800 chiếc xe mang tên Fadill của VinFast làm tôi lại nhớ tới câu thơ hồi trước, “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Lô anh hò chị hát”. Cái tên xe "thồ" mang đầy tinh thần Điện Biên theo cách phát âm, chứ đương nhiên nghĩa tây của nó không phải thế.
Mẻ hàng đầu của ông Vượng mang tính đột phá, mở rộng lối cho ngành ô tô xứ này, như ca ngợi của thủ tướng Phúc, làm tôi nhớ một chuyện cách nay đã hơn 25 năm, nhưng ở lĩnh vực xe máy.
Chắc nhiều người còn nhớ, thời kỳ thập niên 80 và nửa đầu 90, xe máy (còn gọi xe gắn máy) là thứ hàng hiếm, đắt, một loại tài sản giá trị cao không dành cho người ít tiền. Xe có sẵn ở miền Nam chủ yếu là đồ dùng của dân chúng, hầu hết dạng xe cũ, dùng rồi, đủ các thương hiệu Honda, Suzuki, Yamaha, Vespa, Solex, nổi tiếng nhất là xe Honda Dame 49 phân khối màu xanh lá cây. Sau 1975, do chính quyền mới làm kinh tế không giỏi như đánh nhau nên dân chúng đói rã họng, phải bán dần đồ đạc để ăn. Xe máy bị đẩy đầu tiên bởi không có xăng, để trong nhà trông ngứa cả mắt. Đám xe này chịu cuộc cách mạng chuyển quyền sở hữu, từ của dân chúng thành của cán bộ, từ miền Nam ùn ùn kéo ra Bắc, biến cuộc sống phồn vinh giả tạo thành nghèo đói thật sự, biến sự thiếu thốn thắt lưng buộc bụng thành ăn chơi đẳng cấp. Ông anh tôi cười bảo đó là cách mạng lộn ngược, là sự trả thù của chủ nghĩa xã hội đối với chủ nghĩa tư bản, của đám đông vô sản đối với đám có của ăn của để.
Ngoài lượng xe ấy, ở miền Bắc ban đầu cũng có xe máy, tuy nhiên không đáng kể. Suốt thời thơ ấu, thậm chí lúc thanh niên, không mấy khi tôi thấy chiếc bình bịch, xế nổ chạy trên đường. Nếu có, chỉ của nhà giàu và cán bộ cấp thành phố giở lên. Xe từ vài nguồn khác nhau: Có thứ từ hồi “mồ ma thực dân Pháp” như Mobilet, Peugeot; có xe do lưu học sinh, nghiên cứu sinh đem từ Liên Xô, Đức, Tiệp… về như Minsk, Babetta, Simson; và đáng kể nhất xe từ đám thủy thủ viễn dương Vosco đánh về. Nói một cách công bằng, không có hàng tàu viễn dương, chưa biết khi nào miền Bắc, và sau 1975 là cả hai miền, thoát khỏi công cuộc xe đạp trường kỳ. Chú em họ tôi thủy thủ Vosco kể rằng để có suất đi Nhật, cập các cảng Kobe, Yokohama…, lính phải chia phần trăm cho các sếp dữ lắm. Thời nào cũng vậy, luôn có những kẻ ngồi mát ăn bát vàng, sống bằng mồ hôi nước mắt người khác, mà mồm thì leo lẻo lao động là vinh quang. Một chiếc Cub 81 kim vàng giọt lệ, hoặc chiếc 82 đèn vuông, hoặc chiếc DD đỏ, cứ đưa được lên bờ là bỏ vào túi mấy cây vàng. Xe secondhand bãi rác mua rẻ rề từ Nhật, về tới cảng Hải Phòng trở thành niềm ao ước của bao người. Đã có thời, ở Hải Phòng, những căn nhà mới xây cao to đẹp nhất là của các chàng Vosco. Giờ nhìn cảnh Vinashin tiêu điều, chỉ biết thốt lên “than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu”.
Lẩn mẩn kể vậy để hiểu rằng khi nhà sản xuất từ Đài Loan, tập đoàn Chinfon, mà cụ thể là công ty con của nó, SYM, quyết định đột phá vào thị trường xe máy Việt Nam năm 1995, trước cả Honda, Suzuki, Yamaha của Nhật, thì giống như cuộc cách mạng, chấm dứt sự nghiệp xe đạp bền vững, và hé ra hy vọng mua xe máy của người nghèo xứ này. Sản phẩm đầu tiên của nó là chiếc xe máy Angel, dung tích máy 80 phân khối, nên được dân chúng quen gọi là En chồn 80. Còn ý nghĩa hơn cả ô tô Pha Đin của ông Vượng Vin sáng nay. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét