Trang

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2019

Hương quê

Thiên hạ viết về quê hương đã nhiều, quá nhiều. Nếu chỉ cân số chữ chắc sơ sơ cũng phải nặng bằng núi Trà làng mình.

Hồi học văn học Trung Quốc, mình rất thích bài Trường Can hành của Thôi Hiệu mà thầy Lê Đức Niệm giảng, rằng “Gia lâm Cửu Giang thủy/Lai khứ Cửu Giang trắc/Đồng thị Trường Can nhân/Sinh tiểu bất tương thức” (Nhà anh ở bến Cửu Giang/Bên con sông ấy anh thường lại qua/Trường Can cùng quán đôi ta/Xa nhau từ nhỏ hóa ra lạ lùng - Ngô Tất Tố dịch). Chả là hôm mình về quê, lên chợ ông Ỷ mua mớ rau, mình chào cô bạn cũ nay cũng ngoài 60, “nó” sững sờ mãi mới nhận ra, nói nhỏ như gió thoảng “anh đã về”. Trả tiền mua rau, nhất định không lấy, sau còn cho thằng con đem biếu bác ký khoai tây ăn để nhớ hương vị quê nhà.

Trường Can ấy chính là làng Trà (tức thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), cố hương thân yêu của mình. Ai đó hát rằng “thiếu quê hương ta về đâu”, mình thì chả thiếu, chỉ hơi bị ít về thôi. Làm lụng cả đời, giờ lo mỗi chuyến đi về thăm quê sao vẫn thật khó khăn.

Về lần này, đủ mọi dự định. Nào việc họ, cúng tổ, khánh thành nhà thờ họ. Suốt 42 năm qua, mới lại cùng họ mạc cúng tổ. Vắng thưa thế là quá lâu rồi. Bề trên đã đi gần hết, chỉ còn lại mấy bà chị đều trên dưới 80, mái tóc như sương. Gặp nhau vui vẻ, mừng tủi, ấm áp. Sống giữa tình quê thật mặn nồng, tâm hồn nhẹ nhõm.


Chỉ buồn một nỗi, chị ruột-chị cả bị bệnh nặng, em về thăm chị, chị em chỉ nhìn nhau, chả nói được gì. Hơn chục ngày nương quê, quanh quẩn bên chị, chả nỡ đi đâu. Bao nhiêu sắp xếp, dự định trong đầu đều phải “cơ cấu” lại. Định lên Hà Nội đàn đúm với bạn bè cũng phải gác lại cho những lần sau. May mà các bạn trên ấy yêu thương mình, thông cảm, chẳng trách móc gì. Cái Thúy xẩm còn cười bảo, đến chúng tôi dân bản xứ ở ngay đây mà nó còn đếch thèm bảo, thèm nhắn một tiếng, các bà xa xôi đã là cái đinh gì. Mình thẹn thùng trước tình yêu thương của các bạn.

Mình không chịu đi thì các bạn về. Sáng hôm ấy, cứ đi ra đi vào ngóng ngóng, ra ngóng vào trông. Chạy tới nhà thờ họ được một lúc, lại vội về xem “chúng nó” đã đến chưa. Đun phích nước sôi, pha sẵn ấm chè để bạn về uống cho ấm bụng. Đang chờ tiếng chuông điện thoại reo thì nghe tiếng huynh trưởng Vũ Lệnh Năng (thăng Xuân Ba gọi đùa là Bi Năng Tắc bởi bà xã anh ấy tên Bi) réo ngoài cổng, Thông ơi, sao còn ở nhà, chưa chịu đi. Hóa ra “chúng nó” đi lạc đường, cu Dũng lái xe cũng mệt phờ với đường sá xứ Phòng, nên muộn, cuối cùng tấp ngay vào quán Ánh Tuyết ven sông Đa Độ, Thúy và Cúc đã đặt sẵn bữa ở đó, măm xong mới về làng Trà. Mình phóng xe theo bác cả Năng, vèo phát đã tới nơi. Yêu các bạn vô cùng. Mình định ôm từng đứa để cảm ơn nhưng cuối cùng lại chả ôm đứa nào, chỉ ôm… bác Năng.

Nhà hàng nổi trên sông, sóng cữ đông chí se lạnh dập dình, đồ ăn ngon, bạn tốt bụng, chuyện như pháo rang. Mình đang đau răng mà cũng không cầm lòng được trước thực đơn của Thúy - Cúc. Nhất là món cá mòi kho nhừ huyện Kiến Thụy, mình và cu Dũng tài xế vét sành sành sanh không để sót tí bẫn kho nào. Ối giời, sao mà ngon quá thể. Mình xa Trường Can - Kiến Thụy quá lâu rồi, nay mới được thưởng thức thứ hương quê này, chứ ngày xưa đâu có. Thúy bảo, mày khen cũng đúng thôi, tao năm nào đến tết cũng đặt mươi nồi cá để biếu chỗ thân quen, thay cho cành đào, bánh trái, còn quý hơn cả đào cả rượu.

Ăn xong lên ngựa về làng Trà. Chả còn lúa xuân hai bên đường, chỉ nhà cửa san sát. Cảnh mới, đẹp thì có đẹp nhưng vẫn thấy bâng khuâng, như thiếu khuyết một cái gì. Về tới nhà thấy mất biệt hai bác Năng Bi. Rõ ràng bác chạy xe trước mình, tay lái lụa, đường quê quen thuộc, lạc chi mà lạc. Thị Tõn cười bảo, hay hai ông bà tranh thủ đi hâm nóng tình yêu, chứ xuống nhà mày lúc nào chả được. Nếu thế thì còn gì bằng. Một lúc thì hai chim câu về, khệ nệ túi to đầy hộp nước mía đặc sản xã Đại Hà. Mía ngọt lừ, uống tới đâu biết tới đó. Mấy đứa kia vừa ăn xong còn để đó chưa uống, mình lén chơi luôn 2 ly, bụng óc a óc ách, chỉ sợ cái Cúc cái Thúy nhìn thấy bảo thằng này có chửa. Hương nước mía thoảng thoảng khắp nhà, ngòn ngọt, dìu dịu, dễ chịu vô cùng.

Các bạn cùng trò chuyện đầm ấm trong chiều đông nắng vàng thôn dã. Tíu tít chụp ảnh, bác Năng luôn là idol, nhân vật trung tâm. Mình thầm nghĩ, sau này mình tầm tuổi đại ca, chắc chỉ nằm một chỗ, chứ dễ gì vây giữa tình yêu thế này. Lại thoáng bâng khuâng nhớ tới những người bạn yêu quý của mình bận bịu không thể về chơi, dù chỉ bên nhau mấy tiếng đồng hồ. Dung cận và Huệ thủ thỉ, chúng tao về thắp hương cho thày bu mày, chơi với mày, bởi biết mày “hoàn cảnh”. Giờ chúng tao lại tếch, mày cho chúng tao gửi lời chúc chị mày chóng khỏe, và chuyển cái này hộ chúng tao nhé.

Anh chị Năng và các bạn lên đường, để lại trong lòng mình khoảng trống khôn tả. Thì ra có lúc ở giữa quê hương vẫn thấy lòng trống vắng, cô đơn. Về rồi, không thiếu quê hương, nhưng thiếu bạn bè.

Hồi mình còn nhỏ, đi chăn trâu hoặc gánh lúa, thường lê la các bờ ruộng, bãi cỏ, nhặt từng túm cỏ mật. Sao vùng quê ngày xưa lại có thứ cỏ thanh tao, thơm ngọt đến vậy. Cỏ mật đem phơi khô, bỏ vào hòm quần áo, vào cặp sách, hoặc đút túi quần, cứ thơm thoang thoảng ngây ngất. Giá như đồng làng còn thứ thảo thơm ấy, mình sẽ nhặt về phơi khô làm quà cho các bạn. Nhưng giờ chỉ thể ao ước thế thôi.

Nguyễn Thông

17 nhận xét:

  1. Bác Thông nói tới học văn học Trung Quốc làm nhớ tới những bài học văn học Trung Quốc thời còn mài bàn tọa trên ghế nhà trường xã hội chủ nghĩa . Trong kho tàng văn thơ phong phú đó, nhớ có 2 câu thơ cứ làm mình ngẩn ngơ, nghĩ bụng đây chính là nền tảng rất thiết yếu của hòa giải hòa hợp dân tộc sau này .

    Chữ Hán

    Trung thành ngã bản vô tâm cứu
    Khước bị hiềm nghi tố Hán gian

    Dịch ra chữ quốc ngữ

    Ta người ngay thẳng, lòng trong trắng,
    Lại bị tình nghi là Hán gian

    Đang có tranh cãi giữa chữ quốc ngữ & chữ Hán nên không dám bàn nhiều . Chỉ nói rằng nguyên bản tiếng Hán hay làm vậy, dịch ra quả có mất đi chút ít . Những ai đang ra rả bênh vực chữ quốc ngữ này nọ, nhiều lúc phải nói họ có những tư tưởng khá "mất gốc", nhất là những di sản có 1 không 2 như thía lày .

    Trả lờiXóa
  2. Thơ tiếng Việt viết bằng quốc ngữ có rất nhiều bài hay sao không đọc? Hà cớ gì phải tiếc nuối 2 câu thơ Tàu đã học thời còn để chỏm. Đọc thơ nước ngoài để mở mang kiến và cảm nhận cái đẹp của nhân loại, nhưng đừng nên vì thế mà xúc phạm những người bênh vực quốc ngữ là "mất gốc". Tôi không dám chắc bạn 07:18 21 tháng 12,2019 là Tàu hay Việt?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Là Tàu hay Việt cũng đâu quan trọng bằng đã có những đóng góp gì để tạo nên một Việt Nam ngày nay . Việt Nam là của chung mọi sắc/dân tộc, đâu phải của riêng nhóm người nào .

      Xóa
  3. Hai cái câu thơ ấy mà bạn nói là "văn học Trung Quốc" thì tôi cũng đến lạy!
    Đã thế còn "nghĩ bụng đây chính là nền tảng rất thiết yếu của hòa giải hòa hợp dân tộc sau này", là sao? Nếu bạn cho rằng đây là câu thơ trong VH TQ, vậy bạn định hòa hợp, hòa giải dân tộc nào vậy?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo tôi nghĩ bạn Nặc danh 07:18 đính chánh dùm quan chức VC rằng: Họ không phải là Hán gian. Ý của 2 câu thơ nói vậy.

      Xóa
    2. 2 câu thơ đó thuộc nền văn học không phải là Hán gian . Và như bạn đã nói "Hai cái câu thơ ấy mà bạn nói là "văn học Trung Quốc" thì tôi cũng đến lạy", đây là nhịp cầu cần có của hòa hợp hòa giải . 2 câu thơ trên vừa có cả "không phải là Hán gian", vừa có "là Trung Quốc thì tôi cũng đến lạy". Hòa giải & hòa hợp giữa "không phải là Hán gian" & "là Trung Quốc thì tôi cũng đến lạy".

      Xóa
    3. Bạn nói năng lằng nhằng quá. "2 câu thơ đó thuộc nền văn học không phải là Hán gian", thế bạn nói thẳng luôn là của nền VH nào? (mất công tra google tý cũng được, tôi sẵn sàng thông cảm). Rồi lại "đây là nhịp cầu cần có của hòa hợp hòa giải", quá tối nghĩa.
      Tương tự như vậy, những câu sau lý luận vòng vèo kiểu "vừa có cả..., vừa có..." cho thấy khả năng tranh luận nghiêm túc của bạn.
      Thân.

      Xóa
  4. Đồng ý với bạn Đan Hà về việc nhận xét người khác là "mất gốc". Đây là lối tư duy quy chụp, thiển cận, thậm chí ấu trĩ (toàn chữ Hán cả, nhưng được ghi bằng chữ quốc ngữ - Tiếng Việt).
    Bạn Nặc danh05:49 22 tháng 12, 2019 cho rằng, "Là Tàu hay Việt cũng đâu quan trọng bằng đã có những đóng góp gì để tạo nên một Việt Nam ngày nay". Bạn sai rồi, quan trọng, rất quan trọng đấy.
    Còn về việc "Việt Nam là của chung mọi sắc/dân tộc, đâu phải của riêng nhóm người nào": như vậy, nhưng mà không hẳn thế đâu, bạn. Tôi cũng đâm nghi ngờ, giống bạn Đan Hà ở trên kia, về nguồn gốc tộc người của bạn. Nên nhớ, Việt Nam là của mọi sắc/dân tộc của Việt Nam, chứ không thể đánh tráo khái niệm kiểu rất có thể là của mọi sắc/dân tộc như Hồi, Choang, Hán, Mãn, Duy Ngô Nhĩ etc... được, bạn nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Việt Nam là của mọi sắc/dân tộc của Việt Nam, chứ không ... có thể là của mọi sắc/dân tộc như Hồi, Choang, Hán, Mãn, Duy Ngô Nhĩ etc... được, bạn nhé!"

      Cho hỏi nếu các sắc/dân tộc như Choang, Hồi ... đã qua Việt Nam sinh sống, hoạt động & đóng góp cho sự hình thành của nước Việt Nam hiện nay, Việt Nam có phải là của họ không ? Một người Pháp đã từng đấu tranh chống Mỹ-Ngụy, yêu Việt Nam xã hội chủ nghĩa tha thiết, lấy tên là Hồ Cương Quyết, có quốc tịch Việt Nam, Việt Nam có phải là của người đó không ? Dân tộc Gaulois qua Hồ Cương Quyết có xứng đáng là dân Việt, cùng sống, chiến đấu, lao động & học tập đóng góp cho Việt Nam không ? Hán thật -không phải Hán gian- mà cuộc sống, sự nghiệp đấu tranh & đóng góp không thể đo đếm cho cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam trở thành 1 tấm gương sáng rực rỡ để cả nước noi theo, Việt Nam có phải là của những người đó không ?

      Hay Việt Nam chỉ là của những sắc/dân tộc của Việt Nam, cũng là của những kẻ mang dòng máu Việt -sinh học- nhưng đi theo Fulro, của bọn phản quốc từ tờ-rốt-kít, quốc dân Đảng cho chí tới Ngụy quân, Ngụy quyền đã bị dân tộc loại bỏ không thương tiếc, của những thế lực phản động dựa hơi tư bẩn thúi nát đang rắp tâm tìm mọi cách lật đổ chính quyền cách mạng, phủ định những thành quả cách mạng cao quý bao thế hệ đã hy sinh mới có được ngày hôm nay ?

      Xóa
    2. Viết gì mà đọc chẳng hiểu ...Lại lôi Hán thật,Hán gian, Hồ Cương Quyết, Fulro, Xhcn, Ngụy vào cho lạc đề, rối rắm. Bó tay ông luôn. Về học thêm cách viết văn chữ quốc ngữ để diễn đạt cho mạch lạc đi ông ơi!

      Xóa
    3. 2 ý .

      1- Việt Nam là của tất cả những người đã có đóng góp tích cực, không nhiều thì ít để tạo nên Việt Nam của ngày hôm nay . Bất kể họ từ đâu tới & bất kể họ là ai.

      2- Có nghĩa Việt Nam không bao giờ thuộc về những người bị xem là phản quốc, bán nước, theo chân tư bẩn thúi nát, phò Mỹ bài Trung vv ... vv ...

      Xóa
    4. Nặc danh15:25 25 tháng 12, 2019
      Ý nghĩ hạn hẹp, non nớt, quy chụp. Không đáng để mất thời giờ để tranh luận. Xin chấm dứt từ đây.

      Xóa
    5. Tôi đồng ý với bạn Nặc danh16:13 25 tháng 12, 2019.
      Tuy nhiên, do bạn Nặc danh15:25 25 tháng 12, 2019 có ý quy chụp như vậy, nên tôi xin phép bác chủ trang trao đổi thêm với bạn ấy một số ý:
      - Thứ nhất, về quan điểm nước Việt Nam là của những ai, dân tộc Việt Nam là những người nào:
      + Cha ông ta từng nói: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước thì thương nhau cùng”.
      + Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
      + Khoản 1, Điều 5, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
      Thế là rõ rồi bạn nhé.
      - Về lịch sử hình thầnh và phát triển của nước Việt Nam (Tôi không gọi là "nước ta", vì với quan điểm của bạn, dường như đất nước của tôi và của bạn không phải là cùng một quốc gia):
      + Bạn đừng có “nếu” ở đây. Suốt mấy nghìn năm dựng và giữ nước Việt Nam này, chưa bao giờ có chuyện những người Choang, Hồi… đến “sinh sống, hoạt động & đóng góp cho sự hình thành của nước Việt Nam hiện nay”. Tôi không biết bạn đã học/đọc lịch sử đến đâu, nhưng chẳng lẽ bạn cứ cố tình không hiểu rằng, sự hình thành của nước ta, đâu cần đến họ? Và sẽ ko bao giờ cần/ko bao giờ cho phép họ làm điều đó.
      + “Hán thật -không phải Hán gian- mà cuộc sống, sự nghiệp đấu tranh & đóng góp không thể đo đếm cho cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam trở thành 1 tấm gương sáng rực rỡ để cả nước noi theo” là ai vậy, bạn? Bạn đang muốn ám chỉ ai, đến điều gì ở đây vậy?
      - Qua trao đổi, tôi nhận thấy bạn rất hay nhập nhèm, đánh tráo khái niệm. Trường hợp ông André Menras– Hồ Cương Quyết, vì đã được chính thức trở thành công dân có quốc tịch Việt Nam với tên Hồ Cương Quyết( từ tháng 11 năm 2009), nên đương nhiên Việt Nam cũng là đất nước của ông ấy, và chỉ của ông ấy thôi. Nhưng từ đó, bạn quèo thêm “Dân tộc Gaulois qua Hồ Cương Quyết có xứng đáng là dân Việt, cùng sống, chiến đấu, lao động & học tập đóng góp cho Việt Nam không?” thì không ổn rồi, bạn ạ.
      - Bạn tỏ ra khá kiên định khi bảo vệ quan điểm “hòa hợp, hòa giải dân tộc”, đến mức nhập nhèm “không phải là Hán gian”, mà nay lại có thể nói “Hay Việt Nam chỉ là của những sắc/dân tộc của Việt Nam, cũng là của những kẻ mang dòng máu Việt -sinh học- nhưng đi theo Fulro, của bọn phản quốc từ tờ-rốt-kít, quốc dân Đảng cho chí tới Ngụy quân, Ngụy quyền đã bị dân tộc loại bỏ không thương tiếc… “, thì bạn – phải, chính bạn đang đi ngược lại một cách thô bạo tiến trình hòa hợp, hòa giải đấy. Nếu bạn chịu khó cập nhật tình hình, thì có thể thấy rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những con người đã từng một thời lầm lỗi là như thế nào. Thêm nữa, đến giờ này mà bạn vẫn còn dùng những danh xưng “ngụy quân, ngụy quyền” đầy sắt máu như vậy, là sao hả bạn?
      * Đến đây, tôi chính thức chấm dứt trao đổi về nội dung này với bạn.Trước hết là vì không có nhiều thời gian; nhưng quan trọng nhất, nếu cứ tiếp tục thì rất có thể sẽ đẩy bạn vào bế tắc. Và dù đều là nặc danh, nhưng tôi không hề mong muốn điều đó.
      Nếu bạn có hứng thú, chúng ta có thể tiếp tục trao đổi về những vấn đề khác, nhân các bài viết của bác Thông đây, tất nhiên là được sự cho phép của bác ấy.
      Một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn bác Nguyễn Thông đã để chúng tôi được trao đổi trên trang nhà của bác. Chúc bác luôn vui khỏe, tiếp tục viết hay, viết nhiều.

      Xóa
    6. Có 1 bài được nhiều người, kể cả Tiến sĩ Trần Hữu Dũng cũng khen, về chủ nghĩa dân tộc của Bác Hồ . Bài đó khẳng định Bác Hồ kính yêu của chúng ta không bao giờ có tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan . Tính dân tộc của Bác Hồ luôn luôn là chủ nghĩa dân tộc có tính mở, không bao giờ cục bộ & khép kín . Đủ rộng để có thể bao gồm tất cả những ai có đóng góp cho sự ra đời của nước Việt Nam hiện nay .

      “Dân tộc Gaulois qua Hồ Cương Quyết có xứng đáng là dân Việt, cùng sống, chiến đấu, lao động & học tập đóng góp cho Việt Nam không?” thì không ổn rồi, bạn ạ"

      Mea culpa, nhưng rõ ràng Hồ Cương Quyết không phải là "dân tộc Việt" nếu chỉ theo nghĩa "sinh học". Và với cái tên "Hồ Cương Quyết", ông ta đã chứng minh mình Việt Nam hơn rất nhiều người Việt Nam đang rắp tâm âm mưu chống phá Đảng & nhà nước ta .

      "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam"

      Tui thêm "mở rộng". Nếu đúng phải là "quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam"

      "dường như đất nước của tôi và của bạn không phải là cùng một quốc gia"

      Đất nước của tôi là Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa . Đất nước của bạn có phải là Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hay không, đó là tùy bạn . It helps nếu bạn đọc lại tên nước mình .

      Xóa
  5. Có lẽ hòa hợp giữa 2 dân tộc Trung Việt chăng? Cuối cùng rồi thống nhất thành 1?

    Trả lờiXóa
  6. Đây là trang nhà của bác Nguyễn Thông. Chúng ta đang nói chuyện với nhau về một vấn đề không mấy liên quan đến nội dung bài viết của bác ấy. Vậy nên, dù là nặc danh, cá nhân tôi xin phép bác Thông được tiếp tục, và sẽ kết thúc cuộc nói chuyện này. Trân trọng cảm ơn bác!

    Trả lờiXóa
  7. Thì ra có lúc ở giữa quê hương vẫn thấy lòng trống vắng, cô đơn. Về rồi, không thiếu quê hương, nhưng thiếu bạn bè.

    Trả lờiXóa