Trang

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2020

Ông bình vôi

Sinh thời, cụ Phan Khôi là người cương trực, thấy gì không nên không phải, trái tai gai mắt, cụ phê thẳng thừng. Chứng kiến đám quan chức, lãnh đạo ăn hại, chỉ ồn ào màu mè nhưng rỗng tuếch, cụ gọi họ là ông bình vôi. Cụ viết “Nhà tôi, hồi bà nội tôi còn sống, có cái bình vôi hạng sang ấy. Mỗi khi mua vôi ở chợ về, bà tôi ngồi tỉ mỉ lấy cái chìa quệt vôi nhét vào miệng nó, gọi là “cho Ông Bình ăn”. Và lâu lâu lại tắp thêm vào cái miệng nó một lần, hóa nên cái miệng càng ngày càng chêu vêu ra… Tóm lại, cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại, ngồi cú rũ trên trang hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất hoặc gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi bằng “Ông”. (Giai phẩm mùa thu, 1956). Thực ra, cụm từ “ông bình vôi” này bắt nguồn từ nhà thơ Lê Đạt, một trong những yếu nhân của Nhân văn giai phẩm. Thi sĩ bực bội mà rằng “Những kiếp người sống lâu trăm tuổi/Y như một cái bình vôi/Càng sống càng tồi/Càng sống càng bé lại”.

Mấy ngày qua, chứng kiến quá nhiều ông bình vôi, không thể không theo gương tiền nhân, cụ Phan và ông Lê, mà nói đôi nhời.

Họ đang đại hội đảng. Cả nước là một rừng đại hội. Chỗ nào cũng “tưng bừng, náo nức, thành công tốt đẹp”. Đỏ ối khắp mọi nơi. Hoa hoét cờ quạt ngập tràn từng mét đất. Thiên đình của Ngọc hoàng ngày hội bàn đào cũng không vui bằng.

Coi là sự kiện trọng đại, nên trung ương (Bộ Chính trị và Ban Bí thư) cử yếu nhân tỏa về các nơi để “chỉ đạo và phát biểu”. Tinh những bộ óc hàng đầu, đi tới đâu cũng được tiền hô hậu ủng, đón rước linh đình. Mở miệng như “ông Cao ông Quỳ”, dáng vẻ trịnh trọng, tư thế oanh liệt. Những ông bà lớn to đầu ấy, như đã nói, về đại hội có nhiệm vụ phát biểu chỉ đạo. Nhưng thiên hạ cứ để ý mà xem, không khó thấy lắm đâu, cả chục ông bà như một, cứ trịnh trọng bước lên bục là cắm mặt, chúi mũi vào giấy. Những tờ giấy với nội dung đã được đám đệ tử phòng máy lạnh soạn sẵn từ đời kiếp nào. Có bà thì ề à, có ông thì cắm cúi đọc liên hồi, không dám ngẩng lên nhìn đại hội. Họ cứ ê a bài văn mẫu, kém cả học trò trả bài bởi học trò còn tự nói ra điều chúng biết, đi bất cứ tỉnh thành nào cũng nhắc nhở phải phát huy tiềm năng thế mạnh, khen vài điều, chê vài điểm, về đồng bằng thì nhấn vào cây lúa, ra vùng mỏ lại nhắc tới hòn than, lên biên giới khuyên trồng cây gì nuôi con gì… Chỉ cần đem cái “phát biểu chỉ đạo” đó ở Lạng Sơn, thay địa danh thành Quảng Ninh, Quảng Bình, Cần Thơ… cùng vài ba tiểu tiết là có thể áp dụng sáng tạo vào hoàn cảnh địa phương. Tôi cam đoan, theo dõi nhiều cảnh đại hội, chưa hề thấy một ông bà nào dám nói vo, dám đoạn tuyệt với tờ giấy, với văn mẫu, để tự thể hiện vai trò, tư cách yếu nhân của mình. Đâm ra nghi ngờ, hay họ chỉ là thứ bình vôi, trong đầu xơ cứng rỗng tuếch, dám chi mà nói, dám chi mà ngẩng đầu.

Cử ông bà bình vôi đi phát biểu như thế, chỉ tốn tiền tàu xe, tốn ngân quỹ đón rước tốn kém mà chả đem lại kết quả thiết thực gì. Họ chỉ là thứ robot nhưng không có trí tuệ.

Lật giở vốn từ ngữ tiếng Việt, “phát biểu” có nghĩa là ai đó tự thể hiện ý kiến, quan điểm, thái độ, tình cảm của riêng nình, biểu đạt nó ra cho người ta biết, người ta nắm được. Những ông bà bình vôi, đã không có gì để thể hiện, chỉ như cái loa phát lời kẻ khác, mà lại đóng vai chỉ đạo, thì quả là tấn bi kịch cho đất nước này.

Ghi thêm: Tôi mà nói đơn sai, ai còn nghi ngờ, cứ coi chương trình thời sự tối nay sẽ rõ.

Nguyễn Thông

3 nhận xét:

  1. Có vị thi thoảng rời mắt khỏi văn bản và
    dám ngẩng đầu nhìn...lên trần hội trường đấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc lúc ấy vào chỗ sắp xuống dòng, nhìn lên cho có vẻ tự chủ, anh nhỉ. Xong rồi lại cắm cúi đọc tiếp.

      Xóa