Trang

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

Khuyết tật hay tàn tật

Ngày xưa chỉ nghe hoặc đọc trên báo từ “tàn tật” để nói về những người cơ thể bị tàn phế một phần, bộ phận nào đó. Chả hiểu tự khi nào người ta đẻ thêm từ “khuyết tật”. Điều chắc chắn sản phẩm mới này không phải do dân chúng hoặc các nhà ngôn ngữ tạo ra, mà bởi nhà chức việc, thậm chí quan to. Họ hứng lên, tung từ ngữ mới, áp vào các văn bản dưới danh nghĩa chính quyền, đảng, nhà nước, rồi cứ thế bắt mọi người tuân chỉ. Đúng sai, kệ.

Hiện trong các tổ chức hội đoàn, đoàn thể ở xứ ta, có Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, mà không phải ai khác, chính bà Đặng Huỳnh Mai cựu thứ trưởng Bộ GD-ĐT (đang bị ồn ào vụ “đòi” nhà công vụ) làm chủ tịch. Thực thà mà nói, người tàn tật có riêng tổ chức của mình thì tốt quá đi chứ, chả ai phản đối chuyện này. Chỉ có điều, tên gọi ấy đã sai trầm trọng, không đúng đối tượng.

Theo nghĩa từ Hán Việt, “tật” tức là tình trạng cơ thể bị suy yếu. Tật bệnh chỉ con người ta mắc bệnh, đau ốm, cần được chạy chữa. Tật cũng có nghĩa là điểm yếu nào đó của con người, “có tật giật mình”, tật nói ngọng, tật nói khoác, v.v..

“Tàn” là làm cho tổn hại, bị tổn hại, bị mất mát. Hoa tàn là hoa đã héo rũ, lửa tàn thì chỉ còn bếp nguội, tàn canh có nghĩa sắp hết đêm. Truyện Kiều có câu “Đã cho lấy chữ hồng nhan/Làm cho cho hại cho tàn cho cân”.

“Tàn tật” để chỉ tình trạng cơ thể con người không được hoàn toàn, do bẩm sinh hoặc do yếu tố khách quan mà bộ phận nào đó trên cơ thể bị hủy hoại, bị hỏng, chẳng hạn có tay chân nhưng tay chân bị liệt, có mắt nhưng mắt mù, có tai thì tai điếc, bị lưng gù, vẹo cổ, thọt chân… Cũng có người bị cụt chân cụt tay, hỏng các giác quan do đi đánh nhau, bị tai nạn, cơ thể đã từng đầy đủ nhưng chịu mất mát bởi ngoại cảnh, thành người tàn tật.

“Khuyết” nghĩa là thiếu. Khuyết điểm là chỗ còn thiếu, khuyết danh là chưa biết tên, trăng khuyết để chỉ trăng chưa tròn, thường là trăng đầu tháng hoặc cuối tháng. Con người ta mới sinh ra nếu bị thiếu phần cơ thể nào đó (bẩm sinh) thì gọi là khuyết tật, chẳng hạn anh chàng Sọ dừa trong truyện cổ tích, anh Nick Vujicic trong đời thường. Thiếu hẳn thì mới gọi là khuyết, chứ nếu có mà bị hỏng thì gọi là tàn. Có mắt nhưng mắt mù thì là tàn tật chứ không phải khuyết tật.

Như vậy, tàn tật khác khuyết tật. Tàn tật chỉ nhóm đối tượng rộng hơn. Thương binh bị cụt chân cụt tay mù mắt… do đánh nhau đều là người tàn tật. Chính cụ Hồ cũng gọi thương binh là người tàn tật chứ không phải khuyết tật, “các chú tàn nhưng không phế”, không phải là người tàn phế. Tôi có bà chị vợ, lúc bé vốn bình thường mọi giác quan, chẳng may ngã từ hàng rào cao xuống, dẫn tới điếc, mà điếc thì sinh ra câm, đủ cả tai miệng, dù chả khuyết thứ gì nhưng thành người tàn tật.

Chính vì vậy, phải gọi họ là người tàn tật mới đúng. Cái hội mà bà Mai làm chủ tịch phải là Liên hiệp hội về người tàn tật, chứ không phải khuyết tật. Chỉ chính xác và đầy đủ đối tượng thì mọi hoạt động của hội mới có ý nghĩa. Lạ ở chỗ, cả chính quyền lẫn báo chí xứ này (mà báo chí nó tùy tiện, chuyên ăn theo, chả có chủ kiến gì, nhẽ ra không cần nhắc) cứ nhâng nhâng với cái sai, bắt người ta phải sai theo nó. Tôi thẳng tính không chịu thói ấy nên vạch ra điều nó sai, còn nó có chịu nghe không thì cũng đành kệ.

Nguyễn Thông

2 nhận xét: