Trang

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

Chuyện đi lại (kỳ 5)

Phản ánh hiện thực, không gì bằng mắt thấy tai nghe, tự mình trải qua, chứng kiến. Tất nhiên cũng có những trường hợp “tự mình” nhưng bị hao mòn bởi thời gian, trí nhớ, nên sai lệch, không đầy đủ. Tôi hiểu điều ấy nên chỉ biên lại những gì mình còn cảm thấy chắc chắn, rõ ràng từ ký ức, chứ không phải dạng nhớ láng máng thế này thế nọ.

Sau hơn 1 năm có mặt ở Sài Gòn, tháng 6.1978 tôi có chuyến đi xa đầu tiên trên mảnh đất phương nam. Lão bạn tôi, một tay bộ đội đi học, Đào Gia Thiệp, đồng hương, rủ đi Cần Thơ cho biết “gạo trắng nước trong”. Đang đói, nghe tới gạo bỗng sáng mắt. Tôi là thầy, lão là trò, nhưng sự tinh quái thổ công thì lão làm thầy. Lão bảo không chỉ đi chơi đâu, mình xuống đó mua vài chục ký gạo đem về bán cho mụ Tàu sẽ lời đủ tiền chi phí. Nhưng thầy lĩnh lương chưa? Tôi gật. Thầy phải nhớ thật bình tĩnh khi qua trạm kiểm soát Tân Hương, cứ làm theo tôi, nghe chửa. Tôi lại gật. Ở lớp, mình là thầy nó. Ra đường, nhất là qua trạm Tân Hương thì đương nhiên nó là thầy mình. Giờ đây, ông thầy của thầy đang sống ở quê, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Y đang học dở dang trường đại học sư phạm chỗ 222 Lê Văn Sỹ quận 3, không thích học nữa đùng đùng bỏ về quê. Có dạo làm trưởng thôn 2 nhiệm kỳ. Bà con tín nhiệm bầu nữa nhưng dứt khoát “treo ấn từ quan”, báu bở gì chức trưởng thôn.

Những chuyến trước tôi chỉ đi xa tới thành phố Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang là cùng bởi chỗ ấy có cơ sở 2 của trường. Khoan hẵng nói chuyện đi lại, kể về Mỹ Tho cái đã. Cả vùng đồng bằng sông Cửu Long trù phú mênh mông này, nếu không kể tới Cần Thơ được coi là Tây Đô, thủ phủ của vùng, đương nhiên là thành phố, thì Mỹ Tho là thành phố duy nhất trực thuộc tỉnh. Tất cả những đô thị còn lại như Gò Công, Vĩnh Long, Long Xuyên, Rạch Giá, Tân An… đều chỉ là thị xã. Lần mần tìm hiểu, thì ra Mỹ Tho là thứ đô thị sầm uất đầu tiên ở miền Nam, chỉ ra đời sau Sài Gòn. Thời Pháp, có nhiều nhà giàu vùng Mỹ Tho còn giàu hơn cả đại gia Sài thành. Người Pháp đã xây ở đây một thành phố tuyệt đẹp trên bến dưới thuyền, kéo cả đường sắt về tận nơi này. Đó là tuyến đường sắt duy nhất thọc xuống Nam Bộ, dài khoảng 70 cây số, qua nhiều con sông, cả những sông rộng như Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, quân Việt minh đã phá hoại con đường xe lửa này nên nó bị tạm ngưng hoạt động. Tới thời Việt Nam cộng hòa, ông Diệm cho khôi phục, vận hành trở lại để chuyên chở hàng hóa và dân chúng đi lại nhưng nghe nói chỉ được một thời gian lại ngưng, vì nhiều lý do, trong đó có lý do sự cạnh tranh của các hãng xe đò chở khách. Cuối cùng, chính quyền đã chấm dứt tuyến đường sắt độc đạo về miền Tây. Thật tiếc.

Khi tôi vào Sài Gòn, cái nhà ga xe lửa vẫn hoạt động ngay sát chợ Bến Thành, có cả cái pháp trường cát bắn anh biệt động Trần Văn Đang trước nhà ga, một thời gian sau mới chuyển ga về Bình Triệu, rồi vào ga Hòa Hưng bây giờ. Con đường sắt chạy từ ga cũ chỗ công viên 23.9 bây giờ men theo các đường Phạm Viết Chánh, Hùng Vương, ngang chợ An Đông, xuyên qua khu Chợ Lớn… những năm cuối 70 đầu 80 vẫn còn nguyên, gần khu tập thể tôi ở, tôi hay đi dọc đường ray để về nhà. Rồi người ta cứ phá dần phá dần, lấn chiếm xây nhà dựng cửa, lấy sắt bán phế liệu, giờ thì chả còn ai trông thấy thứ tàn tích thực dân ấy nữa. Thời ông Mai Chí Thọ làm bí thư thành ủy “Sài Gòn” thay ông Linh, báo chí rộ lên đăng tin ổng tuyên bố đề nghị nhà nước cho phục hồi tuyến đường Sài Gòn – Mỹ Tho, phát triển thẳng xuống miền Tây, kéo dài tới Cần Thơ, ai nghe cũng phấn khởi. Rồi cũng chỉ bấy nhiêu thôi, không có thêm chút hy vọng gì. Ông Mai Chí Thọ thành người thiên cổ từ lâu rồi, tuyến đường sắt trong mơ vẫn nằm trên giấy, mà chả biết có phải trên giấy không hay là ổng nói văng thế cho vui.

Phải công nhận thành phố Mỹ Tho thật đẹp. Ông bạn đồng nghiệp cùng đi dạy ở Mỹ Tho với tôi, thầy giáo Nguyễn Văn Vy, bảo mày rõ dở hơi khen phò mã tốt áo, “mỹ” mà lại chả đẹp thì cái gì đẹp. Trải qua chiến tranh đánh nhau dữ dội thế, rồi sau “giải phóng” phe thắng cuộc tàn phá kinh thế, mà vẫn còn những nét đẹp mê hồn của một thành phố miền sông nước đầy dấu ấn kiến trúc thuộc địa kiểu Pháp. Những ai từng ở Mỹ Tho những năm trước 1975 có thể chứng minh cho nhận xét này. Có lẽ nhìn ra một đô thị tầm cỡ như vậy nên chính quyền cách mạng đã phong nó là thành phố, trên một bậc so với các thị xã. Thú thực, tôi rất thích cái tên thị xã cho các tỉnh lỵ, nó nhẹ nhàng, nên thơ, gần gũi, chẳng hạn thị xã Lạng Sơn (để rồi có bộ phim nổi tiếng của ông đạo diễn Đặng Nhật Minh, Thị xã trong tầm tay), thị xã Tây Ninh, thị xã Phủ Lý, thị xã Kiến An… Về sau, thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng, ông ta nổi hứng phong tuốt cả loạt thị xã lên hạng thành phố, và cả các trường cao đẳng thành trường đại học. Rất ồn ào, khoa trương. Nhưng quả thật, riêng Mỹ Tho thì xứng đáng là thành phố, là trung tâm đô thị thứ 2 của cả vùng Nam Bộ. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét