Trang

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

Chuyện làng: Chuyện bác Ỷ

Làng Trà Phương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng) quê tôi thuần nông, dân làng chỉ tinh những nông dân cày cuốc chăm chỉ việc ruộng đồng, không có ai làm quan to, tướng lĩnh, nghệ sĩ này nọ. Nghe người ta ca ngợi “Bắc Hà Hành Thiện, Hoan Diễn Quỳnh Đôi” (nói về những làng quê nổi tiếng xứ này, làng Hành Thiện (Nam Định) ở miền Bắc, làng Quỳnh Đôi (Nghệ An) ở miền Trung có nhiều danh nhân), hoặc làng Cổ Am bên huyện Vĩnh Bảo ngay quê Phòng mình, nhiều lúc cũng hơi ngậm ngùi, làng mình chả có gì. Ấy là mặc cảm thoáng chốc thế thôi, chứ yêu làng lắm. Làng mình dù nghèo, chẳng mấy ai biết nhưng “không phải dạng vừa đâu”, tại thiên hạ không tường tận đấy thôi.

Lớn lên trong chốn làng quê, sống với những người bình dị chân đất quê mình, mãi tới khi “thoát ly”, đi học xa tận thủ đô, rồi tốt nghiệp vào làm công cho nhà nước tận Sài Gòn, tôi mới ngẫm rằng làng Trà đã thành một phần không thể thiếu trong tình cảm, suy nghĩ của mình. Thứ ký ức tày tặn, chặt chẽ lâu lâu lại trồi lên, nhất là những khi chiều mưa ngồi miết trong nhà như thế này.

Ông em rể tôi, người bỏ ra khá nhiều công phu tìm hiểu về làng Trà, coi cái thế đất của làng rồi bảo, anh ạ quê mình vùng trũng, lưng tựa núi Chè, trông ra đầm bãi, có khoảnh ruộng đất hình gương lược, chỉ sinh ra đàn bà con gái đẹp thôi, chứ không phải đất phát tích quan. Mà thế thật. Con gái làng Trà ngày xưa đẹp nổi tiếng, tới mức thành điển tích “Trà Phương công chúa”. Tuy nhiên, sự học hành thì cũng bình thường, ít người đậu đạt cao, phần lớn làng nhàng, “hàm, vị” chủ yếu tú tài, cử nhân thời mới, còn “phẩm” đạt tới công nhân viên chức là quá lắm rồi. To như ông Trần Văn Sỹ xóm trong làm tới vụ phó hơi bị hiếm. Chiến tranh suốt bao năm, hết lớp này tới lớp khác lên đường ra trận, chẳng có ai tướng lĩnh, chỉ liệt sĩ là nhiều. Làng Trà tới năm 1975 khoảng hơn 1.500 khẩu nhưng có tới gần trăm liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ và đánh quân Tàu. Coi tấm bia đá khắc danh sách liệt sĩ đặt bệ vệ trong nghĩa trang liệt sĩ mới, thấy cả tên cậu em họ, Ngô Duy Lại, nhập ngũ tháng 1.1978, hy sinh năm 1979, ngày 6.3. Tức là bọn Trung Quốc gây chiến ngày 17.2, thì chỉ hơn nửa tháng sau Lại hy sinh. Hồi còn nhỏ chúng tôi chơi với nhau, cứ chế thằng Lại thò lò mũi xanh. Ngay cái khuôn mặt và nụ cười của Lại, bặt nhau kể từ năm 1972 tới giờ, vậy mà còn nhớ như in, chỉ tiếc mình không có khả năng truyền thần mà họa lại những khuôn mặt xưa, cứ chập chờn chập chờn trong ký ức.


Liệt sĩ Lại là em của Ngô Duy Lập cùng tuổi cùng học với tôi. Bố Lập, Lại là cậu Khôn, Ngô Duy Khôn. Bây giờ chỗ nhà cậu Khôn ngày xưa đã bề thế ngôi nhà thờ họ Ngô Duy bởi cậu Khôn là ngành trưởng họ Ngô này. Họ Ngô là họ lớn, có thể xem như lớn nhất trong làng so với các họ khác. Bu tôi cũng họ Ngô, nhưng là chi Ngô Trọng, một nhánh của họ Ngô. Những hộ gia đình thuộc chi Ngô Trọng chủ yếu quần tụ 2 nơi, ở xóm ngoài gần cánh Bến, khu nhà ông Vình, ông Thám ngày xưa, và xóm núi sát chân núi Trà. Hồi trẻ thơ, tôi hay lên chơi nhà ông bà ngoại trên xóm núi. Đi gánh nước giếng núi, bữa nao cố ý trốn việc nhà là rềnh rang quẩy đôi thùng cho cả nhà thấy rồi đi sớm, tranh thủ ghé nhà ông. Lại được cho quả chuối, quả ổi, không thì trèo lên cây sắn sau nhà dưới vặt đầy túi quả sắn. Thứ trái này cũng chả ngon lành béo bổ gì, chín thì ngòn ngọt, sống thì chát xít. Đám trẻ con quê nghèo ít khi nếm mùi bánh kẹo thì chỉ biết bổ sung dinh dưỡng ca lo chất ngọt bằng quả vối, quả thèn đen, quả sắn, quả rau muống, quả bom bóp, thậm chí quả mây bé bằng hột đỗ chè (đậu xanh) chát tắc cổ.

Nhắc đến họ Ngô Duy, bần thần nhớ đến một “danh nhân” của làng, một con người vô cùng đáng kính, đáng khâm phục trong mắt tôi. Bác Ngô Duy Ỷ. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét