Trang

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2019

Bài dành riêng cho Văn K17: Bác cả Hồng

Cứ theo lối các cụ ta xưa, người đứng đầu trong nhà là cả. Chỉ trong nhà thôi, chứ với chi ngành, dòng tộc, họ tộc thì gọi là trưởng. Hiểu nôm na, đã cả thì chỉ có một, dưới cả là thứ; cũng như chính phủ chả hạn, đứng đầu bằng thủ tướng. Chỉ một thủ tướng, dưới là các phó thủ tướng.

Nhưng K17 không theo quy luật ấy. Khác đời mới đích thực văn K17. Một gia đình lớn như K17 dù rất hệ thống, quy củ, thứ lớp, đâu ra đấy nhưng vẫn xé rào có chút khác biệt. Nói toẹt ra là nhiều cả. Mà cả nào cũng hợp lẽ, xứng đáng.

Nếu không kể những cả Sang (Lê Xuân Sang), cả Sĩ (Phạm Văn Sĩ), cả Lập (Lê Quốc Lập) cả Năng (Vũ Lệnh Năng), cả Thuận (Lê Tài Thuận), cả Nguyệt (Trần Triều Nguyệt, sẽ có bài biên riêng) đạo cao đức trọng, chiến công hiển hách, huân huy chương đỏ ngực, thì trong lớp cũng còn khá nhiều bác sém cả, có thể coi như phó cả, chả hạn phó Cường (Bùi Trọng Cường), phó Xuân (Nguyễn Ngọc Xuân, bác phó này mất tích bấy lâu nay), phó Cờ (Nguyễn Huy Cờ), phó Việt (Trần Nam Việt), phó Giang (Ma Duy Giang, tức Ải lậc cậc), phó Khánh (Đặng Quốc Khánh), phó Sơn (Lê Văn Sơn), phó Thuật (Trần Quang Thuật)… Cụ thì tuổi cao, cụ thì chinh chiến, cụ thì tán gái có hạng. Nói chung rất đáng để đàn em học tập và làm theo tấm gương đạo đức và tài năng.

Tuy nhiên, mình muốn tách ra một bác cả rất ấn tượng. Bác cả Hồng, tục gọi Trần Ngọc Hồng.

Lật giở lý lịch trích ngang thì gọn ghẽ thế này: Trần sinh người xứ Nghệ. Đất ấy cằn cỗi, chật hẹp, nghèo khó, chiến tranh ác liệt, nhưng sự học và ý chí con người thì ít nơi bằng. Nghe đâu thời trai trẻ sinh từng đăng lính, không phải kỵ binh hay cung nỏ mà lính pháo cao xạ. Để bắn bọn chim sắt của Mỹ lợi kiên thường bay đến bỏ bom. Có lần sinh trèo lên nòng pháo lau bụi đất thì không may tuột tay rơi xuống. Không chết nhưng cái chân hơi bị… đau. Do không thể trèo được nữa nên nhà binh cho sinh về quê nghỉ dưỡng. Sinh quyết chí dùi mài kinh sử thơ văn cách mạng, nhật ký trong tù, từ ấy, tầm nhìn xa..., trau dồi đèn sách, kỳ thi hương trúng cách, được triều đình triệu về kinh tu luyện thêm khóa 4 năm rưỡi (1972-1976) để thi hội. Trần sinh tính vốn thông minh nhưng lười học nên cũng giống như bọn đồng môn lười khác, đám Thông cào, Tân loe, Bá Tân, Xuân Ba, Quang Tửu, chỉ giành được cái cử nhân, chứ không đạt ông nghè, tiến sĩ thành danh bảng vàng bia đá như đám Sĩ Đại, Ngọc Vương, Huy Bích, Huy Hoàng, thị Bé… Sinh cười, bảo chuyện nhỏ.

Triều đình cử sinh vào miền Nam tu nghiệp nghề chạy nhật trình, ở cái cơ quan có tên thông tấn xã. Cùng bổ nhậm với sinh đợt ấy có cử Chương (Hoàng Thanh Chương) người Quảng Trị, cử Đường, cử Viết (dân Hán Nôm). Sinh luyện được một thời gian thì thấy nghề này bất lương bèn bỏ ngang, đi gõ đầu trẻ. Đời sinh gắn với nghề thầy đồ từ bấy. Người đương thời quen gọi sinh là ông đồ Nghệ. Trong đời gõ đầu trẻ của mình, sinh từng gõ những trẻ cứng, sau này làm ông nọ bà kia, chẳng hạn Trương Tấn Sang leo tới chức vua An Nam, Lê Thanh Hải thứ sử Sài Gòn, Bạch Tuyết kỳ nữ cải lương nổi tiếng… Kể cũng mát mày mát mặt khi có những trò khét tiếng như vậy.

Sinh dạy trong trường (chân trong) chỉ đủ ăn nhưng chân ngoài thì cực kỳ. Suốt hơn hai chục năm, ở xứ Sài Gòn hoa lệ, cứ nhắc tới các thầy đồ luyện thi văn chương là người ta phải kể ra tên Trần sinh, nức tiếng trong đám kiếm tiền như nước. Tương truyền, thời ấy Trần sinh kiếm mỗi tháng khoảng 3 vạn triệu đồng bạc, trong khi những đồ dạng Thông cào chỉ vỏn vẹn 1 – 2 triệu. Có lần sinh kể, mày ạ, tao chỉ thèm ngủ. Ai đời một ngày có 12 khắc (24 tiếng đồng hồ) thì sinh lên lớp tới 6 khắc, sáng 2, chiều 2, tối 2, rất khiếp. Sinh kể, lên lớp xong mệt phờ, đếch thèm ăn gì, chỉ uống cốc sữa non, rồi đặt mình xuống giường là ngáy ầm ầm. Lạ. Không hiểu sao cứ thế mà sinh trụ được những hơn 2 thập niên.

Sinh dạy luyện thi có hạng nhưng cũng rất giỏi buôn bán. Có lẽ chỉ kém nhà buôn Vạn Lịch khi xưa. Nhìn cái gì cũng ra tiền. Thời thập niên 80, sinh theo đại sư Bùi Khánh Thế sang xứ Cam Pốt dạy tiếng Việt cho người bản xứ. Sinh đi đi về về Sài Gòn – Nam Vang như đi chợ, mỗi lần về tải theo cả kho hàng, nào áo pun cá sấu, quần jean, thuốc lá Samit, thuốc tây, đều đánh từ Thái Lan, bán một vốn 10 lời. Căn phòng sinh ở chỉ rộng khoảng chục mét vuông ngay trung tâm Sài thành trong khu học xá Tổng hợp lúc nào cũng chất đầy hàng hóa. Có lần Thông cào bạn đồng môn đồng nghiệp mon men tới chơi với sinh, sinh tặng ngay cái áo pun cá sấu, mặc mấy năm mới rách.

Sinh giàu nứt đố đổ vách nhưng tấm lòng cũng giàu vậy. Có đi đâu, tổ chức gì, hay nhen nhóm vụ nào đình đám là sinh xuất hiện. Sinh bao tất, bảo để tao, chúng mày đéo phải trả. Đứa nào cũng lắc đầu lè lưỡi. Cũng vài đứa, như Thông cào, thị Thủy, Chiến trắng miệng thì ấp úng anh làm thế chúng em ngại quá nhưng nhìn cái mặt thì hiểu chúng nói cho vui lòng sinh thôi. Có khối tiền mà giành. Chỉ có Dũng què (Cao Tự Thanh, dân Hán Nôm) vốn coi giời bằng vung, bảo mày không trả thì ai trả, chúng tao làm gì có tiền, ai biểu mày giàu, v.v.., đại loại vậy. Sinh chỉ cười, lần sau lại hẹn đàn đúm và lại giành chủ chi. Không những thế, sinh còn sắm hẳn con ngựa sắt cực khỏe Honda CRV 7 chỗ, tự tay cầm cương chở bọn giặc đi khắp nơi, có lần lên tuốt nhà chị Mai Phương trên Định Quán xứ Đồng Nai, xuống tận nhà Sóng Hùng miệt Cần Thơ, còn đi Vũng Tàu, Long Hải, Bình Dương, Bình Phước… thì vô kể. Trên đời sinh chả sợ ai, chỉ khiếp mỗi thị... vợ. Thị nói gì sinh cũng nghe, cấm dám chống lại bao giờ. Bọn giặc thầm thì, hóa ra anh hùng cũng không qua ải mỹ nhân, hì hì.

Đám xứ ủy Nam Kỳ, không ai bảo ai, chúng khẩu đồng từ, đồng lòng nhất trí bầu Trần sinh làm bí thư xứ. Bí thư vĩnh viễn. Chúng nó cũng khôn, bởi thế thì xứ ủy mới có ngân sách mà hoạt động. Chỉ thiếu điều chúng nó phóng to ảnh sinh, hoặc mua đá hoa cương núi Nhồi ở Thanh Hóa tạc tượng, đặt khắp những nơi mà sinh đã cho chúng đi chơi. 

Có lần, tôi nghe thằng Chiến trắng nói nhỏ với thị Thủy, rằng mày ạ, tao chỉ muốn bác cả Hồng sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Ôi giời, sao mà nó nói trúng si nghĩ của tôi đến thế.

Thông cào biên lại
Ngày 13 tháng 2 Kỷ Hợi - 2019

2 nhận xét:

  1. Chuyện thật mà rất tiếu lâm. Hài vãi.

    Trả lờiXóa
  2. Em qua nguong mo giong van cua Bac NGUYEN THONG Em phuc Bac sat dat.......

    Trả lờiXóa