Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018

Bắt chước (phần 4)

Một trường hợp bắt chước điển hình, gây nên đại bi kịch là cải cách ruộng đất. Cuộc “cách mạng long trời lở đất” ấy đã được nhập nguyên xi từ Trung Quốc và Liên Xô. Sau này cũng có những người phân trần rằng trung ương không muốn nhưng Trung Quốc và Liên Xô cứ ép phải làm. Ông Hoàng Tùng (nguyên Bí thư Trung ương đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân, một người rất gần gũi thân cận cụ Hồ, có những điều tâm sự cụ không nói với bất kỳ ai, trừ với ông Tùng) kể rằng cũng có cán bộ lãnh đạo cấp cao không muốn tiến hành cải cách nhưng số đông thuận theo Trung Quốc bởi không làm thì họ… cắt viện trợ. Vậy mà cứ nói các nước trong phe cộng sản luôn tôn trọng độc lập tự chủ, có tình hữu nghị quốc tế vô sản trong sáng. Bê nguyên thứ của nợ cải cách ruộng đất về, chủ nhà đã phải trả cái giá quá đắt, tới bây giờ sau gần 2/3 thế kỷ vẫn chưa dứt được hội chứng của cuộc đấu tố tàn hại lẫn nhau.

Vài chục năm trước, khi chưa có internet, chưa có nhiều kênh thông tin đa chiều, gần như người dân không hề biết sự kiện ấy xảy ra như thế nào, hậu quả của nó ra sao, chỉ biết gọn thùi lụi trong 5 chữ “cuộc cải cách ruộng đất”. Nhà cai trị nắm hết cơ quan báo chí ngôn luận nên không có bất cứ thông tin sự thực nào được công bố, đến với người dân. Năm thì mười họa, vài ba bài báo nửa kín nửa hở nói rằng đảng, bác Hồ, nhà nước đã rút ra bài học kinh nghiệm trong cải cách ruộng đất, đồng thời vẫn khẳng định cải cách ruộng đất đã đem lại điều tốt đẹp này nọ cho nông dân. Nhà nước xứ này rất quán triệt chủ trương “đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại”. Và cho tới nay, ngoài vài giọt nước mắt xin lỗi của đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt chính phủ và cụ Hồ trong cuộc kiểm thảo trên sân vận động Hàng Đẫy năm 1956 thì chưa hề có văn bản chính thức nào của đảng, nhà nước, chính phủ thừa nhận sai lầm về cải cách ruộng đất, nhận trách nhiệm về những oan sai, trước vong linh hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, nhân dân là nạn nhân của cải cách ruộng đất.

Nhân chứng của “cuộc cách mạng long trời lở đất” ấy tới giờ vẫn còn nhiều, mà cụ thể nhất là con cháu cụ Nguyễn Thị Năm. Người đàn bà vĩ đại này suốt bao năm lặng lẽ che chở, nuôi nấng cán bộ cách mạng, kể cả những “đấng bậc” như Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Lê Thanh Nghị… ăn dầm nằm dề ở nhà cụ, đã đóng góp biết bao nhiêu của cải, tiền bạc cho kháng chiến, nhưng không mấy ai biết. So sánh thì có vẻ hơi khập khiễng nhưng có thể nói những công lao, dâng hiến cả về tinh thần lẫn vật chất mà cụ Năm - Cát Hanh Long cho cách mạng, cho kháng chiến chẳng kém gì hai vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ (những người đã góp gần 5.000 lượng vàng cho Tuần lễ vàng, đã nuôi cụ Hồ trong những ngày đầu cách mạng tháng Tám). Thiên hạ chỉ nghe nói nhiều tới cụ Bô chứ không biết cụ Năm.

Cụ bà Nguyễn Thị Năm chỉ “nổi tiếng” khi bị đám ăn cháo đá bát quy là địa chủ, thành nạn nhân oan ức của cuộc cải cách ruộng đất man rợ. Những vị lãnh đạo cộm cán trước kia hàm ân “bát cơm phiếu mẫu” của cụ Năm lúc hàn vi, khó khăn, tới khi cụ bị nạn đều nhất loạt câm nín, không ai dám mở mồm hé lấy một lời can thiệp, can ngăn. Bóng ma uy quyền tuyệt đối của đàn anh Liên Xô, Trung Quốc đã làm họ khiếp nhược, đánh mất cả đạo lý. Mà chính họ, chứ không ai khác, đã bắt chước một cách ngu si, bê hình mẫu cải cách ruộng đất của hai ông anh vể áp dụng, thì đời nào họ chịu nhận họ sai. Thừa nhận mình làm bậy, có khác gì tự tát vào mặt mình.

Bà phiếu mẫu Nguyễn Thị Năm, người đầu tiên ngã xuống trong cải cách ruộng đất, đã chết không phải bởi những viên đạn súng mút cơ tông của “đội”, của đám thi hành án mà bởi sự ghẻ lạnh vô đạo, thái độ vô ơn của những nhà lãnh đạo mà chính bà đã cưu mang. Ai không tin điều tôi biên ra đây, cứ ghé nhà con cháu cụ Năm ở 117 Hàng Bạc, Hà Nội mà hỏi, chắc các cháu nội cụ - con các ông Nguyễn Hanh, Nguyễn Công - vẫn còn đầy đó, lại chả rõ bằng nghìn lần. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét