Trang

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

Bác cả Năng (kỳ 2) dành cho K17

Tôi có cái vinh dự mà không phải ai ở K17 (trừ khá đông các vị Thúy, Cúc, Tăng Hải, Lan) cũng có được, là đồng hương đồng khói với bác cả Năng. Nhiều khi ngấm ngầm tự hào và công khai dựa dẫm, chẳng khác gì những lúc Bá Tân vuốt râu khoe nó là người huyện Nam Đàn quê cụ Nguyễn Sinh Cung. Thậm chí tôi còn hãnh diện hơn cả mấy ông bà đất Phòng kia ở chỗ còn được làm đồng hương huyện, chỉ khác xã, cách nhà nhau khoảng 6 cây số. Hồi tháng giêng Kỷ Hợi vừa rồi, cả đám gần hai chục người đàn đúm tại nhà tôi ở làng Trà, xã Thụy Hương, lúc gần đi ngủ, bác cả Năng bảo, thôi, vợ chồng ông Giang ải lậc cậc qua nhà tôi, vừa rộng rãi, vừa để biết nhà, tối nằm gác chân lên nhau trò chuyện, chứ ở đây ầm quá loạn quá, ngủ thế đếch nào được. Tôi chân tay còn vưng vững, mắt cũng hơi tinh, lại thuộc đường, từ nhà tôi sang thôn Cốc Liễn, xã Minh Tân vào nhà bác Năng, tôi nhắm tịt mắt cũng đi được, nên lĩnh chức đèo bác Giang trai, còn bác cả chở bác Giang gái. Lên xe, hai anh em vừa phóng vừa trò chuyện, nhoáng cái đã tới nơi. Cụ Ải lậc cậc vỗ vai tôi, bảo nhanh nhẩy, thế mà tao cứ tưởng xa, thương mày quay về rét. Chả biết đêm tương phùng ấy cụ Năng cụ Giang trò chuyện những gì nhưng sáng hôm sau tôi tới đón, nhìn mặt cụ Giang tươi hơn hớn. Tình cảm bạn bè của người đã chạm ngưỡng già, như liều thuốc tiên vậy.

Ở đây, cũng mở cái ngoặc đơn, trong lớp mình, có 3 người chơi thân với cụ Giang nhất, phía đám đàn ông, chứ đờn bà thì tôi không biết, là cụ Năng, cụ Hồng, cụ Thuận. Tình bạn keo sơn mãi tận bây giờ. Trong bài kỳ 1, khi nhắc về những vị trưởng lão, tôi không nhắc tên cụ Trần Hồng bởi lúc ấy đang nói về những cụ đã trải qua thời chinh chiến, mặc áo lính, còn cụ Hồng thì mặc áo công tử xứ Nghệ nên bị loại khỏi đội cựu binh.


Hồi K17 kéo quân từ nhà D1 bên ngoại ngữ chuyển khẩu sang khu Đại học Tổng hợp, nhà C2 Mễ Trì, hình như thấy tôi có vẻ ngoan (thực ra là nhầm), láu táu, dễ sai, có phẩm chất của thằng lính liên lạc, một dạng con nuôi trung đoàn, nên tôi được đặc cách xếp ở chung phòng với tinh cán bộ cao cấp hoặc người già, trong đó có các bậc trưởng thượng như Lê Xuân Sang, Lê Quốc Lập, Đặng Quốc Khánh, Lê Văn Sơn, Bùi Trọng Cường, Nguyễn Ngọc Xuân. Rèn trong cái lò này, muốn hư cũng khó. Nhưng chẳng nhẽ cán bộ và trưởng lão lại dồn hết vào một phòng, nên cụ Năng phải bám sát quần chúng để lãnh đạo đám Ngọc Bính, Bá Tân, Xuân Hoàng, Xuân Ba, Quang Tửu, Huy Bích… ở phòng số 2 tầng 3. Phòng này mặc dù có cụ Huy Cờ cao tuổi nhưng cho cụ ni lãnh đạo chả khác gì đầu độc con trẻ, bởi nói tục khiếp đi được, lại hay theo đuôi quần chúng, lấy trộm sách của thư viện bác Chinh như ranh. Phòng số 1 cũng phải cắt cử cụ Hoàng Sĩ Chiến, Phạm Văn Sĩ cai trị đám Tiến Thư, Quốc Vượng, Sĩ Đại, Văn Bảo, Dũng còm…, chứ không có mà loạn, loạn. Tôi nhớ thằng T. nhát, sợ ma, có hôm nó không dám ra nhà vệ sinh lúc nửa đêm khuya khoắt, nó rón rén tia luôn vào góc hành lang, khai um, bị phát hiện, cụ Chiến và cụ Ngô Đức Nguyên mắng cho một trận, từ đó chừa.

Ở phòng trung ương nhưng tôi hay qua chơi với cụ Năng hàng xóm. Quấn quít đầu tiên là tình đồng hương. Sau nữa là sự tôn trọng đấng bậc. Sau nữa là nhờ vả, lợi dụng. Ở nhà quê, tôi có bà chị và ông anh trai, cứ không làm được gì là tôi réo. Nay đi học để làm cán bộ tương lai cho đất nước, xa nhà, đành đem bác Năng làm người thế chấp. Những hôm rét quá, thèm điếu thuốc, mò sang bác Năng. Lúc nào bác cả cũng có sẵn Sông Cầu hoặc Tam Thanh, ít hút, nên tôi cứ rình đúng kỳ cán bộ lớp mua nhu yếu phẩm, sang thỏ thẻ vài câu nịnh nọt thì ít nhất cũng được một điếu. Đói, cũng gạ, anh ơi, đi Thượng Đình đi. Bác cả liền lấy cái xe đạp đòn ngang tuy cũ kỹ nhưng chắc chắn, chở tôi tới nhà một người anh em họ của bác, tên Thanh, ở khu tập thể Cao xà lá, ngay sát cơ sở trường trên Thượng Đình. Ông Thanh cứ thấy anh em mò tới, không cần hỏi han gì, bắc ngay chiếc bếp dầu, đặt chiếc nồi nhôm đen xì lên, đun nước, thêm tí mắm, tí mỡ tí hành, sôi thì bỏ mấy cuộn mì sợi vào, có nồi mì sì sụp. Giải tỏa cơn đói xong, hai anh em lại bon ngựa sắt về Mễ Trì. Mình lí nhí chào bác Thanh, bác cười, hôm nào lại đến nhé. Có nhẽ từ năm 1975 tới giờ, không liên lạc với ông phiếu mẫu ấy, chẳng biết còn hay đã mất. (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét