Điều rất dễ thấy, về tổ chức đảng, khi Liên Xô quy định tên gọi người đứng đầu đảng là tổng bí thư thì VN cũng có tổng bí thư, lúc Liên Xô đổi thành bí thư thứ nhất thì đảng VN cũng bí thư thứ nhất, rồi Liên Xô chán thứ nhất thứ nhì lại quay về tổng bí thư, thì VN cũng chán, chức tổng bí thư lại khứ hồi. Các ông Khrushov và Brezhnev là bí thư thứ nhất thì đương nhiên ông Lê Duẩn bên này cũng chức danh vậy, bí thư thứ nhất. Khi Andropov, Chernenko, Gorbachov làm tổng bí thư thì ta đâu có chịu kém, các cụ Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười cũng tổng. Về chính phủ, anh cả Liên Xô gọi bộ máy hành pháp là Hội đồng bộ trưởng thì VN chơi luôn Hội đồng bộ trưởng, người đứng đầu hội đồng ấy Liên Xô có chức danh chủ tịch thì ta cũng chẳng kém, cũng chức danh chủ tịch. Liên Xô chán hội đồng bộ trưởng và chủ tịch, đổi lại thành chính phủ, lập thủ tướng, VN vội đổi ngay thành chính phủ, đứng đầu là thủ tướng. Ông Phạm Văn Đồng trong 31 năm đứng đầu chính phủ, hết làm thủ tướng lại làm chủ tịch hội đồng bộ trưởng, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ một ghế. Dường như Liên Xô có thứ gì thì các vị nhà ta phải nhanh nhảu có ngay thứ đó, chẳng cần biết điều kiện, hoàn cảnh của gấu Nga khác trâu An Nam ta rất nhiều. Thời ấy, dân gian cười truyền miệng nhau rằng khi Hồng trường Moskva có mưa tuyết thì ở quảng trường Ba Đình Hà Nội dù đang giữa lúc nắng hè chảy mỡ vẫn cứ phải mặc áo tơi cho đúng điệu.
Buồn cười nhất là đổi tên nước. Sau cuộc cách mạng tháng 8.1945, nước ta được đổi tên thành Việt Nam dân chủ cộng hòa, quốc hiệu là Việt Nam. Suốt bao năm trường lao động và chiến đấu, cái tên ấy đã gắn bó với nhiều thế hệ, kể từ khi cụ Hồ còn sống tới mãi về sau. Vừa chấm dứt cuộc chiến tranh để thống nhất đất nước năm 1975, những người cộng sản vội nghĩ ngay đến việc đổi tên nước. Họ cho rằng sau khi đánh thắng hai đế quốc to thì không còn gì cản trở con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của họ, thậm chí có vị lãnh đạo lạc quan tếu khẳng định chắc như đinh đóng cột chủ nghĩa xã hội đã về đến tận ngõ rồi. Tại kỳ họp quốc hội thống nhất đầu tiên vào đầu tháng 7.1976, dưới áp lực của đảng cầm quyền, quốc hội đã nhanh nhảu ra nghị quyết đổi ngay tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Anh cả Liên Xô đã mang tên cộng hòa xã hội chủ nghĩa (Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết) lâu rồi, giờ ta mới đặt như vậy là khí muộn.
Không ít nhà lãnh đạo cộng sản VN thời ấy mang tâm lý Liên Xô số 1, VN số 2, kiêu ngạo tự đắc trên có Liên Xô, dưới có VN, anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta. Không nhất thì nhì, thứ ba không chịu. Tôi còn nhớ thời mới “giải phóng” có những tờ báo (hồi nớ chỉ rặt báo quốc doanh, tờ duy nhất ngoài quốc doanh là tờ Tin Sáng thì bị căn ke đếm chữ từng số, sau đó phải tuyên bố “hoàn thành nhiệm vụ”, giải tán) vênh vang khoe tiềm lực quân sự của VN đứng trong top 5 thế giới bởi bên thắng cuộc vừa thu được vô số máy bay, tàu chiến, pháo, đạn dược, khí cụ chiến tranh hiện đại từ quân đội VN cộng hòa (mà họ gọi là ngụy). VN chính thức trở thành căn cứ vững chắc của chủ nghĩa xã hội ở phương đông, tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa, kể từ cái tên nước.
Cũng xin nhớ rằng chỉ có mấy anh phổi bò xứ ta mới huếnh thế chứ nhìn ra những nước cùng phe, họ rất thận trọng đặt tên gọi quốc gia. Cuba, Ba Lan… chỉ gọi ngắn gọn là Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Cuba; Lào và Triều Tiên thì Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Trung Quốc thì Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đám mấy nước này cũng chủ trương tiến lên chủ nghĩa xã hội nhưng dù sao vẫn dè dặt, cẩn thận từ cái tên. Chỉ có ông "vua bắt chước" ở VN là nhanh nhảu, "khôn ngoan", khiến anh cả Liên Xô hết sức hài lòng. Tuy nhiên, thiện cảm cũng chả kéo dài được bao lâu.
Về kinh tế, xin nói thêm chút ít về cái gọi là chủ nghĩa xã hội, nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Những năm sau 1975 kinh tế xứ ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của đảng càng ngày càng xuống dốc, bết bát thê thảm. Một nước sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp mà ruộng đồng bị bỏ hoang hóa, nông dân tha phương cầu thực, hợp tác xã một thời được coi là hình mẫu của chủ nghĩa xã hội đã trở thành thứ tai họa triệt tiêu sức sản xuất. Một số nơi như Vĩnh Phúc, Hải Phòng phải xé rào, khoán hộ, chia ruộng đất khoán sản phẩm cho nông dân, nói trắng ra là trở lại làm ăn cá thể, tư hữu. Những nơi tổ chức khoán chui được thì dân ấm no trở lại, đẩy lùi đói nghèo, cuộc sống sinh sắc hơn, thay da đổi thịt. Những nơi vẫn cố bám vào việc duy trì hợp tác xã đi lên chủ nghĩa xã hội thì càng ngày càng “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” đến bờ vực. Trong hồi ký “Làm người là khó”, ông Đoàn Duy Thành (từng chủ tịch, bí thư Thành ủy Hải Phòng, sau là Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, tức Phó thủ tướng) kể lại rằng những năm ấy trung ương phân vân, tranh luận dữ lắm. Sau khi nghe báo cáo rằng nông dân làm khoán thì được ấm no hạnh phúc, nông dân kiên định theo hợp tác xã thì ngày càng chết đói, ly hương, chính ông Lê Duẩn và nhiều ông trong Bộ Chính trị như Trường Chinh, Lê Thanh Nghị, Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Hoàn… tuy cũng lo lắng nhưng lại bày tỏ “nếu khoán hộ, chia đất cho nông dân thì chẵng lẽ chúng ta để mất chủ nghĩa xã hội à”, làm sao xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội... Đối với họ, chủ nghĩa xã hội (không tưởng) mới là thứ họ cần chứ ấm no hạnh phúc của dân chả là quái gì cả. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Không có một chi tiết nào là không đúng với sự thật. Phục Anh Thông sát đất.
Trả lờiXóaNhững bài viết này thật sự khách quan và do người đã lớn lên trong chế độ "iêu việt" viết! XIn khâm phục chú Thông!
Trả lờiXóa