Trang

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2019

Quảng Bình và Bọ Vương (phần 2, cuối)

Nói gì thì nói, dân văn thuộc diện học ít chơi nhiều. Dẫn chứng đâu xa làm chi cho mệt, cùng các dãy nhà C1, C2 khu Mễ Trì, khoa văn chiếm một nửa phía bên ngoài (ngay sát lối đi), còn khoa sử nửa phía trong. Nhà C1 dành cho các thầy cô tầng 2, còn phòng học ở tầng dưới và tầng 3 tầng 4. Nhà C2 chỉ làm ký túc xá cho sinh viên. Đêm đêm, nhìn lên các phòng học phía khoa sử đèn đuốc sáng trưng, bọn sử kéo nhau lên đó ngồi học nghiêm cẩn, ít khi cười đùa. Phòng ký túc xá của họ cũng vậy, yên lặng như trại lính, con muỗi bay qua có thể còn nghe tiếng vo ve.

Còn bên văn, ôi giời. Suốt ngày như cái chợ vỡ. Nếu ta thấy anh chị nào buổi tối sắng sở sách này tập nọ, bóng đèn điện, cuộn dây điện leo lên khu phòng học C1 thì cũng đừng vội tin họ đi học. Làm màu tí thôi, rồi anh chị gặp nhau chỗ nào, ma nó biết. Buổi tối, nhất là thứ bảy, chủ nhật, người ra vào bên khoa văn nườm nượp. Quân ta kéo nhau đi, quân các nơi kéo về. Có khi khách chẳng cần trèo lên gác, đứng dưới bể nước phát vài tín hiệu là xong. Hoặc sân thượng, hoặc chui qua cái lỗ hàng rào phía sau quán nước cô Xuyến con bà bu sang bên sân vận động trường ngoại ngữ, hoặc đường tình thơ mộng giữa cánh đồng chạy tuốt từ Mễ Trì lên Thượng Đình, hoặc nhà thờ Phùng Khoang, hoặc đầm sen gần đài phát thanh, hoặc… Gớm, chỗ chơi của dân văn có mà kể cả ngày cũng không hết. Không chơi bời, đàn đúm, tán tỉnh, yêu nhau, hạnh phúc, dỗi hờn, tan hợp, hợp tan, không phải dân văn. Thế mới hay chứ lị.

Đã chơi nhiều thì đương nhiên học ít. Mà học ít thì làng nhàng. Hầu hết cứ đủng đà đủng đỉnh, tới mùa làm khóa luận, luận văn mới vắt chân lên cổ. Tôi nhận thấy phần đông như vậy, kể từ đám loi choi như tôi, thằng Bá Tân, thằng Bính, thằng Đồng, thằng Ba, thằng Tửu, tới những đấng bậc như các bác Trọng Cường, Huy Cờ, Nam Việt, Quang Thuật, Xuân Sang... Nói nhỏ, chính các đấng này ăn chơi mới khiếp, đàn em theo được còn mệt.

Vậy nhưng không phải ai cũng đặc trưng văn thế. Giữa đám đông tinh dững giặc cỏ, nổi lên vài đứa chuyên chú học hành, học ra học, chơi ra chơi. Và nhất là cực thông minh, hơn hẳn bạn bè cái đầu. Tôi phục nhất 3 thằng: Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Văn Bích, và bọ Vương – Trần Ngọc Vương (không kể thằng Dũng què siêu nhân bên Hán Nôm).

Nét chung của mấy tên người giời này là thông minh hơn kẻ khác, trí nhớ xuất chúng, học một biết mười. Chúng nó học nhàn hơn chơi, mà lại ít chơi bời, thế mới kinh. Có những thứ người khác phải mất cả buổi để nạp vào đầu thì chúng chỉ cần liếc qua là xong. Cả ba thằng đều học giỏi ngoại ngữ, khi tụi Thông cào ú ớ mãi từng chữ thì chúng nó đã đọc sách nguyên bản nhoay nhoáy, cuối luận văn ở phần sách tham khảo ghi tinh những sách báo tài liệu chữ Nga, chữ Pháp. Giờ học tiếng Nga của cô Thơ, thầy Chế, thầy Khuyến, hai thằng Huy Hoàng, Bích toàn bị bọn lười đủn lên ngồi hàng đầu, nhỡ gặp câu nào khó là nhấm nháy nhờ chúng nó gánh. Giờ tiếng Pháp của thầy Bùi Văn Lung cũng vậy, thằng Vương được xem như người tốt việc tốt.

Chả thế, khi ra trường, gọi là ra trường thôi chứ thằng Hoàng thằng Vương được giữ ở lại khoa, chúng nó bập vào việc được ngay, chững chạc, đường hoàng, giật cái tiến sĩ dễ như ta mua mớ tép. Thằng Bích về Viện Xã hội học, chỉ vài năm thông thạo cả tiếng Nga lẫn tiếng Anh, đỗ ông nghè tận Thụy Điển, đi nước ngoài như đi chợ. Nghe đâu bây giờ lấy con vợ Nhật, thạo luôn cả tiếng Nhật. Nghe tôi khoe thằng Bích biết nhiều ngoại ngữ chỉ kém cụ Hồ, thằng Ba cười bảo biết nhiều làm đéo gì. Nhiều mà cả năm không thấy ló mặt ra đàn đúm chơi bời, như mày chẳng hạn (y nói tới đó liền chỉ vào mặt tôi, ý rằng mày đàn đúm có hạng) thì cũng vứt. Thuộc nhiều biết nhiều như thằng Hoàng mà đến nỗi đầu bạc trắng “mấn như ti” như thế thì thà rụng tóc lơ thơ như mày (lại chỉ vào mặt tôi) nhưng đàn bà khoái vẫn có lời hơn.

Thôi, tôi chẳng hơi đâu tranh luận với thằng Ba. Cãi với nó thà cãi với đầu gối. Tôi chỉ nhẩn nha nhớ về thằng Vương, thằng Quảng bọ xuất chúng. Hình như nó là đứa duy nhất lớp văn khóa ta trèo lên tới học hàm giáo sư, đứa còn lại là thằng Nghiệu, Vũ Đức Nghiệu bên lớp ngữ. Phó giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ thì hơi bị nhiều, nhất là bọn Hán Nôm và ngôn ngữ, nhưng nhõn suất giáo sư - nhà giáo ưu tú lại thuộc về bọn văn. Thằng Vương làm hãnh diện cho cả bọn lớp văn. Vương ơi, tao cảm ơn mày, không có mày thì chúng tao tủi lắm, chúng nó sẽ nhìn chúng tao bằng nửa con mắt, hu hu. Mày đã cứu vớt danh dự cho bọn chơi bời chúng tao, Vương nhỉ.

Năm 94 hoặc 95 gì đó, tôi được anh Bùi Trọng Cường thông báo thằng Vương đi Liên Xô giành được cái tiến sĩ. Nó giỏi lắm, mày ạ. Anh bảo thế. Tôi nói với ông anh, nếu anh báo rằng chính anh, hoặc em, anh Giang, anh Năng… vinh quy thì em sẽ giật mình, nhưng thằng Vương thì đương nhiên phía tây không có gì lạ. Mấy năm sau, lại được nghe nó ăn hàm phó giáo sư, mấy năm nữa leo tót lên giáo sư, nhà giáo ưu tú. Tôi gọi điện cho anh Hồng, rằng thằng này nó không bị chóng mặt nhỉ, chứ rơi vào trường hợp em, leo cao thế, chết đầu nước, ở đó mà sư với sãi.

Hồi năm 2010, thằng sư Vương vào Sài Gòn dạy thỉnh giảng cho trường anh Hồng. Nó nhắn, Cào ơi, mày đến tao cho quyển sách. Tôi lập cập phóng xe máy tới, nó dúi cho cuốn, cái tên sách khó nhớ bỏ mẹ, “Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ”, dày nặng chình chịch. Biết là thứ khó xơi, tôi vẫn cảm ơn nó rối rít, về đọc ba đêm liền mà đếch hiểu gì. Bảo với thằng Cao Tự Thanh, Dũng ạ, tao đọc sách của thằng Vương đéo hiểu gì. Thằng Dũng đập bàn, mày đéo hiểu là phải, phải cỡ tao mới hiểu được. He he, thằng Dũng què (chúng tôi hay thân mật gọi nó như vậy, nó chả giận bao giờ) là kỳ nhân của đám K17 Hán Nôm, nó còn đứng trên cả thằng Bích thằng Hoàng thằng Vương, nó nói thế là đúng rồi. Nghe thằng Dũng mắng, tôi không những không buồn mà mặt còn tươi hơn hớn. Không phải ai cũng được nó mắng.

Một hôm Bọ Vương thư cho tôi, bảo Thông cào ơi, tao mới đi Harvard về, dự cuộc hội thảo quốc tế về Trần Nhân Tông. Y kể sang đó trình bày tham luận trước các học giả Mỹ và thế giới sừng sỏ nhưng vốn tiếng Anh của y chưa đủ nên cũng phải nhờ phiên dịch. Bên nhà cử hẳn một phiên dịch viên cao cấp cho riêng y. Vương than chỉ riêng điều đó đã thấy quá xấu hổ. Giời ạ, Vương mà còn xấu hổ thì chúng tôi, nhiều đứa trong đám bạn đồng môn của y còn xấu hổ đến cỡ nào. Y thông thạo tiếng Nga, rành rẽ chữ Hán, xài tốt tiếng Pháp, và tiếng Anh cũng không đến nỗi. Vậy mà vẫn xấu hổ. Đó là sự tự trọng của kẻ sĩ, trí thức đúng nghĩa.

Trần Ngọc Vương là một chuyên gia về Trần Nhân Tông. Y là kẻ kế thừa kiến thức bác học của thầy Trần Đình Hượu thành công nhất. Năm 2012, nhớ hôm đó nhằm 18 tháng giêng, trên đường từ Hải Phòng về Hà Nội, Vương rủ tôi và anh Bùi Trọng Cường rẽ vào làng gốm Bát Tràng. Trời tối, ba anh em bắt taxi nhập làng. Vương bảo đêm nay ở đó diễn ra lễ hô thần nhập tượng cho bức tượng đức vua-phật hoàng Trần Nhân Tông. Lễ do Nguyễn Anh Tuấn nguyên Tổng biên tập Vietnamnet phối hợp với nhà chùa tổ chức, Vương sẽ là diễn giả chính. Tôi thắc mắc sao chả thấy mày chuẩn bị giấy tờ, đít-cua gì. Vương cười, chỉ vào cái đầu, ý chừng tất cả nằm trong đó rồi. Khiếp thật. Chờ mãi đến hơn 1 giờ đêm mà vẫn chưa diễn ra lễ hô thần nhập tượng, tôi và anh Cường ghé tai Vương chúng tao buồn ngủ lắm, nhờ mày thưa với đức phật hoàng cho chúng tao về trước nhé. Vương nói phải đợi giờ thiêng, "nếu chờ được thì tốt", rồi chốc nữa có xe của Tuấn đưa về. Hai anh em chúng tôi người trần mắt thịt, nào có hiểu sự cao siêu của phật pháp, cứ nằng nặc bái bai. Nửa đêm, đi bộ gần hai cây số vòng vèo trong làng gốm sứ, dưới mưa xuân dày đặc, mãi lâu thật lâu mới bắt được một chiếc taxi cũ mèm. Chân cẳng mỏi rã rời. Lúc ấy mới hiểu tại sao Vương bảo rằng chờ được thì tốt. Thì ra mình vẫn thiếu sự kính trọng, thiếu niềm tin vào sự thiêng liêng cao cả nên bị phạt là phải. Thế vẫn còn nhẹ.

Lớp ta nhiều người chắc còn nhớ chuyến đi thăm khu tưởng niệm vương triều Mạc có Vương tham gia. Vương như con cá được thả về nước, nó làm MC, thuyết minh cho cả bọn nghe không sót tí ti nào về triều đại này. Nói vụng, tôi có lúc nhìn tượng vua Mạc, rồi nhìn thằng Vương, thầm nghĩ đúng là bác học gặp anh hùng, chưa biết ai tài giỏi hơn ai. Nghĩ vụng thế thôi, chứ khi đó mà bô bô ra thì nhà vua vặn cổ.

Đời Vương, cái tên vận vào người, nó là vua về kiến thức, nhưng cuộc sống riêng không hẳn xuôi xẻ. Cô Mai, bà xã Vương bị bệnh hiểm nghèo kéo dài cho tới khi mất (năm 2013), nên nó rất vất vả. Tôi ở xa, cứ nghe các bạn ngoải kể về tình cảnh nó lại âm thầm thương nó. Có lúc buột ra mồm, anh Hồng bảo mỗi người được ông giời cho một phận, mày tưởng mày hay lắm đấy à, cứ liệu thần hồn, con ạ.

Hóa ra, lời bác cả Hồng, ngẫm lại quá đúng.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét