Trang

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2020

Chuyện giếng làng (kỳ 2)

Làng Trà Phương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) quê tôi những năm xa ngái ấy, thập niên 1960 - 1970. Nói nhại câu thơ của thi sĩ Nguyễn Khoa Điềm, khi ta lớn lên cái giếng đã có rồi.

Trong từ Hán Việt có chữ “hương”, nghĩa là làng, quê. Lại có chữ “thôn” cũng có nghĩa là làng (lâu nay nhiều người cứ tưởng thôn là từ thuần Việt). Nói làng Trà Phương hay thôn Trà Phương đều chung một nghĩa. Câu thơ “Ngày mai về lại thôn hương”, tức là về làng, về quê. Khi từ “hương” để chỉ quê thì nghĩa của nó khá rộng, vượt ngoài phạm vi một làng, một thôn. Đồng hương là những người cùng quê, có khi quê là tỉnh, huyện, xã. Hội đồng hương Kiến Thụy (là của người cùng một huyện), hội đồng hương Hải Phòng (cùng một thành phố). Hồi hương là về quê. “Cố hương”, một truyện ngắn nổi tiếng của Lỗ Tấn viết về quê cũ (cố) qua ký ức đứa trẻ thơ. Hương quan là cái cổng làng. Người không sống ở quê gọi là tha hương. Tha có nghĩa là người khác, tha hương là quê người khác. Sống tha hương là sống quê người khác chứ không phải quê mình. Cũng không ít người nhầm chữ tha, tưởng đó là tha thẩn, lang thang. Bên Tàu đất rộng, một hương (thôn, làng) của nó tương đương với một huyện bên ta, một huyện bằng vài tỉnh ở ta, một tỉnh có khi bằng cả nước ta, tỉnh Tứ Xuyên chẳng hạn, rộng 485.000 cây số vuông, gần gấp đôi VN. Trưởng thôn của nó quyền hành ngang với chủ tịch huyện xứ ta. Tôi có ông bạn người bên Thủy Nguyên, ở xã Tân Dương, tên Đào Gia Thiệp, đầu thập niên 80 đang học dở nghề thầy giáo bỏ học về quê làm trưởng thôn. Tôi cũng có ông cháu họ làm trưởng thôn Trà 2 khóa liền, do dân tín nhiệm bầu trực tiếp (chứ không hình thức bầu lấy được kiểu quốc hội chả biết đâu mà lần). Gặp nhau, tôi bảo với hai tay trưởng thôn ấy, các ông oai không kém gì chủ tịch huyện, nếu ở bên Tàu. Bọn hắn cứ ngớ ra.

Làng tôi có 5 xóm. Nhiều bạn trẻ bây giờ không có khái niệm về xóm. Một xã thường có nhiều thôn. Thôn còn gọi là làng. Xã Thụy Hương có 3 thôn (làng) là Trà Phương, Quế Lâm, Phương Đôi. Xã tôi nhỏ, ít người, chỉ bấy nhiêu thôi. Tôi có dịp vào xứ Thanh, được ông bạn thổ công dắt đi chơi, chỉ trỏ giới thiệu xã này xã kia. Có những xã rộng tới mức xe máy chạy cạn xăng, dân xã đông gần bằng nửa huyện đất Phòng. Có xã tới dăm bảy thôn, chỉ đội ngũ trưởng thôn cũng đủ danh sách “cán bộ” hoành tráng so với nơi khác. Làng Trà tuy nhỏ nhưng vẫn chia thành nhiều xóm. Xóm là đơn vị hành chính nhỏ nhất ở nông thôn, tuy nhiên không được đưa vào hệ thống hành chính nhà nước. Nhà tôi ở xóm giữa, trung tâm thôn, đồng thời trung tâm xã, nơi đặt những “cơ quan đầu não” của xã như trụ sở ủy ban, trạm xá, trường học (cấp 1, cấp 2), nhà dệt thảm, cửa hàng hợp tác xã mua bán… Ngoài ra có xóm trong (khu Mả Vối), xóm núi (sát chân núi Chè), xóm chợ (khu thành phủ cũ), xóm ngoài (khu cánh Bến, xưa kia có bến đò sang đất Tú Đôi). Vậy nhưng giếng công trong thôn, tức giếng làng, tôi đếm đi đếm lại chỉ có 3 cái. Một cái ở khu đình cũ (xóm giữa) như đã kể, một cái cạnh sân hợp tác Thụy Sơn (xóm trong), một cái gần nhà chú Bồ, sát sân hợp tác xã Bình Minh. Bây giờ thì có thể bảo sao không đào thêm giếng lấy nước sạch mà ăn, cứ phải ăn nước ao làm gì. Có sống vào thời đó mới hiểu đào thêm xây thêm cái giếng, dù của công dùng chung cũng là cả vấn đề. Có khi phải thông qua ủy ban, ban chủ nhiệm hợp tác xã, rồi gạch đâu, xi măng đâu. Cứ nhấn nhá mãi, suốt cả chục năm trời, chen chúc nhau với 3 cái giếng. Cực nhưng vui, có hôm đi gánh nước, xếp hàng cả dãy dài, tha hồ đặt thùng ở đó rồi đi nhặt cỏ gà chọi nhau. Mùa hè, đợi tối mịt, ra giếng đình tắm truồng thoải mái. Nhiều khi cùng lúc 5 - 7 cái gầu cùng thả xuống giật thùm thùm. Có lần thằng Tín đại (con cậu Đại) khều mấy đứa lại nói nhỏ, tao có chuyện này hay lắm. Hỏi chuyện gì, nó thì thào kể thỉnh thoảng trèo lên cây nhãn đình nấp coi mấy chị ra tắm khuya, có lần thấy cả chị Hồng con bà Biển, chị Kiên con bà Viền trắng như bột mì. Chị Hồng dân sơ tán, da trắng tóc dài môi đỏ tươi, xinh lắm. Thằng Tín vốn là đứa nghịch ngợm nhất làng, nó chẳng sợ gì, thường bày lắm trò, sau phạm “tội” ăn cắp gà, bị đi tù mấy năm trên vùng núi Lào Cai. Đời nó lận đận, nghe kể rằng lại tái phạm, cũng chỉ là ăn cắp vặt, lại đi tù và bị đánh chết trong tù. Đám lau nhau lớp 2 lớp 3 chúng tôi nghe thằng Tín rủ cũng thinh thích, nhưng sợ cây nhãn đình có ma, sợ người nhớn bắt được thì chết nên chả đứa nào dám liều nấp coi bột mì.

Lại nhớ một lần đi gánh nước. Đông quá, vòng trong vòng ngoài, tôi ngổ ngáo chen vào. Thằng Tịu rêu (con bác Rêu) đẩy tôi ra, tôi tức quá chửi địt mẹ mày. Chú Chung đang múc nước nghe được, mách thày tôi. Tôi vừa gánh nước về, thày nọc thằng con chửi bậy ra, bắt nằm lên cánh cửa, xe điếu quất cho 3 roi đau điếng, hỏi từ giờ còn chửi bậy nữa không. Nước mắt nước mũi đầm đìa, xoa 3 lằn roi hằn mông đít, tôi lí nhí dạ con chừa. Đó là lần chửi bậy đầu tiên trong đời, chả bao giờ tái phạm. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

1 nhận xét: