Trang

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

Lư hương

Tôi có đôi nhời thế này sau khi bà bí thư quận 1 trả lời dư luận rằng việc cẩu chiếc lư hương trước tượng đài Đức Thánh Trần tại ven sông Sài Gòn đem đi chỗ khác là chuyện bình thường (báo Tuổi Trẻ ngày 18.2.2019).

Trên bàn thờ gia tiên, thứ không thể thiếu là bát hương (hay còn gọi là bình hương). Người miền Nam gọi là bát nhang, nhưng sự kính trọng với đồ thờ cúng này thì dù Bắc dù Nam đâu cũng như nhau.

Cũng cần nói rõ một chút, người xứ ta thường có nhầm lẫn bát hương với lư hương. Lư hương cũng là đồ tế khí-linh khí, dùng để thờ cúng, còn có tên là bộ tam sự, gồm 3 món: chiếc lư và cặp chân đèn (2 chiếc). Tam sự thường được đúc bằng đồng, lư để đốt trầm hương, đặt chính giữa; chân đèn để thắp nến, đặt hai bên. Thường bàn thờ (ban thờ) luôn có cả tam sự lẫn bát hương.

Đồ để thắp hương, cắm hương (nhang) trên bàn thờ hằng ngày, hoặc khi kỵ nhật (ngày cúng giỗ tổ tiên, ông bà, cha mẹ), hoặc ngày lễ tết thường là bát hương. Chỉ ở những nơi đình chùa miếu mạo, chỗ đặt tượng đài, nơi thờ cúng công cộng thì đồ để cắm nhang gọi là lư hương. Có những lư hương rất to, nặng, phải mấy người, thậm chí chục người khiêng mới nổi.

Dù ở trong nhà, trong nhà thờ, trong đình chùa, hay nơi tượng đài, thì lư hương, bát hương luôn được coi trọng bậc nhất. Sự kính cẩn đối với trời đất, thánh thần, tổ tiên, tiền nhân, anh hùng… được thể hiện ở thái độ với đồ tế khí, cụ thể là với bình hương, lư hương. Ngoài vấn đề tâm linh, tôn giáo, đây còn là đạo đức, ý thức, nhân cách của con cháu đối với thánh thần, tổ tiên.

Người xứ ta, trải qua biết bao thế hệ, truyền từ đời này sang đời khác, coi việc thờ cúng, tưởng nhớ tiền nhân là điều thiêng liêng, không thể tùy tiện, càng không được xem thường, phỉ báng.

Chính vì vậy, trong sách Việt Nam phong tục, nhà văn hóa lừng danh Phan Kế Bính có viết rằng “Người xứ ta coi đồ thờ tự là đồ rất kính trọng, không ai dám đem cầm, đem bán bao giờ. Nếu nhà nào nghèo quá phải đem cầm bán thì ai cũng chê cười” (chương 4, Phụng sự tổ tông).

Những nhà nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu tôn giáo, nhà phong thủy thường khuyên, nhắc nhở mọi người phải hết sức cẩn thận đối với đồ tế khí, nhất là không được để chúng uế tạp, dịch chuyển tùy tiện, đặt không đúng chỗ, lại càng không được tự ý thay đổi bát hương, nay cái này mai cái khác, nay có mai không. Nếu ta chịu khó để ý, quan sát sẽ thấy ở những ngôi chùa luôn có chỗ thu gom các bát hương, tượng thờ cũ (mà các gia đình thay đổi bằng đồ mới) để làm phép “xử lý” cho phải đạo, đúng với sự tôn kính, thiêng liêng.

Tôi có người nhà, một người trải đời, rất am hiểu lĩnh vực tâm linh. Anh ấy khuyên rằng đối với lư hương, bát hương, điều kỵ nhất là dịch chuyển. Bát hương, lư hương phải yên ổn, vững vàng. Nếu muốn lau chùi, làm sạch bát hương, cần chọn giờ giấc thích hợp, ngày tháng tốt lành, cúng lễ cẩn thận rồi mới được dịch chuyển. Theo quan niệm xưa, sự thay đổi vị trí bát hương, lư hương một cách tùy tiện thường gây ra những xáo trộn, suy sụp gia đạo, đời sống, làm ăn, sinh hoạt… Cứ như các cụ từng dạy “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, đừng phá bỏ những “nguyên tắc” của tổ tiên, nhất là những điều chưa thể dùng thực tiễn và khoa học để chứng minh sự đúng sai.

Chủ nghĩa duy vật, thái độ vô thần đã và đang tồn tại trong xã hội, trong cuộc sống con người. Không ai bắt ai phải có đức tin thế này thế kia, điều này điều kia. Vì vậy, cũng đừng vì vô thần, duy vật, vì lý do này nọ mà xâm hại những phong tục tốt đẹp, tín ngưỡng thiêng liêng, đặc biệt những vấn đề, những điều về cuộc sống tâm linh.

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Cán bộ quan chức thời nay làm gì có chuyện vô thần,họ dị đoan mê tín bỏ xừ đi ấy chứ !
    Xem các công trình thi công khi ho lễ động thổ hay khi khai mạc một sự kiện gì là họ cúng vái xì xụp đủ thấy .
    Vì thế nên vấn đề mang dấu cái lư hương đi nơi khác là có chỉ đạo,có mục đích hẳn hòi chứ đâu mà có chuyện một bà xếp quận nọ thình lình lén cho mang đi dấu nơi khác .
    Giữa thanh thiên bạch nhật mà họ còn hô biến nhanh thế thì sau lưng dân họ còn làm ra những gì nữa nhỉ ? Tuỳ tiện đến mức đang khinh .
    Sao không di dời cả cái tượng Trần hưng Đạo đi cho tiện bề hả bà xếp chuyên quyền là lạm quyền .

    Trả lờiXóa