Trang

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2019

Chuyện đi lại (kỳ 6)

Miền Nam, sau tháng 4.1975. Không khí hồ hởi của người dân đón chào ngày đất nước thống nhất, hai miền sum họp dần dà lắng xuống khi cả bên thắng cuộc lẫn thua cuộc phải đối mặt với thực tế thụt lùi từng ngày. Mọi thứ cứ xám xịt dần, cả lá cờ treo trước cổng trường tôi cũng bạc phếch, rách te tua mà không ai nghĩ tới việc hạ nó xuống, thay bằng lá khác tươi mới hơn. Tôi còn nhớ “thằng” Trần Tất Hùng, rất đẹp trai, tốt tính, nhân viên phòng hành chính, con rể ông hiệu phó, có lần tôi chỉ cho nó ngắm lá cờ, bảo sao không thay đi, nó nói nhỏ chả còn lá xơ cua nào để thay cả, mua mới thì không có tiền. Thầm nghĩ, trời ạ, tới cờ tổ quốc mà cũng chịu cảnh đói nghèo, nhưng lại tặc lưỡi cuộc sống thế nào thì cờ thế ấy.

Trong đám giáo viên Bắc Kỳ du nam, lão Vy (Nguyễn Văn Vy) bạn tôi vào Sài Gòn đầu năm 1976, tôi chậm hơn một nhịp vào đầu năm 1977. Chỉ hơn kém nhau có 1 năm mà khác hẳn nhiều thứ. Lão kể lúc mới tới Sài Gòn, cảm giác bị choáng ngợp. Lão được đi xe đò của các hãng Phi Long, Hưng Long mỗi người một ghế, có cả khăn lạnh lau mặt mặc dù lúc ở nhà đi đã rửa mặt rồi. Nhìn dãy xe đò mới tinh đủ màu sắc ở bến xe miền Tây mà khiếp. Cứ vào cổng đã có đứa ra săn đón hỏi chú hai, anh hai đi đâu đi đâu. Không phải mua vé, càng không phải xếp hàng, càng không phải chen lấn như hồi ở Hà Nội. Tới lúc tôi vào, cũng bến xe miền Tây, khi tôi đi dạy ở cơ sở Tiền Giang năm 1978 thì những điều lão Vy kể đã mau chóng chìm trong quá khứ. Những gì tôi chừng chứng kiến, từng trải qua, từng chịu đựng ở miền Bắc “xã hội chủ nghĩa tươi đẹp hơn vạn lần tư bản”, ở bến xe cầu Niệm, bến Nứa, bến Kim Liên, ga Hà Nội, ga Hải Phòng, bến xe buýt đi Hà Đông, ga tàu điện Bờ Hồ… giờ được lặp lại y nguyên, thậm chí khủng khiếp hơn. Có những điều, nhắm mắt lại cũng không thể hình dung tại sao nó có thể như thế.

Lần đi Cần Thơ với Đào Gia Thiệp cuối năm 1977. Chiếc xe khách (xe đò) xộc xà xộc xệch của công ty xe khách quốc doanh chật ních người. Tới lúc này, tất cả xe cộ đều bị quốc hữu hóa, đưa vào công ty nhà nước. Không còn Hưng Long, Phi Long, Phi Hổ nữa. Xe vào tay nhà nước, chả mấy chốc bị biến thành cục sắt biết đi. Cứ chạy một hồi lại dừng sửa, không hỏng thứ này thì thứ khác. Xe đã chật như nêm nhưng bác tài và lơ xe người nhà nước vẫn rà rà nhặt khách suốt dọc đường nhét thêm vào. Ngồi chết dí trên nửa cái ghế, tự hỏi sao mình lại lao vào cuộc hành xác như thế này làm gì. Anh cu Thiệp vốn mau mồm mau miệng cũng chán không thèm nói nữa, lưng áo ướt đầm. Đi từ sáng sớm, tới trưa mới đến được bắc (phà) Mỹ Thuận. Bên này là huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, bên kia sông Tiền là đất Vĩnh Long, quê hương ông Phạm Hùng, ông Võ Văn Kiệt. Qua Vĩnh Long khoảng 7 chục cây nữa mới tới Cần Thơ. Nhìn hàng xe đủ loại xếp như đàn kiến chờ phà dài cả cây số, hiểu rằng đêm nay ở Cần Thơ là chắc rồi. Thời ấy, cứ đi đâu ngoài 200 cây số là phải mất nguyên ngày. Năm 1980, tôi đi từ Rạch Giá về Sài Gòn mất những 2 ngày. Tới khuya xe mới về đến Bến Lức (Long An) nhưng phải dừng ở đó chờ sáng hôm sau bởi muốn vào nội đô cũng chả được, người ta vẫn duy trì tình trạng thiết quân luật ban đêm, cấm mọi xe cộ vào thành phố.

Nghe tiếng lao xao phía trước, như có đám đánh nhau. Lại gần hóa ra đội thanh niên cờ đỏ đang kiểm tra nếp sống văn hóa mới. Ai mặc quần loe, bất kể già trẻ, nam nữ, đều bị thanh niên cờ đỏ lôi tuột ra phía sau trạm thu vé phà, thuyết cho một hồi và rạch chiếc ống quần. Có đứa con gái bị cắt cụt hẳn một đoạn ống quần loe, có lẽ do loe rộng quá. Mặt cô cậu nào bị xử cũng xanh lè như đít nhái. Còn mặt nhân viên đội cờ đỏ giữa nắng trưa lại càng bừng bừng. Tay Thiệp để tóc dài, dù không phải tóc đít vịt, cũng bị lôi vào trạm chuyên chính. Y lấy giấy tờ bộ đội ra, chúng lật lên lật xuống coi một lúc, tha cho. Lần đầu tiên chứng kiến cảnh xử quần loe tóc dài của lực lượng cách mạng chuyên chính vô sản, tôi phát khiếp. Nhớ hồi xưa từng đọc truyện “AQ chính truyện” của cụ nhà văn Lỗ Tấn người Tàu kể về cuộc cách mạng ở làng Mùi. Cứ nghĩ cách mạng là thứ gì cao quý, thiêng liêng, ghê gớm, vĩ đại lắm, hóa ra nó chỉ nhăm nhăm đi cắt cái cái tóc đuôi sam của người dân. Làm cách mạng để đòi quyền tự do, được sống tự do, nói như tuyên ngôn độc lập của cụ Hồ, không ai có thể tước đi quyền thiêng liêng ấy, vậy nhưng oái oăm thay, xả thân cho cách mạng để rồi bị tước mất quyền được mặc quần loe. Tôi đảm bảo, đám thanh niên, sinh viên Sài Gòn mà biết trước sẽ bị tước quyền tự do cá nhân như thế này thì nhóm ông Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm có dí súng vào tai bảo chúng xuống đường cũng chả xua được mống nào. Trên thế giới này, chẳng biết còn nơi nào chuyên chính với quần loe tóc dài như thế nữa không. Suốt chặng đường chiếc xe đò cũ nát ì ạch bò qua Vĩnh Long quê hương ông Phạm Hùng, ông Võ Văn Kiệt để về Cần Thơ, tôi cứ lúc lắc câu hỏi ấy trong đầu.

Tiện đây cũng biên thêm một chút. Hồi nãy tôi bảo lần đầu tiên chứng kiến cảnh cắt quần loe, thực ra chưa chính xác lắm. Dạo năm 1975, đám sinh viên chúng tôi phần lớn xuất thân nhà quê nên ngu ngơ, thuần chất nông dân, chả biết mốt miếc, ăn chơi là gì. Loại chúng tôi, cán bộ đoàn chưa ho, đã ngơ ngác nhìn nhau sợ quắn đít. Với đám quần chúng ngu muội dễ bảo này, nhẽ ra nhà nước không cần ban tuyên giáo. Chỉ cần thơ Tố Hữu là đủ. Nhưng có những cá biệt, vì vậy cơ quan tuyên giáo vẫn cần. Một trong những cá biệt rắn mặt, khó đưa vào khuôn phép ấy là anh Lê Ngọc Tân cùng khóa, cùng lớp. Anh Tân sống ở Hà Nội tức là đã hơn chúng tôi một đẳng cấp rồi, lại có ông anh là Lê Ngọc Y cán bộ to đi nước ngoài xoành xoạch, đem về cho ông em giai đủ thứ mà chúng tôi chỉ mơ ước thôi cũng không dám. Khi mình chỉ rặt đi bộ và diện tàu điện thì y đã có cái xe đạp thể thao chả biết đem về từ Ý hay Pháp, bóng lộn, lốp xe bé tí như ngón tay cái. Khi chúng tôi chỉ diện quần bộ đội vải tô châu, đứa nào nhà khá giả lắm thì dành dụm may được chiếc quần simili màu lông chuột thì y đã đủ kiểu tuýt so, sẹc len, ốc pho. Và đỉnh điểm là cuối năm 1975, y chán những thứ đồ cao cấp quý phái ấy, lấy ngay chiếc vỏ chăn hoa màu đỏ tươi may chiếc quần ống loe rõ rộng. Ngồi trên xe đạp thể thao, y phóng vào trường, ống quần loe bay phần phật như hai lá cờ. Cả đám ngu ngơ đứng trên hành lang nhà C2 trông xuống vỗ tay rầm rầm. Từ đó chết tên Tân loe. Chuyện đến tai đoàn khoa, đoàn trường. Tân loe bị kỷ luật vì có nhiều tiền án tiền sự truyền bá nếp sống tư sản đế quốc đồi trụy, đỉnh cao là ngang nhiên mặc quần loe (đã bị cấm) mà lại là quần loe vải đỏ, màu cờ tổ quốc. Y bị kỷ luật ngưng học 1 năm, phải lùi lại học chung với khóa sau. Đó cũng là lý do vì sao Tân loe là thành viên của cả hai khóa 17 và 18, họp lớp cũng phải đúp bồ (double) hơn người khác. Sau này có ai tỉ mẩn viết về lịch sử Văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội mà quên chi tiết này kể cũng phí. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét