Trang

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2019

Biên thêm về "hậu lớp vỡ lòng"

Như đã nói, đám trẻ oắt làng tôi học xong lớp vỡ lòng (của cụ giáo Bạt, theo cách nói bây giờ là thầy chủ nhiệm) và lớp tập chép (cụ Mông hoặc cụ Thẫn) là đã đọc thông viết thạo. Nên khi vào lớp 1, đứa nào cũng rất tự tin, không cần phải ê a "ênh, lênh, khênh. Cái gì cao lớn lênh khênh/đứng mà không tựa ngã kềnh ngay ra" nữa.

Cả xã Thụy Hương (gồm 3 thôn) quê tôi những năm 1960 chỉ có mỗn trường cấp 1, còn nếu đã hết lớp 4 (tốt nghiệp cấp 1, ngày xưa thời Pháp gọi là có bằng sơ học yếu lược), muốn học cấp 2 phải sang xã Thanh Sơn láng giềng học chung với học sinh bên ấy. Thế hệ ông anh giai tôi phải học cấp 2 ở bên Thanh Sơn, tới tôi thì bắt đầu được học ở ngay xã nhà Thụy Hương. Cũng may là trường cấp 2 Thanh Sơn hơi bị gần, chỉ đi qua đầu núi Chè là tới. Thầy Giám (tôi không nhớ họ) làm hiệu trưởng Thanh Sơn suốt mấy chục năm. Thầy là hình ảnh của một vị trí thức được hấp thụ nền giáo dục ưu việt từ thời Pháp, vầng trán cao, mắt sáng, tài giỏi, nghiêm cẩn mà nhân hậu. Tôi không được học thầy nhưng thỉnh thoảng nhìn thấy thầy, còn anh tôi học giỏi toán là trò cưng của thầy, hay kể cho tôi và đứa em gái nghe về thầy; em tôi sau này theo nghề dạy học còn là lính của thầy. Thậm chí gia đình nhà nó ở hẳn trên khu nhà tập thể giáo viên trường Thanh Sơn, dãy nhà tựa lưng vào núi, có hộ khẩu tạm trú ở đó nhiều năm. Tôi ghé chơi, đùa gọi vợ chồng con cái nhà nó là đồng bào miền núi, người dân tộc thiểu số, làm sao mà văn minh bằng dân đồng bằng dưới này, cách vài trăm mét.

Quay lại chuyện trường cấp 1 Thụy Hương. Cơ sở chính của trường đặt tại đình làng, nơi thờ tự 3 vị: thành hoàng làng, bà Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn người làng Trà, chồng bà là đức vua Mạc Đăng Dung. Hai vị sau chính là cội nguồn của câu ngạn ngữ "Cổ Trai đế vương, Trà Phương công chúa". Sau khi Pháp rút khỏi miền Bắc, đình bị thay đổi, chính quyền cấm tiệt không cho thờ cúng nữa để thực hiện chiến dịch đả thực bài phong. Nói thêm, năm 1955 quân Pháp vẫn ở Hải Phòng trong thời hạn 300 ngày chờ về nước, một đơn vị đóng ngay đình làng. Khi chúng rút đi, bàn giao lại đình, vẫn còn y nguyên, không phá phách, suy suyển gì, còn tặng lại cho làng cái giếng khoan, bơm nước lên bằng tay, cả xóm dùng không hết. Tôi chả chứng kiến những chuyện đó từ đầu bởi khi ấy tôi còn bé quá, bu mới đẻ tôi chưa đầy tháng. Về sau nghe nói đình bị chính quyền bỏ hoang một thời gian, rồi sử dụng làm trường cấp 1.


Lúc tôi đi học lớp 1 (năm 1962) thì đình vẫn còn. Đình to lắm, quay hướng chính đông, gian chính điện được ngăn chia thành 3 lớp, còn hậu cung làm 1 lớp. Vỉa hè xung quanh đình kè đá xanh, từng khối to như nửa chiếc giường đơn bây giờ, sạch sẽ, mát lạnh, mùa hè nằm trên đó thật tuyệt vời, còn sướng hơn trong phòng máy lạnh bây giờ. Trong đình là hàng chục chiếc cột lim cao vút, mỗi cột to hơn vòng tay người ôm, nâu bóng. Trên mái đình đầy tổ chim sẻ nhưng chả đứa nào dám trèo lên bắt bởi nó cao quá, vả lại trẻ con hồi ấy hiền lành, nhút nhát, không bặm trợn như bây giờ. Đó là chưa kể trong sách tập đọc còn có bài học “Con chim có tổ/Như ta có nhà/Tối về chim ngủ/Ban ngày chim ca/Con chim không tổ/Như ta không nhà/Chim mà mất tổ/Chim buồn không ca”, nên chẳng mấy đứa bắt phá tổ chim, trừ cu Tín con cậu Đại. Nó nghịch khiếp lắm, nó chả chừa chả sợ cái gì, kể cả đình, cả thành hoàng, vua, bà thái hậu. Sau này đời nó thật lận đận, bị đi tù, có lẽ do nghiệp chướng.

Phía trước và sau đình nếu tính từ ngoài đường vào, có hai cây nhãn. Một cây phía nam, một cây phía bắc. Nếu chỉ gọi cộc lốc bằng cây nhãn tức là đã giảm đi rất nhiều giá trị của cây. Phải dùng từ đại thụ, lão đại thụ, lão thụ mộc mới xứng đáng. Cây đằng sau tỏa tán rộng hơn cây đằng trước gấp mấy lần dù có thể cùng tuổi. Tôi chả biết tuổi cây đã được bao nhiêu nhưng đoán ít nhất cũng phải vài trăm năm, xê dịch trong khoảng 400 - 500 năm. Trần đời tôi chưa thấy ở đâu có những cây nhãn to đến thế. Tuổi thì có nhẽ chỉ kém cây gạo hơn 700 niên bên đền Mõ xã Ngũ Phúc gần đó. Cụ nhãn đằng trước thấp, tán hẹp, thân to khoảng 2 vòng tay người ôm. Không hiểu bị sâu bệnh hay làm sao mà thân cây rỗng, lỗ to đến mức người chui lọt vào. Tụi trẻ con đêm sáng giăng ra đình chơi trận giả hoặc trốn tìm có đứa còn bạo dạn chui hẳn vào cây nhãn trốn, có khi hai, ba đứa cùng vào nấp. Cũng nghe nói gốc nhãn đằng trước có ma, người con gái mặc áo trắng hay quanh quẩn gốc cây rồi ra bờ giếng ngồi khóc. Nghe ông Trác bà Khỏa (chủ thửa ruộng nho nhỏ sát đó) kể thế chứ tôi cũng chưa gặp "cô" bao giờ, chỉ có điều sờ sợ không dám chui vào hốc nhãn trốn như chúng nó, cũng không bao giờ dám vuốt đầu con chó đá chỗ góc ruộng bà Khỏa. Về sau, nghe nói ai đó, không biết trẻ con hay người nhớn, nghịch dại, chất rơm vào lỗ rỗng đốt, làm cụ cổ thụ chết dần. Sao con người ta ác thế không biết. Cái cây cả mấy trăm năm tồn tại xanh tốt, chỉ bởi ngọn lửa của kẻ ác độc, ngu đần mà chết oan chết uổng.

Cụ nhãn đằng sau mới kinh, mới đáng nể. Thân cụ phải hai người vòng tay ôm vẫn chưa khít, còn thừa một đoạn dài. Da xù xì gợn như vảy rồng. Đó là chưa kể bộ rễ, ngoài phần ăn sâu dưới đất, thì phần gồ nổi u nổi cục chạy trên mặt đất trông cứ như những bức tường bằng rễ, lan xa gốc mấy mét. Cây cao khoảng 15 mét, những cành nhãn to cả vòng tay ôm tỏa ra 4 hướng, tán lá xanh mướt um tùm xum xuê rậm rạp. Tán nhãn che mát một vùng rộng vài trăm mét vuông. Ngay dưới gốc nhãn cũng có hai khối đá xanh mát lạnh, vuông vức, như chiếc ghế chiếc giường cho người mỏi chân nằm ngồi nghỉ ngơi. Nhiều anh chị yêu nhau buổi trưa hay ra đó ngồi tán tỉnh, chứ buổi tối thì tôi không biết, nhưng chắc có. Quả nhãn đình rất ngon, cùi dày, mọng nước nhưng khô sạch, ngọt lừ. Thời đầu thập niên 60 hai cây này do các cụ phụ lão thuộc hội phụ lão trồng cây của xã quản lý. Tới mùa nhãn, các cụ thuê người trông coi, khi nhãn chín thì thu hoạch, bán quả lấy tiền nộp vào quỹ. Sau khi các cụ vặt xong thì tháo khoán. Trẻ con ra mót nhãn, có những đứa bạo dạn leo tận tít đầu cành, như anh em nhà ông Dinh ông Sớm con cụ Mịch chẳng hạn, mót được cả bị cói.

Nhưng thế sự nhiều nỗi éo le. Người xưa bảo “thương hải tang điền”, nay bãi bể mai nương dâu, biến cải huyền vi chả biết thế nào, làm gì có thứ muôn năm mãi mãi, nhưng chỉ buồn một nỗi ngôi đình cổ ấy, cụ thụ mộc mấy trăm tuổi ấy, trải qua bao nhiêu bão giông gió giật, chiến tranh tao loạn, bao cuộc dập vùi của cả trời lẫn người vẫn chả sao, thế mà lại biến mất khi cuộc sống, xã hội đã yên hàn. Năm 1965, ngôi đình đang làm nhiệm vụ che chở tụi trẻ con ê a học bài thì hợp tác xã nông nghiệp bắt chúng phải đi chỗ khác để… phá đình, lấy gỗ lấy ngói xây nhà hợp tác, làm trại chăn nuôi. Đình hay trường cũng không quan trọng bằng chuồng nuôi lợn. Hàng chục cột gỗ lim nâu bóng bị hạ nằm ngổn ngang, những phiến đá xanh mát lạnh bị người ta bẩy lên, phiến thì vỡ, phiến bị chở đi, lưu lạc đâu mất cả. Chỉ trong khoảng một tuần chỉ còn trơ lại cái nền vỡ nát, lổn nhổn gạch vụn ngói vụn, hoang vắng, tang thương. Ngôi trường cấp 1, lớp học đầu đời của bao lứa học sinh làng tôi, bỗng chốc xóa sổ.

Mất đình, cụ nhãn cổ thụ trở thành trơ trọi. Khối thân thể gỗ chắc nình nịch lực lưỡng mấy người ôm, khoảng cành lá xanh rậm rạp khổng lồ tỏa bóng kia, nghe truyền rằng do chính đức vua con nhà Mạc, ngài Mạc Đăng Doanh, trồng từ thời giữa thế kỷ 16, chịu nguy cơ “thập tử nhất sinh”. Không ai trông coi, giống như một thứ di sản ba vạ vất vưởng, cụ bị người này người kia tới leo trèo chặt cành, đào rễ về làm củi, ngày càng xơ xác. Ráng trụ được thêm mươi năm, cụ héo dần khô dần. Đã có lúc người ta định đốn bỏ, định đào phăng cả gốc làm củi. May thay lúc cụ chỉ còn cái gốc thoi thóp chưa chết hẳn, ông hiệu trưởng trường cấp 2, ngôi trường mới được xây ngay trên nền đình cũ, đã quyết định cứu. Ông Nguyễn Minh Trí, vị hiệu trưởng nhân hậu ấy, ra lệnh khoanh cho “cụ” một vòng, cấm xâm phạm, cử người chăm nom tưới tắm, bón thêm chất này chất kia. Gốc nhãn cổ thụ được cứu, cải tử hoàn sinh, nhưng có lẽ trải qua trận bầm dập kinh hoàng đã mất quá nhiều sức, nên tới giờ vẫn chỉ lùn tịt, thấp tẹt, giống như thứ chứng tích của một thời oanh liệt.

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Những con người dưới chế độ bạo tàn, ngu dốt... và chỉ biết phá hoại. Đọc bài viết mà chua xót. Cảm ơn tác giả đã cho đọc một bài viết hay.

    Trả lờiXóa