Trang

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2019

Khoai và sự tử tế (kỳ 2)

Đang kể dở chuyện khoai. Vị tân bộ trưởng tư pháp Nhật Bản ý thức rất rõ rằng một chính phủ liêm chính như chính phủ Nhật cũng như dân Nhật dứt khoát không chấp nhận mọi hành vi hối lộ, tham nhũng, dù “phương tiện” hối lộ chỉ là khoai, là xoài, là dứa, những thức nhà trồng được, tự cung tự cấp, cây nhà lá vườn. Và ngay cả lý do chỉ biếu để bày tỏ tình cảm, cảm ơn theo lẽ đời thông thường, nhưng bị đặt vào trường hợp này, người Nhật cũng không chấp nhận. Hôm nay biếu củ khoai, ngày mai biết đâu sẽ mua chuộc người khác bằng những thứ ghê gớm hơn nhiều. Minh bạch, liêm chính là vậy.

Nói thế để thấy rằng, ở xứ An Nam, giữa lời nói và bản chất, không bằng một góc người Nhật. Hệ thống quan chức tham nhũng tràn lan, từ trên xuống dưới. To hốc kiểu to, nhỏ xơi kiểu nhỏ. Mua quan bán tước đã thành lệ. Đi đêm, chạy cửa sau không là chuyện hiếm. Một kẻ cầm đầu bộ Thông tin – Truyền thông như Trương Minh Tuấn viết sách dạy đời, khuyên răn thiên hạ phải giữ lòng trong, từng chỉnh đốn cấp dưới dịp tết đừng biếu xén quà cáp, nhưng chính y lại lợi dụng vị thế mình để bề tôi tổ chức ca ngợi ông bố đẻ quá mức, xòe tay ra túm một nhát 300 nghìn đô Mỹ do đám lâu la chạy cửa sau. Kẻ tiền nhiệm y, Nguyễn Bắc Son, còn kinh hơn, đút túi vài triệu đô, coi chừng ấy chưa là cái đinh gì. Nếu vụ AVG - MobiFone không vỡ lở do ăn chia không đều, thì đám này vẫn vênh vang “trong sạch vững mạnh”, tha hồ đè đầu cưỡi cổ dân, tha hồ hại người ngay, người lương thiện. Nói đâu xa, chính tôi cũng là một trong hàng nghìn nạn nhân bởi bàn tay tàn bạo của Trương Minh Tuấn khi tôi tố giác thói rởm đời của y và đồng bọn, ngay khi y đang ngồi ghế cao ngất ngưởng. Nhưng tôi không thù y, bởi tôi luôn tin trời có mắt, và cuối cùng y đã biết thế nào là luật nhân quả.

Cả một bộ máy thối nát, dù có lò này lò kia, lửa đỏ lửa xanh thiêu đốt, nhưng cũng chỉ đốt được phần cành phần ngọn khô hỏng. Muốn chặn đứng lại, phải đốt cả cái gốc đã mục ruỗng. Và làm lại từ đầu, bắt đầu từ những hành vi tử tế như người Nhật. Chỉ biếu xén một củ khoai cho cử tri cũng là hành vi mua chuộc, hối lộ. Chỉ vướng một chút nghi ngờ ảnh hưởng tới nhân cách đã thấy mình không xứng đáng, thành thứ sản phẩm lỗi của xã hội, là tự nguyện từ chức, xin lỗi quốc dân đồng bào. Nước Nhật lâu nay vượt lên đứng vào tốp đầu thế giới bằng nhiều thứ, nhưng quan trọng nhất bởi họ có con người tử tế.

Lại quay về chuyện khoai. Bây giờ lúa gạo ê hề, không thèm cơm nữa, người ta đâm ra thèm khoai. Thế gian biến cải, chả cái gì bền vững. Thời xưa, thày tôi nói hạt cơm là ngọc thực (hạt ngọc để ăn, miếng ăn quý như ngọc). Đám con cái thì chỉ thấy nó quý bởi hiếm, chả mấy khi được ăn cơm trắng. Với thế hệ sinh ra sau sự kiện Điện Biên Phủ ở miền Bắc, nhất là sống vùng nông thôn, có lẽ khát khao lớn nhất đời là được ăn no, được ăn cơm trắng, bớt phải ăn độn, bớt ăn khoai ăn sắn. Ước là một chuyện, thực tế lại là chuyện khác.

Làng Trà Phương (Hải Phòng) quê tôi có một cánh đồng rất đặc biệt, khu cánh Bến. Nơi đây khi xưa là bãi bồi phù sa của nhánh sông Văn Úc, ruộng đất cát tơi mịn, màu mỡ, trồng cây gì cũng tốt, đặc biệt là khoai lang. Khoai cánh Bến củ đều, chắc, bở, ngọt, ngon nổi tiếng hàng huyện hàng tỉnh. Đặc biệt giống khoai chuột lột. Gọi như vậy bởi vỏ khoai trắng ngà, giống như con chuột đồng bị lột da sau khi luộc. Nồi khoai chuột lột, luộc dưới bếp nhưng ngồi ở nhà trên vẫn thấy thơm ngào ngạt. Đang đói bụng mà được củ khoai chuột lột luộc, sướng không gì bằng. Khoai bở trắng, tơi mịn, thơm, cắn miếng nào xuýt xoa miếng ấy. Thày tôi bảo ngon hơn bánh phong. Khoai chuột lột cánh Bến làm quà cho người thân ngoài phố còn quý hơn cả bánh chưng, bánh bích quy (những thứ hiếm hoi thời bấy giờ).

Nhà ông Đại, đất 5 phần trăm đem trồng khoai. May vụ ấy mưa hòa gió thuận, được mùa. Khoai nhà ông Đại củ to chằn chặn, trông thích mắt. Phải cái ông này thích khoe. Chị Khoắn tôi thỉnh thoảng bảo cậu Đại tên thế nào thì tính thế ấy, chỉ thích khoe khoang, một tấc đến giời. Khoai cũng phải khoe, thì người ta mới biết ông Đại giồng khoai giỏi thế nào. Vậy là đem khoai ngoài ruộng về, thay vì đổ vào góc nhà hoặc gậm giường, thì ông Đại bày hết lên giường, ngay giữa nhà, bắt vợ con ngủ dưới đất. Bà Huệ vợ ông và đám con là thằng Tín, thằng Sót cằn nhằn, ông quát cho một câu, sợ xanh mặt. Chẳng hiểu bằng cách nào, ông Đại rỉ tai cho người ta tới coi, thiên hạ kéo nhau lũ lượt đến ngắm khoai ông Đại. Chuyện khoai ông Đại đã trở thành một phần sự tích của làng Trà. Tôi đồ rằng đây chính là ông trùm quảng cáo đất Hải Phòng ngay từ khi người ta chưa biết quảng cáo là gì.

Khoảng năm 1965 - 1966, khi khoai chuột lột đang nức tiếng, chả hiểu sao ban chủ nhiệm hợp tác xã lôi về giống khoai mới. Nghe giới thiệu giống này do Trung Quốc tặng, được trung ương nhân giống, phổ biến đại trà toàn miền Bắc. Củ rất to, vỏ trắng, chỉ cần trồng 3 tháng là thu hoạch, trong khi khoai chuột lột phải mất hơn 4 tháng. Giống khoai cao sản ngắn ngày này được ca ngợi nhiệt liệt, với cái tên nôm na “khoai 3 tháng”. Dẹp hết khoai lang vỏ đỏ, khoai chuột lột đặc sản, chỉ trồng khoai 3 tháng. Cả cánh Bến thành đồng khoai 3 tháng. Đất tốt, chăm bón tốt, tới khi dỡ khoai, củ nào củ nấy to như bắp chân, có củ nặng vài ký. Nhưng hỡi ôi, ăn nhạt như nước ốc. Củ khoai luộc bẻ ra trong vắt, cắn vào như nuốt phải đầy mồm thất vọng. Cuối cùng, người ta rút ra kết luận: khoai này chỉ để ăn sống hoặc nấu cho lợn. Trồng thêm vụ nữa, rồi dẹp, sau đó không thấy ai nhắc tới khoai 3 tháng của anh bạn Tàu. Cả giống lúa 3 tháng nữa, còn gọi là lúa ba giăng, hạt cơm cứ chuồi chuội trong mồm, dân cấy vài vụ thì chán, bỏ, rồi mất tuyệt tích.

Mỗi lần về quê, tôi lại lần mò ra thăm cánh Bến. Chẳng nhận ra nữa. Chỉ tinh nhà là nhà. Thêm một con đường nhựa mới rộng cả chục mét vắt ngang cánh đồng kéo tuốt sang xã Tú Đôi, như một nhát dao chia nát ký ức. Chả còn bến Đò, cánh Bến cát vàng màu mỡ, chả còn một tí ti tăm hơi của khoai chuột lột. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét