Mặt hàng chè chai đồng nát cũng dần biến đổi theo cuộc sống xã hội. Có nhẽ các nhà xã hội học cũng nên lưu ý khía cạnh này. Lúc đầu là giấy cũ, lông gà lông vịt, tóc rối, giẻ rách, đồng nát, sắt vụn, mảnh chai thủy tinh, về sau tự nhiên tăng thêm thứ này, loại bỏ thứ khác. Dần dà, các bà không mua mảnh chai, giẻ rách nữa, nhưng lại rao “ai dép nhựa rách bán không”. Vài chục năm gần đây, người thu mua ve chai thu lon bia, đồ nhựa, thậm chí mấy anh ve chai chạy xe máy bắt kịp thời cách mạng công nghệ, khoa học kỹ thuật, trong lời rao có cả tivi cũ, máy giặt, tủ lạnh, máy tính, laptop, điện thoại… hư cũ, mua tất. Lẽ dĩ nhiên, họ mua rất rẻ, nhưng bán cho họ cũng còn hơn vứt bỏ đi chẳng kiếm được xu nào.
Lẩn mẩn nhớ mặt hàng dép nhựa rách. Một thời, những năm nửa cuối thập niên 60 trở về sau, hàng tiêu dùng làm từ nhựa (polyme) còn hiếm lắm. Thày tôi chăm đọc sách báo, nhất là có ông bạn ở bên Pháp thỉnh thoảng gửi về cho gói quà, chỉ gồm các loại hạt giống rau và sách báo tạp chí tiếng Pháp. Nhờ những ấn phẩm ấy mà thày tôi biết sớm về các thành tựu công nghệ trên thế giới. Có lần cụ vừa đan mấy cái vỉ ruồi bằng tre, vừa bảo sau này người ta sẽ dùng cao phân tử (hồi đó gọi nhựa tổng hợp là cao phân tử) chế ra đủ mọi thứ, cả rổ rá, thúng mủng, chum vại, bàn ghế, guốc dép, thậm chí cả cái vỉ ruồi cũng bằng nhựa. Đám con nghe vậy nhưng không tin bởi chẳng biết cao phân tử là cái giống gì, tuy nhiên chỉ vài năm sau thì được chứng thực. Rõ nhất là đôi dép. Từ gần như một trăm phần trăm đi guốc và dép cao su, nay một bộ phận không nhỏ đã tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng dép nhựa. Dép nhựa Tiền Phong là thứ mặt hàng phân phối cao cấp, dường như chỉ có cán bộ và những tay chơi máu mặt lắm tiền mới dám đi dép Tiền Phong. Cán bộ được phân phối, ông nào không dùng (sợ xỏ vào chân mình thì phí phạm) đem dép ra chợ giời là có kẻ ôm liền, giá cao gấp vài lần giá phân phối, chúng lại bán cho các tay chơi cao gấp vài lần nữa. Dép nhựa Tiền Phong cũng chia thứ hạng. Cán bộ to thì nhựa trắng, cán bộ làng nhàng nhựa màu, chủ yếu màu nâu. Dận đôi nhựa Tiền Phong trắng, bàn chân được tôn giá trị hẳn lên. Đi tán gái mà có đôi dép ấy, cùng với mũ cối, áo bay, áo đại cán 4 túi, xe đạp Mifa, Favorit hoặc Diamant thì cầm chắc các em từ đổ tới kềnh. Đôi dép mà còn phân chia thứ bậc, chỉ có ở chế độ mới. Vậy nhưng lúc nào họ cũng tuyên truyền chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là “cùng làm cùng hưởng, bình quân chia đều”.
Những đứa không thích đi dép cao su, còn gọi là dép Bình Trị Thiên, hay dép cụ Hồ, nhưng lại không đủ tiền với tới dép nhựa Tiền Phong chính hiệu, thì mua dép nhựa hiệu Tái Sinh, Dân Chủ. Cũng mẫu mã như thế, mọi kích cỡ cho người lớn trẻ con, chỉ khác ở chất liệu nhựa. Ngay cái tên “Tái Sinh” đã đủ nói lên nguồn gốc. Để cạnh tranh với nhà máy Tiền Phong được nhà nước bảo bọc từ A tới Z, được quyền mua hạt nhựa từ nước ngoài, sản phẩm làm ra rót hết vào hệ thống thương nghiệp quốc doanh, đã ra đời dạng nhà máy công tư hợp doanh, tự tìm kiếm nguyên liệu, làm sản phẩm cung ứng cho tầng lớp bình dân. Dép Tái Sinh ra đời như vậy. Nguồn cung nhựa chủ yếu từ mấy bà chè chai đồng nát. Các bà sục tìm vào từng ngõ ngách ngoài phố, từng đường làng lối xóm ở nông thôn, “ai dép nhựa rách nào”, mua tất, một mẩu cũng không bỏ. Những đôi dép người ta đem bán cho các bà thường là đã bị mòn vẹt đế, quai đứt, hàn không biết bao lần, chỉ còn là khái niệm về dép. Nếu ai có nhiều, các bà làm dịch vụ đổi luôn, cứ 5 đôi dép cũ thì lấy một đôi Tái Sinh mới. Mặt hàng hiếm, lại thời thượng, có giá cao, vì vậy thường sinh ra nạn trộm cắp dép nhựa. Sơ sểnh một tí là toi, còn hơn cả cụ chánh Bá mất giày trong truyện của nhà văn Nguyễn Công Hoan.
Một trong những đội quân gom nhặt ve chai thời ấy cũng nên kể ra đây là đội kế hoạch nhỏ. Đám này không có mục đích thương nghiệp, mua bán trao đổi như các bà chè chai đồng nát, mà chỉ làm theo phong trào do Đoàn - Đội phát động. Bọn thiếu nhi trường cấp 1 hăng lắm, khi chúng đã lùng sục đảm bảo không sót thứ gì. Hồi đó có bài hát về kế hoạch nhỏ của nhạc sĩ Phong Nhã, hát trên đài suốt, trẻ con đứa nào cũng thuộc. Ông nhạc sĩ thúc giục trẻ con “như con ong chăm chỉ, như chim non vui vẻ, em làm kế hoạch nhỏ, bắt tay vào việc, em càng vui càng say”. Miền Bắc mấy chục năm, miền Nam cũng hơn chục năm kể từ sau 1975, trẻ con cứ bị vui say như vậy. Vui thì có vui thật, nhưng cũng không hiếm chuyện đau buồn, xót xa. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét