Trang

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

Súng nào mà chẳng là súng (kỳ 5)

Nói tới súng, nhất là súng trường, những người đã sống thời chiến tranh, dù trôi qua gần nửa thế kỷ, vẫn còn nhiều ám ảnh. Lứa thiếu nhi miền Bắc chúng tôi hồi thập niên 60 biết khẩu súng trường qua cả thực tế lẫn văn chương, sách trích giảng văn học. Ông Tố Hữu làm thơ ca ngợi các dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Văn Hòa, Kpa Klơng, cao chưa bằng khẩu súng, nhưng “tay em một khẩu súng trường/mà như có cả quê hương đánh cùng”, bởi “tuổi mười bốn những ước ao/buổi đầu cầm súng biết bao là mừng…/súng này càng đánh càng hay/một tay em chấp mười tay quân thù”. Ngay cả đứa bé tí, theo mẹ đi chợ xuân, “mẹ mua cho bức tranh màu/yêu súng hơn bé chỉ lắc đầu/a, mẹ ơi cái súng xinh xinh/súng cầm tay bé bước nhanh nhanh”… Cứ như thế, đám chúng tôi chỉ say súng, chả cần biết giời đất. Nếu ai hỏi lớn lên ước mơ gì, phần lớn chỉ giả nhời được cầm súng.

Tôi đã từng quản một khẩu K44 hơn chục năm. Lại nhớ khu ký túc xá 43-45 Nguyễn Chí Thanh cuối thập niên 70, đầu 80. Nó được chia làm 2 khu, phía ngoài, mặt tiền đường lúc đầu thuộc trường Dự bị đại học, vài năm sau bàn giao cho Bộ Đại học và THCN. Phía trong là khu tập thể giáo viên công nhân viên của trường. Chung nhà ăn, chung sân, chung lối đi lại, chung cổng. Hôm tôi mới nhận phòng ở, cuối tháng 4.1977, tức là 2 năm sau ngày “giải phóng” vẫn thấy dưới sân chất đầy những thứ mà bộ đội quân quản phá bỏ, như giường tủ bàn ghế, chưa được dọn. Không được dùng, phải bàn giao thì phá thôi. Tòa nhà vốn là khách sạn, trước tháng 4.1975 cho sĩ quan Đại Hàn thuê, nên gọi là khách sạn Đại Hàn, nằm trên đường Trần Hoàng Quân, với 2 hàng cây dầu (họ cây sao) thẳng tắp cao vút. Ông này là đại tá quân đội VNCH tử trận, được chính quyền đặt tên đường. Chính quyền mới thay bằng tên một võ quan khác, cao hơn hẳn, cho biết thế nào là tầm cỡ cách mạng, đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Gác cổng là một người đàn bà mặt đen to béo rất dữ dằn, hút thuốc như kéo bễ, tên Thảo. Bà này rất hách, ai đi xem phim hoặc cải lương về trễ sau 11 giờ thì chỉ có nước tìm chỗ bên ngoài mà ngủ. Hàng rào cao nhọn hoắt, chả thể trèo vào, vả lại còn cái xe đạp. Nhiều thầy cô giáo và đám sinh viên từng năn nỉ bã bọt mép, chị Thảo mặt sắt nhà ta cứ trơ trơ, không hề lay động. Tôi cùng thầy Nguyễn Văn Vy đồng hương chung phòng và tay Đào Gia Thiệp đồng hương bộ đội đi học nghĩ ra kế, hối lộ. Biết thị nghiện thuốc lá nặng, cứ độ vài tuần lại dúi cho gói Hoa Mai hoặc Vàm Cỏ khét mù. Tệ nạn hối lộ tham nhũng cứ thế diễn ra đều đều, tiếc tiền một tí nhưng có kết quả. Tha hồ xem phim, gần thì rạp ở Cao Thắng quận 3, xa thì Văn Hoa Đa Kao mãi tuốt Trần Quang Khải quận 1, trễ mấy cũng lọt. Hồi đó giáo viên dù không nghiện vẫn được phân phối thuốc lá, tháng 5 bao. Thuốc Vàm Cỏ thì thôi rồi, để đốt cháy hết một điếu có khi phải tốn chục que diêm. Đến nỗi có câu vè “Hay là Vàm Cỏ là sông/Bởi thủy kỵ hỏa nên không cháy đều”. Lại rất hay bị mốc nữa. Cuối năm 1980, tôi làm đám cưới, tất nhiên là cưới vợ tôi bây giờ, được ông Kình đồng hương làm trưởng căng tin Trường đại học Sư phạm thương tình bán rẻ cho một tút (cây, 10 bao), gồm 5 gói Hoa Mai, 5 gói Vàm Cỏ. Tiêu chuẩn tôi và thầy Vy thêm được 10 gói Vàm Cỏ nữa, cũng tạm đủ. Tiêu chuẩn thuốc của Thiệp vẫn phải dành để hối lộ đồng chí Thảo mặt sắt. Cả hội trường đám cưới ở thư viện 91 Nguyễn Chí Thanh cứ như bếp ăn tỏa khói mù khét lẹt.

Trong nhóm bảo vệ khu 43-45 còn có nhân vật nữa là anh chàng Đắc. Y là cháu của bà Châu công tác ở văn phòng 2 của Bộ, nên bà đưa vào. Bà lại là phu nhân của thầy Nguyễn N. hiệu phó trường tôi. Bởi thế Đắc rất hách, một dạng tiểu nhân đắc chí, đúng như cái tên. Tay này, dù có thừa thuốc khét chúng tôi cũng chả hối lộ. Một dạo, trong khu tập thể xảy ra hàng loạt vụ mất trộm. Do không có nhà để xe nên những anh chị em giáo viên ở tầng cao 3, 4, 5 đành để xe ngay dưới sân, khóa lại. Ban đêm cổng lớn đã khóa nên cũng hơi yên tâm. Vài người có xe máy Honda Dame hoặc 67 đương nhiên phải để dưới đất, cũng chỉ khóa cổ khóa càng. Rồi một hôm, gần 3 chục chiếc xe đạp bị mất… yên. Nó không lấy nguyên xe, chỉ thó cái yên. Chịu, không biết là ai, đành ra chợ phụ tùng gần bệnh viện Chợ Rẫy mua yên lô về lắp chạy tạm. Bẵng đi được gần tuần. Mấy hôm sau, tên trộm xơi luôn của mấy bác nhà giàu xe máy gần chục cái bình xăng con. Tới lúc ấy thì hoảng, nhưng tổ bảo vệ của khu nhà cứ khăng khăng không có ai vào, cửa vẫn khóa kỹ. Tôi bàn với thầy Vy và anh Đinh Duy Chúc người Tày bộ đội đi học được ưu tiên ở bên dãy nhà giáo viên, nghi thằng Đắc lắm, không nó thì còn ai vào đây.

Đêm ấy, khoảng giờ Sửu, tầm 2 rưỡi, tôi lắp đạn vào khẩu K44 nhẹ nhẹ từ lầu 4 xuống. Vắng ngắt. Dù có súng nhưng vẫn chờn chợn. Chỗ giáo viên thường hay để xe đạp cũng vắng tanh. Đang định đi lên chợt thấy cái đầu thụp xuống ngay khe vòi nước. Nhìn kỹ hóa ra đồng chí Đắc. Tôi cũng run, nhỡ nó liều xông vào cướp súng thì bỏ mẹ. Quát, ai, nó đứng lên cũng run, bảo Đắc đây. Tôi hỏi ông làm gì giờ này, nó nói lấy tí nước, mà rõ ràng tay lại cầm cái mỏ lết. Đành nói ông về khu A đi, đừng mò vào trong khu B này nữa. Y thấy mình có súng chắc cũng chợn, còn mình lên lầu cũng toát mồ hôi. Nhỡ mình hôm ấy hăng, lại cướp cò thì án mạng, mà biết đâu nó liều giáng cho phát mỏ lết thì cũng toi đời. Từ nấy, có nhẽ y cũng sợ, không dám làm thêm vụ yên xe đạp hoặc bình xăng con nào nữa. Tới năm 1992 tôi xin nghỉ dạy, đem khẩu K44 sang trả trường, giữ lại băng đạn làm kỷ niệm. Tới năm 2000 chuyển nhà, sợ mắc tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, liền đem băng đạn vàng chóe ra công an phường, bảo là nhặt được, nộp các đồng chí. Phường khen rối rít, ai cũng có ý thức về an ninh trật tự như anh thì đỡ cho chúng tôi quá. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

1 nhận xét: