Trang

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2018

Chuyện ăn đòn thời đi học

Mấy hôm nay xã hội sục sôi về những vụ học trò bị đánh. Hết chuyện cô giáo ở Quảng Bình chỉ đạo học trò tát bạn cùng lớp những 231 cái, lại tới cô giáo Hà Nội lệnh cho các cháu học sinh lớp 2 tát bạn, bị phụ huynh biết được, tố lên cấp có trách nhiệm. Cũng nên kể thêm một vụ ngược lại, bà phụ huynh ở Bạc Liêu mắng thầy giáo làm mất quần của con gái mình, may mà ông thầy này chưa dọa tát con bà, chứ không sẽ thành vệt tát trên khắp nước.

Tôi không đồng tình với chuyện đánh đập, đấm đá tát thụi nện con trẻ. Không nên đánh trẻ con, lại càng không nên dùng trẻ con đánh trẻ con. Cứ đặt mình vào vai cha mẹ, ông bà của học trò, thấy con cháu mình bị đánh bị tát, thậm chí bị dọa tát, ai chả thương chả giận. Khi đã không kìm được cơn tức, chẳng lành làm gáo vỡ làm muôi thì hãy cứ đưa lên phây búc, đưa lên mạng xã hội bêu đã, cho biết tay nhau.

Nhưng (nói nhỏ thôi), nhà cai trị có vẻ khoái tận dụng những vụ tát học đường này. Làm um cả lên, và hơi quá đà. Đám nhà báo đói tin, bị nhẹ dạ đã đi một nhẽ, đằng này cả xã hội cùng thổi vào cái bong bóng dư luận cho nó phình to. Này, tôi bảo thật, bọn học trò bây giờ, dù mới chỉ lớp 2, lớp 3, nhưng chúng cũng gớm lắm. Không phải dạng vừa đâu.

Thôi kệ, tôi chả hơi đâu phê cả đám trẻ con lẫn mấy thầy cô giáo, tôi chỉ lẩn mẩn kể lại chuyện ngày xưa đi học và bị đánh. Tát tiếc đã ăn nhằm gì.

Tội của học trò thời chúng tôi, nếu đốt đuốc lật giở tìm, có nhẽ chỉ ra được 2 tội: một là trốn học, hai là nói chuyện riêng trong lớp. Hai tội này đủ để ăn đòn rồi.

Xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) quê tôi những năm 60 cả xã gồm 3 thôn nhưng chỉ có 1 trường cấp 1 (từ lớp 1 tới lớp 4). Các thầy các cô nhìn chung đều hiền lành, thường châm chước cho “tội” của học trò. Các thầy như thầy Lương, thầy Chất, thầy Huy, cô Quý… đều hiểu đám con nông dân kia, nó tới trường để học là may, chứ nó lăn ra bãi khóa rồi đi đánh dậm, đi câu thì làm gì được nó. Vậy nên các thầy cô chiều trò chẳng khác gì chiều vong. Thầy Lương (người thôn Quế Lâm) còn chịu khó đi từng nhà nhắc các ông bố bà mẹ đừng bắt chúng nó làm nhiều, để thời gian cho chúng đi học và làm bài tập, học thuộc lòng. Nhưng cũng có vài thầy nghiêm phết, nhất là thầy Lập (người Quế Lâm) và thầy Phác (người Trà Phương). Đám học trò láo toét coi trời bằng vung nhưng đều sợ hai thầy này. Thầy Lập mà bắt gặp đứa nào nói chuyện riêng là nhéo tai, một lần thôi tởn tới già. Giờ thầy Lập, cả lớp im thin thít, nghe được cả tiếng con mọt nghiến răng két két ăn gỗ trên xà nhà. Thầy Phác mới kinh. Tôi gọi thầy bằng cậu họ, Ngô Trọng Phác, thầy vai em bu tôi. Nhưng ở nhà thì cậu cháu chứ tới lớp không oong đơ gì sất. Đứa nào trốn học, nói chuyện riêng, không làm bài tập, chết với thầy Phác. Thầy sắm cái thước gỗ rõ dày, to, cứng. Thước này chỉ có mỗi nhiệm vụ làm roi đánh học trò. Đứa nào sai, mắc lỗi, lì lợm, thầy nói không chịu nghe, thầy bèn kêu lên, bắt đặt tay lên bàn giáo viên, quất cho 3 nhát. Có đứa như thằng Tín con ông Đại bị quất cả chục phát, hết tay lại mông, lằn đỏ như con lươn. Mà đã hết đâu, buổi tối thầy còn tới tận nhà mách thày bu đứa phạm lỗi. Các bậc phụ huynh khả kính chả bao giờ bênh con, thậm chí còn đổ thêm dầu vào lửa, rằng thầy cứ nện thẳng cánh, trị thật mạnh vào, chúng tôi hết lòng cảm ơn thầy. Hóa ra phụ huynh suốt ngày bận bịu việc nhà nông, làm gì có thời giờ dạy dỗ rèn cặp con, nên lợi dụng luôn cái thước của thầy Phác để trị đám đầu bò đầu bướu. Chỉ có điều, các thầy dữ đòn như thế nhưng lũ trẻ ngay lúc ấy cũng như khi trưởng thành chả đứa nào giận thầy, thậm chí còn biết ơn, nhờ thầy “phát xít” mà nên người.

Thầy Phác, thầy Lập vẫn còn đỡ. Nghe kể ở xã Thanh Sơn kế bên có thầy còn chuyên bắt bọn học trò lếu láo quỳ gối trên gai mít. Học cấp 1 làm gì đã có quần dài, tới trường tinh mặc quần đùi, hở cả đầu gối. Quỳ trên gai mít một lúc biết thế nào là lễ độ ngay. Cũng may kinh nghiệm đó không bị áp dụng đại trà, không lan sang các xã khác. Sau này khi đã học chung cấp 3 trường huyện, tôi hỏi bọn thằng Thuân thằng Cẩm thằng Khuê người làng Lái (Cẩm Hoàn) rằng có chuyện quỳ gai mít không, chúng bảo có nhưng quên mất tên thầy. Có khi chính chúng cũng bị án quỳ nên giờ còn khiếp.

Suốt thời đi học, cấp 1 và cấp 2, tôi nhiều lần chứng kiến cảnh thầy phạt, đánh trò nhưng hầu như các thầy chỉ đánh vào tay, vào mông đít, chưa hề thấy tát vào mặt bao giờ. Cũng có thể mặt là nơi nhạy cảm, con người nhất, các thầy hiểu rõ điều ấy nên chừa ra. Trên đời, khi đã dọa cho nhau cái tát tức là không coi nhau là người nữa rồi.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét