Tôi người ngoại đạo Gia Tô. Mà cũng chẳng theo Phật giáo, chỉ cúng tổ tiên, các cụ, ông bà, thày bu. Cũng biết sợ quỷ thần và người hiền. Còn nếu có ai cố vặn vẹo tôi hỏi chả nhẽ không theo đạo gì thì tôi đành thưa thật, chỉ theo đạo ăn. Dĩ thực vi tiên (lấy ăn làm đầu) hoặc Dĩ thực vi thiên (lấy ăn làm trời, ăn to bằng giời).
Nói thế nhưng tôi rất mê, rất có cảm tình với các công trình kiến trúc chùa chiền (Phật giáo), nhà thờ (Thiên Chúa giáo). Đó là những kiến trúc đẹp, uy nghi, sắc sảo, đường nét đầy ấn tượng. Nhất là nhà thờ. Những nhà thờ đủ kiểu to-nhỏ, cũ-mới trên khắp nước, nhà thờ nào cũng đẹp, mỗi cái một vẻ “mười phân vẹn mười”.
Tôi đã từng nhìn tận mắt, tới chiêm ngưỡng, cúi đầu trước nhà thờ Lớn Hà Nội, nhà thờ chính tòa Thái Bình, nhà thờ đá ở Nha Trang, nhà thờ Cù Lao Giêng ở An Giang, các nhà thờ Tân Định, Huyện Sĩ, Đức Bà, Cha Tam, và cả nhà thờ Mông Triệu mới xây mươi năm nay… ở Sài Gòn. Ngôi nào cũng đẹp, quyến rũ, đường nét tuyệt vời. Càng cổ càng tuyệt. Có những ngôi tuổi chả kém bao nhiêu so với chính tòa thánh địa Bùi Chu, nhưng tới nay vẫn chắc chắn, kiêu hãnh vươn cao lên trời xanh biếc, tháp chuông trôi lãng đãng trong mây.
Nói như thế để thấy rằng nhà thờ cổ Bùi Chu bị biến thành ông cụ già nua, rệu rã, có nguy cơ hỏng nặng, trước hết là trách nhiệm của giáo hội, mà trực tiếp của các cha quản hạt, các linh mục, giám mục cai quản nhà thờ này. Tất nhiên phải kể đến yếu tố thời tiết, khí hậu (nóng, ẩm, gió bão…), chiến tranh, nhưng sao những nhà thờ khác không rơi vào tình trạng ấy mà lại trúng phải cụ trăm tuổi Bùi Chu. Ở đây có vấn đề tế nhị. Những tài sản của giáo hội, tôn giáo có quy định riêng, nhà nước ít can thiệp. Trên thế giới hầu như mọi quốc gia đều vậy chứ không phải chỉ Việt Nam. Vì vậy không thể trách gì nhà nước, chính quyền trong việc để nhà thờ Bùi Chu xuống cấp như thế.
Thực ra có những thời, sau 1954 ở miền Bắc và sau 1975 ở miền Nam, chính quyền đã thô bạo can thiệp vào tôn giáo, bằng cách cướp luôn, lấy luôn, dù giáo hội đòi mỏi miệng cũng không trả. Núp dưới vỏ lợi ích công cộng, lấy tài sản của tôn giáo làm trường học, nhà văn hóa, bệnh viện, vườn hoa, v.v.., rất nhiều tài sản, nhà cửa, cơ sở vật chất, đất đai của tôn giáo đã bị nhà nước lấy trắng. Hiện ở Sài Gòn, chúng ta vẫn thấy có khá nhiều trường học cấp 1, cấp 2 của nhà nước trong khuôn viên nhà thờ, vốn là những trường giáo lý, trường dòng, trường nữ tu từng do giáo hội quản lý, bị chuyển đổi quyền sở hữu sau cuộc cướp đoạt. Vườn hoa Thái Hà ở quận Đống Đa, Hà Nội một thời đầy tai tiếng cũng là dạng như thế. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét