Trang

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2020

Chuyện đúng 48 năm trước (kỳ 2, cuối)

Như đã biên ở phần đầu, đúng 48 năm trước tức là vào ngày 16.4.1972, Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc trở lại sau 3 năm tạm ngưng từ vĩ tuyến 18 trở ra. Dân phố lục tục làm cuộc sơ tán lần thứ 2, cũng gần giống như đận trước, ai về nhà nấy, vùng nông thôn nấy từng về hồi năm 1964, chỉ có điều những đứa trẻ đi đợt 1, bước sang đợt này đã thêm 8 tuổi, chững chạc hẳn lên.

Từ sau Tết, Trường cấp 3 Kiến Thụy đã tổ chức việc trực trường. Chả biết nghe phong thanh nó sẽ đánh lại, ban giám hiệu liền sắp xếp khối lớp 10 (cuối cấp) trực chung với thầy cô giáo. Tiếng là trực nhưng chả có súng ống gì, chỉ thay nhau thức khuya đi rảo quanh trường coi xem có trộm đạo phá phách không, nếu xảy ra đám cháy thì đánh kẻng kêu làng nước tới cứu chữa. Chẳng mấy ai tợn nghĩ máy bay nó sẽ đánh lại. Suốt từ năm 1964 tới 1968 bom đạn tàu bay khiếp lắm rồi. Thường thì các thầy cô trực chỉ ngó qua buổi chập tối, sau đó phó mặc đám học trò. Tôi nhớ vài lần trực chung với thầy Phùng Quán (trùng tên với một nhà văn nổi tiếng) dạy toán, thầy Dừa dạy tiếng Trung, thầy Tòng dạy văn, cô Tâm dạy sinh, cô Thanh dạy hóa… vui lắm. Gặp phải ca những thầy cô yêu nhau, chỉ một loáng “các thủ trưởng” đã mất hút, bọn trò tha hồ quậy phá. Có lần thầy Duyên dạy chính trị chả biết nghe ai mách, buổi chào cờ nói xa xôi rằng các thầy cô và các em đã được phân công trực trường phải có ý thức bám trận địa, phải coi mình như chiến sĩ, chứ đừng đào ngũ như vừa qua. Mấy thầy cô vốn người nội thành nhìn nhau tủm tỉm, biết là ổng ám chỉ mình.

Tối 16.4, chả thấy thầy cô nào, chỉ nhõn có 4 đứa lớp 10B là tôi, thằng Thành, cái Nga và thằng Cự. Thằng Thành và thằng Cự đều khôn ngoan, dẻo miệng, đẹp giai, cực giỏi toán, nhanh nhẹn tháo vát khỏi chê. Trực cùng ca với chúng nó, tôi chẳng cần làm gì, chỉ làm bài tập xong rồi lăn ra ngủ. Từ trường về nhà bác Mẳn nơi trọ cũng chỉ độ vài trăm mét, có trốn về cũng được, nhưng ngủ ở đây mát hơn, chỉ tội muỗi nhiều. Vả lại tôi với thằng Thành cùng chung nhà trọ, về một mình chi cho buồn. Cái Nga, Phạm Thị Nga người Thái Bình, anh nó là thầy Linh làm ở Phòng Giáo dục huyện nên nó theo sang đây học. Hơi lùn béo nhưng xinh lắm. Tóc xoăn như tây. Lúc tôi cắm cúi làm bài, một thằng đi tuần, còn hai anh chị cứ rủ rỉ rù rì trò chuyện. Tôi ngố, thỉnh thoảng lại hỏi sao chúng mày không làm bài rồi còn đi ngủ, thay phiên nhau đi tuần, kẻo thầy Duyên mà bắt được “bỏ trống trận địa” thì chết. Hai đứa chả thèm để ý. Về sau mới giác ngộ, hiểu ra rằng chúng nó còn mong mình đi ngủ sớm là đằng khác. Ngố đếch chịu được.

Ngồi trực ca được một lúc. Bóng tối mênh mông. Thời chiến, điện lập lòe khi có khi không. Phía sau trường là dãy núi Đối đen thẫm. Nhìn về phía nội thành Hải Phòng thấy hắt lên quầng sáng lờ mờ. Chợt thằng T. bảo, chúng mày có nghe thấy gì không. Máy bay. Vừa nói xong, phía nội thành lửa sáng lóe, tiếng nổ ầm ầm liên tục, rền vang không ngớt. Thôi, lại đánh nhau to rồi. Trèo đứng trên bức tường hành lang trường ngóng ra Phòng, vừa coi vừa sợ. Sáng hôm sau, thầy Thường hiệu trưởng cho nghỉ học để đắp lại hầm hào, ngụy trang trường lớp. Nghe người ngoài Phòng chạy về, kể nó đánh nhiều chỗ lắm, cầu Rào, cầu Niệm, Sở Dầu, Thượng Lý, Xi măng, sân bay Kiến An, và nhất là trận địa tên lửa cùng khu chuyên gia Liên Xô ở xã Hưng Đạo gần cầu Niệm. Thương nhất là dân thôn Phúc Lộc bị bom B52 rải thảm, chết hơn 6 chục người. Một đêm kinh hoàng. Đã 48 năm trôi qua nhưng ký ức kinh hoàng ấy cứ lởn vởn chập chờn như bóng ma.

Sau đêm ấy, trường có nhiều thay đổi. Hơn tuần sau, cả thầy Mễ chủ nhiệm lẫn chục đứa con trai phải đăng lính. Chỉ còn vài tuần nữa là thi tốt nghiệp, vậy nhưng chiến tranh có tha ai. Cả lớp kéo nhau đến nhà thầy Mễ chia tay thầy, đến nhà từng đứa nói mấy lời động viên, tiễn biệt. Thằng Thành, thằng Như, thằng Thảo, thằng Lĩnh, thằng Biên Tây, thằng Thắng đen, anh Tiến, thằng Yên, thằng Cải, thằng Sơn, thằng Thót…, chúng tôi nắm tay từng đứa một, chỉ lí nhí tạm biệt, hẹn ngày gặp lại. Còn biết nói gì hơn. Bọn con gái mắt đứa nào cũng đỏ hoe. Cái đêm 16.4 dữ dội ấy đã làm thay đổi bao nhiêu thứ, khiến chúng tôi già cỗi hơn, đứa nào cũng mang khuôn mặt của chiến tranh.

Ngày 17.4, nhà tôi lại đón đoàn quân sơ tán. Đận năm 1964 là mẹ con chị Hải (chồng chị gọi thầy tôi là chú ruột), biết bao kỷ niệm thật vui vẻ, nên thơ. Đợt 2 này ở nhà tôi là mẹ con chị Hòa, em ruột chị Hải. Những ai đã trải qua thời sơ tán mới cảm nhận được điều vô cùng dễ thương: trong chiến tranh chết chóc, con người ta sống thật tình cảm, gần gũi, thương yêu. Cứ nhớ mãi cái hình ảnh sáng thu lạnh, còn nhọ mặt người, sớm nào cũng như sớm nào, đứa con gái 15 tuổi cháu họ chị Hòa đã đứng ngoài cổng tự bao giờ, gọi như gió thoảng “cô Hòa ơi”, hẹn nhau lên chợ huyện mua đậu phụ của cửa hàng thực phẩm để đem về chợ Ngũ Phúc bán, chỉ lời gần đồng bạc, vừa đi vừa về cả chục cây số. Hai cô cháu mỗi người một chiếc làn hoặc chiếc rổ nhỏ, bước thấp bước cao trong màn sương buốt lạnh.

Nguyễn Thông

1 nhận xét: