Trang

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2019

Bệnh hình thức đã quá nặng

Thủ tướng nước này, ông Nguyễn Xuân Phúc, đang dự hội nghị cấp cao tại Bangkok (Thái Lan). Coi những hình ảnh do TTXVN gửi về, chỉ mong sao chuyến "quan hệ quốc tế" của ngài có kết quả thiết thực. Lại sực nhớ lần xuất ngoại của ngài thủ tướng hồi tháng 9 mà lăn tăn đôi điều.

Tôi nhận thấy, qua tất cả những gì mà báo chí quốc doanh thông tin (có lợi) về chuyến "thăm cấp nhà nước" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nga, Na Uy, Thụy Điển, có điều rất đáng quan tâm.

Riêng anh Nga ngố không nói làm gì, vẫn nặng phô trương, màu mè, hoa hòe hoa sói, một thứ di sản còn đậm của triều cộng sản Liên Xô chưa dễ gì xóa được, thì ở 2 nước Na Uy, Thụy Điển, những điều diễn ra của nước chủ nhà khiến ta phải ngẫm nghĩ kính phục.

Hai nước này vẫn còn duy trì thể chế quân chủ, tức là còn vua, còn hoàng gia, dưới hoàng gia là chính phủ. Cứ tưởng phong kiến đặc sệt thế, họ sẽ màu mè cờ đèn kèn trống, tiền hô hậu ủng, hoa hoét ngập tràn. Ai ngờ, đón tiếp, trò chuyện, hội đàm với thủ tướng của một nước "từng đánh thắng hai đế quốc to", "đất anh hùng của thế kỷ 20", cả đức vua lẫn thủ tướng hai nước quá giàu này đã tổ chức rất mực giản dị, thân mật, không rùm beng hoa hoét mà vẫn lịch sự, trọng thị. Căn phòng tiếp khách, chỗ ngồi, cái bàn cái ghế đều chỉ như ở một công sở hạng thường xứ ta. Và đặc biệt, hầu như không bày biện hoa này hoa nọ. Chả hạn trên cái bàn tiếp đón của vua Thụy Điển chỉ có mỗn bình hoa bé tí xíu, để gọi là có. Đón tiếp cũng không có cảnh bắt đám trẻ con ngơ ngác cầm hai tay hai cờ vẫy rối rít. Nếu ta bất chợt nhìn thấy cảnh này thì hóa ra do Đại sứ quán VN tổ chức, xuất khẩu cả đặc sản ra xứ người.

Ăn nhau là ở cái thái độ đối với con người, chứ không phải hoa. Nước càng giàu, cỡ như Na Uy, Thụy Điển, lại càng thiết thực, giản dị, thực chất. Tôi cũng từng nghe nước Hà Lan cũng là một quốc gia rất giàu, họ trồng hoa xuất đi khắp thế giới, cả nước họ là một vườn hoa khổng lồ rực rỡ, nhưng những cuộc đón tiếp quốc khách của nhà nước cũng rất bình dị, không hoa hoét quá đà.


Nhìn ngược về xứ ta. Kinh. Tại những nơi thường tiếp đón khách nước ngoài, các trụ sở văn phòng trung ương đảng, văn phòng chủ tịch nước, dinh chủ tịch, nhà quốc hội, cứ gọi là trên giời dưới hoa. Nghèo nhưng gặp cái eo hoa. Thảm hoa tươi (thường là hoa sen) gắn trên tường to như chiếc chiếu, hoa bao quanh tượng Bác, lẵng hoa khổng lồ đặt giữa phòng, hoa nằm trên bàn, hoa trên bục phát biểu, thậm chí chỗ vị cao nhất ngồi cũng phải có "đĩa" hoa riêng trước mặt. Các đoàn chủ tịch đại hội, hội nghị này nọ, hoa át cả người, may mà không chết` sặc bởi hoa. Tôi vừa coi đoạn thời sự bà Ngân tiếp ông chủ tịch quốc hội Campuchia Heng Somrin, nhìn hoa mà phát khiếp.

Tất nhiên, ngắm hoa còn tùy người. Sẽ chẳng thiếu những người quen sự hình thức ấy đứng ra bảo vệ, lý luận rằng cần phải lịch sự, mến khách, trang trọng, văn minh, đâu thể xo xúi... Nhưng nếu nói thế, chả nhẽ nhà vua, thủ tướng Na Uy, Thụy Điển là dạng keo kiệt bủn xỉn, thiếu trang trọng, thiếu văn minh. Dẹp bớt hoa, chỉ có những đứa trúng mối cung cấp hoa hằng ngày cho trung ương là buồn, mất nhiều tỉ chứ không ít, nhưng có lẽ toàn dân hoan hỉ vui mừng, bớt được gánh nặng.

Bác Phúc đi mãi thì cũng phải về. Cổ nhân bảo "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Bác học được cái chi để về mần, tôi không biết, nhưng tôi đề nghị bác về kể ngay cho bộ chính trị nghe việc "các bạn" nhà giàu, giàu nhất thế giới tiếp đón bác giản dị, thiếu món hoa như thế nào, xem liệu có áp dụng được ở nước nghèo không.

Nguyễn Thông 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét