉu, hèn, thấp kém. Ti tiện là thấp (ti) hèn, bần tiện là nghèo (bần) hèn, hạ tiện là kẻ hèn dưới thấp (hạ)… Ở những từ mà các cụ đặt ra, tiện mang nghĩa bẩn thỉu. Đại tiện là bẩn nhất, bởi nó chỉ hành động (đi ỉa, đi cầu, đi ngoài) sinh ra cái thối (phân, cứt), ai cũng ghê. Tiểu tiện là đi đái. Nước đái chỉ có mỗi “tội” khai chứ không ghê lắm. Có những đứa trẻ đái dầm, bố mẹ nó tuy biết nhưng chả hơi đâu thay quần cho nó, đêm nào nó cũng đái thì nản là phải, bèn kệ, sáng mai thay cũng chả sao. Nói theo kiểu bây giờ là “sống chung với nước đái”. Trẻ con đứa nào chẳng đái dầm. Nếu có thống kê, tôi đảm bảo 100% trẻ con đái dầm. Không đái dầm không phải trẻ con. Khổ nỗi, khi ngủ mê đái trong quần, đái trên giường, lại cứ tưởng đang bắc vòi tè vào bụi tre hoặc vũng nong. Còn nghe rõ cả tiếng nước chảy. Hồi tôi còn bé, nghe mấy đứa mách nhau cứ bắt con nhện đem nướng ăn thì hết đái dầm. Thằng Tịu con ông Rêu thú thực nó đã ăn cả chục con nhện to kềnh mà đái vẫn cứ đái. Bu nó mỗi lần giặt chiếu lại mắng nó như tát nước. Mùa đông còn chết nữa, đái ra chăn, cả nhà hôi mù, giặt thì lấy gì mà đắp.
Hành vi “bẩn thỉu” thứ ba là trung tiện – đánh rắm. Kể ra các cụ ngày xưa cũng kỹ. Còn đặt tên đặt tiếc, ra cái vẻ. Trung là ở giữa. trung tiện nằm giữa đại tiện và tiểu tiện. Thực ra đánh rắm không đến nỗi tệ lắm. Đầy bụng thì có lúc phải xì ra. Khi còn bé, tôi hay nghe người nhớn bảo ăn hột mít đánh rắm rất khiếp. Anh Hữu con bác Tư cùng học cấp 1 với tôi. Nhà anh có cây mít. Nhiều hôm anh đi học, ngồi trong lớp cứ tủm tủm liên tục, đứa nào cũng khiếp. Hết lớp 7, anh đi bộ đội, hy sinh ở chiến trường miền Nam.
Trung tiện không bẩn hoặc khó chịu như tiểu tiện (mùi khai) nhưng nó có “yếu tố thối” nên bị xếp hạng trung, thực ra kể cũng hơi oan. Tuy nhiên, xét về độ lịch sự thì trung tiện thường bị chê nhất. Ngồi giữa đám đông, hoặc đang đi thang máy đông người mà bất ngờ làm phát trung tiện, lúc ấy chỉ có độn thổ bởi ngượng. Nhưng biết làm sao. Nó (rắm) có phải cán bộ đâu mà chỉ đạo được nó. Truyện dân gian cũng hay nhắc tới hành vi này, chủ yếu để chê. Chuyện rằng có ông quan đánh phát rắm. Mấy anh nịnh được dịp, mừng quá. Anh thì khen “I hi quản thược chi âm” (văng vẳng như tiếng kèn tiếng sáo), anh thì ca “phảng phất chi lan chi vị” (thoang thoảng mùi hoa nhài hoa lan). Nịnh thế mới siêu. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Xin thêm suy nghĩ của tôi về ý nghĩa của 2 từ vựng toa-lét và trung tiện để mọi người tham khảo.
Trả lờiXóaToa-lét là phiên âm của từ toilette. Mọi người thường dùng toa-lét với nghĩa đi cầu hoặc đi tiểu. Thật ra thì nghĩa của từ toilette không phải vậy. Toilette là danh từ giống cái, nghĩa của nó là việc vệ sinh cá nhân(tắm rửa, đánh răng, cạo râu, rửa mặt, trang điểm, đại tiểu tiện...). Chỗ thực hiện vệ sinh cá nhân phải gọi đầy đủ là cabinet de toilette.
Trong bài học hồi còn bậc tiểu học tôi nhớ mãi câu này: "Chaque matin, je fais à ma toilette"(Mỗi sáng, tôi làm vệ sinh ca nhân).
Trung tiện không phải căn cứ việc nó thối ít hơn c. và nặng mùi hơn nước tiểu để xếp hạng "trung". Tiêu hóa của gà vịt nặng về lý(nghiền thức ăn ở dạ dày với một niêm mạc dạ dày rất bền, thậm chí có lúc cần thêm cát, sỏi để việc nghiền tăng hiệu quả. Tiêu hóa của trâu bò nặng về sinh. Cỏ rơm sau khi nhai được đưa xuống dạ dày, loài vi sinh (nhơi)ăn cỏ rơm, dạ dày nhu động chà xát vi sinh để tiêu hóa, nuôi sống cơ thể. Tiêu hóa con người nặng về hóa. Khi ăn xong, thượng vị, môn vị đóng. Dịch vị điều tiết. Phản ứng hóa học diễn ra. Toàn bộ thức ăn lên men, mềm nhũn. Một co thắt, nhu động nhẹ của dạ dày, thức ăn bị nhuyễn nhỏ, sẵn sàng di chuyển xuống đường ruột để nuôi cơ thể và bài tiết. Hơi sản sinh do lên men và nhu động dạ dày rất nhiều. Nó cần phải thoát ra ngoài như là một bài tiết tất yếu và quan trọng. Gà vịt, trâu bò vẫn "đánh rắm"nhưng không thể gọi là "trung tiện" vì "hơi" sản sinh trong quá trình tiêu hóa của chúng rất ít và việc bài tiết "hơi" của chúng không mấy quan trọng. Theo tôi, đại, trung, tiểu tiện, không căn cứ vào thối nhiều, thối ít, khai...mà căn cứ vào việc loại chất thải bài tiết phân, hơi, nước và tầm quan trọng của công việc bài tiết chất thải đối với sức khỏe con người. Góp lời. Có gì không đúng, bà con chỉ giáo cho.