Trang

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2019

Bác cả Năng (kỳ 4, cuối)

Lại nói, lớp ta, khóa 17 ta nhiều đấng bậc, trưởng lão, bác cả, nhưng có những bậc, phần thì do tính cách sống nội tâm, ít chơi bời quan hệ, ngay cả các em K17 xinh già như thế nỉ non thỏ thẻ mà vẫn không động lòng, phần thì ngại, mà chả biết ngại cái gì, phần do cách trở địa lý, vùng sâu vùng xa, phần bị trời điểm danh sớm, v.v.. nên nhiều cụ bặt tăm. Cụ Nguyễn Ngọc Xuân biệt tích cho tới giờ. Các cụ Lê Xuân Sang, Phạm Văn Sỹ, Ngô Đức Nguyên thì lấy visa lên thiên đường sớm quá. Cụ Bùi Trọng Cường ở ngay trung tâm kinh đô nhưng cũng ít khi thấy mặt, ít tham gia trò vui của đàn em, cũng có thể một phần bận bịu vợ trẻ con mọn. Cụ Lê Văn Sơn cũng vậy. Cụ Hoàng Sĩ Chiến lo đắp tình hữu nghị Việt - Lào. Cụ Doãn Tấn thì sức khỏe ngày càng sa sút. Cụ Lê Quốc Lập đối tượng chính sách. Cụ Huy Cờ cứ có lệnh là đi, ít khi vắng mặt nhưng chưa thấy đứng ra làm nhiệm vụ tập hợp, phất… cờ. Bao nhiêu trọng trách, dồn cả vào mấy cụ Lê Tài Thuận, Trần Triều Nguyệt, Trần Ngọc Hồng, Vũ Lệnh Năng. Và thật ngẫu nhiên, các cụ này cắm chốt ở từng quân khu rải ra khắp nước, như những vị tư lệnh của sư đoàn ăn chơi lúc tuổi xế chiều. Tuổi tác càng cao lại càng xông xáo kịch liệt, các em càng thích. Con thuyền K17 còn trôi nổi được như bi chừ, phần lớn nhờ vào công của các cụ. Nhất là cụ Năng.

Suốt mấy năm mài mông ở Mễ Trì, cứ nghỉ hè là tôi tót về nhà. Vừa cắt cơm được gần một tháng, lấy tem phiếu lương thực để sau này đổi bánh cuốn Thanh Trì hoặc ra Ngã Tư Sở đổi bánh mì, vừa đem bộ mặt thiểu não về cho thầy bu xác nhận và cấp viện trợ sống tới tết. Hà Nội chỉ cách Phòng có 104 cây số, vậy nhưng mỗi năm chỉ về đúng 2 lần, là 2 dịp hè và tết. Chả bù cho con bé cháu gọi tôi bằng ông, tuần nào cũng thập thò ở nhà thày bu nó, đến nỗi thằng cháu tôi, tức bố đẻ con kia, phải gắt lên mày học ở thủ đô hay ở quê, cứ suốt ngày cúng tiền cho bọn xe khách Hải Âu, Hoàng Long thì tiền núi cũng chả đủ.


Về tới Phòng, chơi quê vài bữa là tôi nhắm nhà bác cả Năng. Mượn cái xe đạp, gò lưng ngược gió hai chục cây số, qua cầu Rào tí chút là tới nhà bác cả. Các cụ thân sinh thì ở quê xã Minh Tân, nhưng vợ chồng bác Năng và hai đứa trai lại sống ngoài phố. Tất nhiên trước khi ra phố thì tôi đã sang Minh Tân rồi, chứ không thày tôi biết chưa sang có mà mắng cho vuốt mặt không kịp. Khu bác Năng ở có tên Đồng Quốc Bình. Vùng đất này xưa dân Phòng gọi là Đồng Bớp, ngoại thành, tinh ruộng là ruộng, chả biết có phải nhiều cá bớp chăng. Khoảng cuối thập niên 60, nhà nước xây những nhà tập thể phân cho cán bộ công nhân viên. Thấy tên Đồng Bớp nôm na quá, nhà chức việc liền đặt cho nó tên Đồng Quốc Bình. Đó là anh hải quân cùng tuổi với bác Năng, đánh tàu bay Mỹ trong trận đầu tiên ngày 5.8.1964, bị mảnh đạn Mỹ bắn thủng lòi ruột nhưng vẫn nhét ruột vào và bắn đến khi… không bắn được nữa. Ấy là lũ trẻ chúng tôi được nghe kể vậy. Tên anh liệt sĩ được đặt cho khu Đồng Bớp. Bây giờ Hải Phòng có hẳn phường Đồng Quốc Bình chính là khu đó. Bác Năng gái, chị Vũ Thị Bi, cán bộ phụ nữ thành phố, hình như phụ trách kế hoạch hóa gia đình, sinh đẻ có kế hoạch. Cơ quan này cũng là chỗ bà Thúy xẩm K17 về công tác, hai bà thân nhau từ đó. Tôi nhớ láng máng, căn hộ bác Năng tuốt trên tầng 3, căn đầu hồi. Thò đầu ra ngoài cửa sổ chỉ thấy ruộng mía ruộng khoai. Xa xa là sân bay Cát Bi.

Có lẽ nhiều người còn nhớ, một dạo ở xứ ta, nơi đâu cũng xuất hiện nhà cao tầng (thực ra cũng chỉ tới 4 - 5 tầng là cùng) lắp ghép. Lúc đầu thì Triều Tiên sang giúp xây dựng, sau ta tự làm theo cách thiết kế của nó. Đại loại đúc sẵn hẳn những cấu kiện tòa nhà, từng tấm lớn. Có khi nguyên cả bức vách, bức tường, cũng chừa chỗ cho cửa lớn, cửa sổ. Rồi cứ thế ghép với nhau, chỗ thì hàn, chỗ bắt bù loong, lắp cánh cửa vào, là xong. Khu Đồng Bớp có khoảng chục lô như vậy. Điều đặc biệt là, chả biết bọn Triều Tiên tính thế nào, mỗi căn hộ chỉ có phòng ở, và ô nhà tắm bé xíu, chứ không có bếp, càng không có nhà vệ sinh. Muốn nấu ăn phải ra hành lang, hoặc ngách công cộng. Nước thì phải xuống tịt dưới đất xách lên. Đàn bà được ưu tiên tắm trên nhà tắm. Có nhẽ bác cả Năng khỏe mạnh dẻo dai tới giờ cũng một phần nhờ nhiệm vụ xách nước tắm cho bác gái, leo 3 tầng lầu, chân tay cứ gọi là săn chắc, bắp thịt nổi cuồn cuộn như cụ Sóng vò lúa. Đàn ông thì tắm giặt ngay dưới bể công cộng. Lúc nào chỗ linh địa này cũng đông vui như chợ, ngay cả tiết đông chí vẫn chen nhau. Mỗi lô chung cư có một dãy nhà vệ sinh chung nằm tuốt ngoài đồng. Giờ nhớ lại, sao cái sự ỉa đái thời ấy nó khổ thế không biết.

Có lần nghỉ tết xong, tôi từ làng quê ra phố Phòng mua vé để lên Hà Nội. Xếp hàng từ trưa tới tối không mua được cái vé tàu lửa, tôi đành lếch thếch về ngụ cư qua đêm nhà bác Năng, để sáng hôm sau ra sớm bến xe cầu Niệm đi ô tô. Về làng Trà Phương ngủ thì xa quá, vả lại đã chào thày bu bịn rịn rồi, đã khảo bu hai chục bạc rồi, lại vác mặt về, thật chả ra làm sao. Hai bác và thằng Tùng thằng Tình đã sửa soạn đi ngủ, thấy tôi thất thểu trước cửa, bác cả hiểu chuyện liền. Bác dẫn tôi xuống bể nước lau người, bác bảo đang rét bỏ mẹ, lau tạm thôi, mai về Mễ Trì tắm lại. Trên nhà, bác gái Bi đã bắc cái bếp dầu, nấu cho thằng em đang đói run bát mì sợi với tóp mỡ. Trong cái rét căm căm, gió bấc thổi rào rào ngoài mấy bức tường xi moong nhà lắp ghép, tôi sì sụp húp sạch nhẵn bát ô tô mì sợi rồi đi ngủ. Hai anh em nằm trên chiếc giường gỗ tạp, đắp tấm chăn bộ đội mỏng của bác Năng. Lạnh, không ngủ được, trằn trọc suốt đêm. Giường đã nhỏ, lại thêm tôi vào, thằng cu Tùng nằm giữa, chật không nhúc nhích, bác Năng lâu lâu lại hỏi chú có rét không, khó ngủ lắm hở. Tới giờ, gần nửa thế kỷ rồi, còn nhớ mãi cái đêm xuân lạnh trong cảnh nghèo mà đầy yêu thương ấy. Thương hai vợ chồng bác và tụi nhỏ vô cùng. Và bát mì phiếu mẫu cũng ấm lòng mãi tới bây giờ.

Cuộc sống đã biến cải nhiều. Khu tập thể lắp ghép Đồng Bớp - Đồng Quốc Bình nay cũng không còn. Hai vợ chồng bác đều về cố hương an hưởng tuổi già, trong căn nhà hoành tráng, mà thằng Bá Tân nhận xét là dinh cơ địa chủ. Vườn rộng mênh mông, đủ thức rau quả. Ao cá chỉ cần ngồi vài phút là giật đủ bữa cá rán cá kho. Gà lớn gà nhỏ ríu ra ríu rít đầy vườn. Cây vải gần trăm tuổi từ thời các cụ vẫn ra trái đúng mùa. Bể nước mưa to đùng dùng cả năm không hết. Thằng Ba cười bảo với cả đám khi đang chiêm quan dinh cơ bác cả Năng, rằng ông này nếu có đợt cải cách ruộng đất mới, chắc đảng lôi ra bắn mấy lần. Nó còn đọc “Người chiến sĩ già Bi Năng Tắc/Như cây cổ thụ giữa buôn ngàn”, mà trích thơ thật khéo, có cả bác Năng và bác Bi. Cháu Tùng và cháu Tình đều thành đạt phương trưởng, vợ con đầy đủ. Tùng không may mất sớm, để lại nỗi buồn không nguôi cho hai bác. Vợ chồng Tình hiện đang ở căn nhà ngoài phố mà hai bác từng dành dụm chắt bóp mua sau khi rời khỏi khu Đồng Bớp lắp ghép. Những nét chấm phá của cuộc sống hạnh phúc đã làm gia đình trưởng lão Bi Năng Tắc bớt buồn và sinh sắc hơn, quên cả tuổi hơi già.

Chắc ít người biết, bác cả Năng còn đóng chức Phó chủ nhiệm câu lạc bộ thơ Dương Kinh nổi tiếng xứ Phòng, là “giám đốc” di tích văn miếu Xuân La, hội viên Hội nhà văn Hải Phòng. Có lần tôi về quê, cưỡi ngựa sắt chay qua Cốc Liễn thăm bác cả. Hôm ấy có tí men nên tự dưng đầu óc lú lẫn, quên đường. Chạy tới chỗ đông người, hỏi các bác các cụ ơi, cho nhà cháu hỏi nhà bác Năng Bi rẽ lối nào. Một cô thôn nữ rất xinh, gái Cốc Liễn có khác, bảo à bác Năng nhà thơ, để cháu dẫn. Nó lon ton đi trước, gần tới nhà, chỉ cho tôi chú cứ rẽ vào đây, chỗ hàng cau ấy, rồi lại lon ton về. Sực nhớ câu thơ của cụ Hàn Mặc: “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên/Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/Lá trúc che ngang mặt chữ điền”, đúng kia rồi, bác cả chữ điền đang cho gà ăn.

Hôm qua, lại đọc được hiệu triệu của tư lệnh K17 kêu gọi, thông báo cuộc hội quân đàn đúm giữa tháng 10 tới. Già sắp xuống lỗ cả rồi, cố thu xếp mà tí tởn thôi. Lại hình dung ra, trong man mát mùa thu xứ Đoài, cả đám K17 đang ồn ào bỗng bặt, xì xào nhắc nhau, im, nghe cụ Năng đọc thơ kìa. Đọc xong, cụ lại ưỡn ngực hát “Tháng 5 rực trời hoa phượng đỏ, ôi Hải Phòng thành phố quê hương”.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét