Trang

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019

Tiếng nói người dân

Theo báo chí, ông bộ trưởng Nhạ và ông phó thủ tướng Đam vừa có nói rằng sẽ xem xét lại "ngày khai giảng" để nó trở nên đúng nghĩa hơn.

Tôi đề nghị hai ông, ngành giáo dục, cũng như chính phủ:

-Không gọi ngày khai giảng mà phải là ngày khai trường. Khai trường là mở lại hoạt động dạy và học của nhà trường sau thời gian nghỉ hè, bắt đầu một năm học mới. Khi đã coi học trò như nhân vật chính, đối tượng trọng tâm của nhà trường thì càng không thể dùng chữ khai giảng bởi như vậy chỉ đề cập đến hoạt động của riêng giáo viên. Đó là chưa nói, cụ Hồ xưa cũng luôn dùng chữ "khai trường" trong mọi văn bản của cụ. Học cụ thì học luôn đi.

-Tổ chức ngày khai trường phải làm sao thật tình cảm, để lại trong lòng học trò, nhất là học sinh lớp 1, những ấn tượng thật đẹp, thất khó quên về buổi đầu đời. Đừng lòe loẹt, hình thức, đừng bắt các cháu đội nắng đội mưa chờ quan khách, đừng bắt nghe những lời sáo rỗng tràng giang đại hải. Các quan chức tới dự được thì dự, không nhất thiết phải làm long trọng viên, thậm chí chỉ nên coi mình như một phụ huynh bình thường. Đánh trống khai trường, tốt nhất là do chính thầy hiệu trưởng thực hiện.

-Điều đặc biệt, cứ phải khai trường xong thì mới bắt đầu năm học, bỏ ngay chuyện bắt học sinh và thầy cô giáo tới trường học cả mấy tuần, sau đó mới "khai giảng", rất vô lý và tào lao, chả có ý nghĩa gì, chỉ còn mang tính hình thức vớ vẩn. Còn chọn ngày khai trường nào cho thích hợp với việc thực hiện chương trình năm học để áp dụng thống nhất trên cả nước thì nên cân nhắc, không nhất thiết cứ phải ngày 5.9.

-Ông Đam và ông Nhạ có lẽ đều đọc tác phẩm "Những tấm lòng cao cả" của nhà văn Ý Edmondo De Amicis. Cứ dựa vào đây mà quyết việc khai trường, không cần phải bàn nhiều cho rách việc.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét