Trang

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

Súng nào mà chẳng là súng nhưng cần biết phân biệt

Nhiều bản báo (in và điện tử 4.0) hôm 24.8 có cái tin về tay tổng thống độc tài ăn gian ở Bạch Nga Belarus sợ người biểu tình nên phải kè kè khẩu súng trên người. Sao chưa thấy các nhà lãnh đạo xứ ta gửi điện chúc mừng “dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đồng chí, chúc đảng và nhân dân giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa” nhỉ. Hay là sợ dây với hủi.

Khẩu súng mà y đeo là khẩu AK, của nhà chế tạo Kalashnikov, loại tiểu liên lừng danh thế giới. Khổ, súng ấy thì ai chả biết, đến đứa trẻ con nó cũng rành AK là tiểu liên, vậy nhưng các bố báo nhà ta thì cứ gọi là súng trường, súng trường AK.

Nó là thế này. Lâu nay cách gọi vũ khí súng đạn ở xứ ta phần lớn thông qua từ Hán Việt. Căn cứ vào hình dạng khẩu súng và tính năng, đặc điểm của nó mà đặt thành tên. Nào là: hỏa tiễn, đại bác, lựu pháo, cao xạ, đại liên, trung liên, tiểu liên, súng trường… Gọi là tiểu liên, trung liên… bởi căn cứ vào khả năng bắn liên tiếp và độ to của nó. Tiểu liên có băng đạn vài chục viên, bóp cò mà giữ cò thì ra xổ cả tràng. Bộ đội ta, có những anh rất giỏi, dùng được cả tiểu liên để bắn điểm xạ, trúng phát một. Trung liên to hơn một chút, có hai càng để dựng cho vững, hộp đạn tròn chứa cả trăm viên. Anh hùng Bế Văn Đàn đã “lấy thân mình làm giá súng” cầm hai càng trung liên cho anh Pù bắn (có câu hát: hoa ban chan bao nước mắt anh Pù, nhưng gần như chả ai biết anh ấy) bởi lúc ấy chiến hào không có chỗ đặt.
Đại liên thì khiếp hơn, nòng to tới cỡ 12,7 ly, tút to bằng nửa cổ tay trẻ con , bắn liên thanh nghe rất kinh. Hồi 12 ngày đêm tháng 12.1972, có tiểu đội tự vệ trên nóc nhà dùng súng 12 ly 7 góp phần bắn rơi cả máy bay F111A cánh cụp cánh xòe. Liên là vậy. Càng về sau, do chịu ảnh hưởng của thực tế nên có thêm những tên mới như súng ngắn, ba zô ka, DKZ, súng cối, rốc két, nghe nôm na hoặc hiện đại hơn. Hàng không mẫu hạm được gọi thành tàu sân bay, tiềm thủy đĩnh thành tàu ngầm…, dễ hiểu mà lại trọng tiếng Việt.

Những khẩu súng cá nhân dài được gọi là súng trường. Trường nghĩa là dài. Có những khẩu dài cả mét, hơn 1 mét. Đối lập với súng trường (dài) là súng ngắn, thường chỉ bé bằng bàn tay, lắp 6 viên đạn nên chết tên thành súng lục. Súng dài dành cho lính, súng bé cho sĩ quan. Cũng như chế độ ăn uống vậy, lính ăn đại táo, quan ăn tiểu táo. Táo là nhà bếp, nhà ăn. Cái nhà ăn to chứa vài chục người, hoặc vài trăm người gọi là đại táo (bếp lớn), lính kéo nhau tới đó ăn tập thể. Ăn chung nên phải có quy tắc dùng hai đầu đũa cho vệ sinh. Một trong những bài học đầu tiên của đời bộ đội là tập ăn hai đầu đũa, sau đó là gấp chăn màn cho thật nhanh và vuông vắn. Nhà ăn càng nhỏ, tiểu táo, thì tiêu chuẩn càng to, thức ăn ngon và nhiều, chỉ sĩ quan mới được hưởng. Nhiều người không biết, cứ tưởng ăn đại táo thì sang quá, sướng quá còn gì. Các bác sĩ quan nhà ta cứ thích ăn riêng cho sang cho oai, đúng đẳng cấp, không thích chan hòa với lính vì vậy lính chỉ sợ chứ không nể. Phải như Ngô Khởi thời Chiến quốc, ăn chung với lính, nặn nhọt cho lính nên khi ra trận đứa nào cũng liều chết vì tướng quân.

Súng trường ban đầu thường chỉ bắn phát một, không có hộp đạn, chẳng hạn súng kíp của người thiểu số (họ tự chế để đi săn), súng mút cơ tông (mousqueton) thời Pháp. Cứ bắn một phát, lại phải kéo quy lát cho vỏ đán văng ra, nạp đạn mới vào rồi bắn tiếp, rất chậm, mất thời gian. Tuy nhiên, khi đấu với vũ khí thô sơ như giáo mác thì nó lại vô cùng khủng khiếp. Trong “Việt Nam sử lược”, cụ Trần Trọng Kim có chép rằng, chỉ với 7 tên lính Pháp trang bị súng trường mà trong buổi sáng nó chiếm được thành Ninh Bình có cả mấy trăm quan quân triều đình nhà Nguyễn đóng giữ. Thời Việt Minh kháng chiến chống Pháp, vũ khí cá nhân chủ yếu là súng trường, một phần cướp được của Pháp, phần khác do Liên Xô, Trung Quốc viện trợ.

Có súng trường là quý lắm rồi. Hồi tôi còn nhỏ học cấp 1, trong sách tập đọc in nhiều bài ca ngợi vệ quốc quân, du kích quân đánh giặc cả bằng mã tấu, cuốc thuổng gậy gộc, thậm chí bằng cả trái mù u, là bài “Trận địa mù u”. Chẳng biết có thật không, thấy tả rằng trái mù u tròn to như quả táo ta, rất cứng. Mà cứng thật, hồi bé tôi thường lấy quả mù u khoét bỏ ruột ra, làm còi thổi, kêu điếc tai. Du kích đem rải mù u trên đường rồi phủ rơm lên, dụ bọn giặc vào. Chúng có mắt như mù tiến tới, đạp phải trái mù u bị ngã chổng kềnh, quân ta xông ra chém chết, cướp súng, thắng lợi vang dội. Trái mù u cũng đánh giặc, giống như sau này ở miền Nam con trâu húc thủng bụng lòi ruột bọn lính Mỹ đi càn về khiến chúng xô nhau chạy, thất bại thảm hại. Ong cũng giác ngộ cách mạng, biết đốt giặc, biết tránh không đốt quân ta. Ấy là cũng do sách giáo khoa kể. Nhiều đứa thế hệ tôi xung phong đi bộ đội có nhẽ cũng một phần nhờ tấm gương đánh giặc của các đồng chí mu u, đồng chí trâu chứ đâu phải chỉ có Lê Mã Lương, Vương Đình Cung, Nguyễn Văn Trỗi…(còn tiếp).

Nguyễn Thông

4 nhận xét:

  1. Nhờ bác Thông, tớ mới biết được đây là trái mù u, và có cả trận địa mù u nữa . Ngày trước sách giáo khoa do nhà giáo nhân dân Phạm Toàn soạn ra in trên giấy xấu, lúc đọc bài, thằng được đọc cứ "mờ u" làm cả đám cứ thắc mắc mãi "mờ u" là cái gì . Ngày xưa chưa đổi mới nên không biết được trái "mờ u" là cái lon cô công an như bây giờ .

    Trả lờiXóa
  2. "súng ngắn, thường chỉ bé bằng bàn tay, lắp 6 viên đạn nên chết tên thành súng lục"

    Tớ biết bác Thông hổng quan chọng hóa chiện đúng-sai, mọi việc đều có cuộc sống hợp lý chọn lọc, mình hổng cần phải si nghĩ nhiều làm zì. Nhưng nếu lỡ bác hơi hơi quan tâm tới đúng sai thì súng ngắn hàng trăm loại, chỉ có đúng 1 loại revolver là chỉ nạp được 6 viên đạn, nạp đạn vào vòng quay . Còn các loại khác, tùy loại có thể tới 22 viên hoặc nhiều hơn . Với các loại cải biên, có loại chứa được khoảng 100 viên . Loại 6 viên thường được dùng trong các phin ku bò (cow = bò, boy = thằng ku) & các phin có màn russian roulette, còn các loại khác thì dùng chong các phin khác . Nhưng cũng có 1 số nhân vật vưỡn dùng súng ku bò . Bất tiện ở chỗ đối thủ biết mình hết đạn hay chưa, trong khi các loại khác thì ... mù . Muốn biết hết đạn hay chưa phải biết được loại súng ngắn gì, và có mod hay không . Thường mỗi khẩu như vậy, giá chót cũng ôm được 15-20 viên có nghĩa bắn dài hơn . Cứ đếm đạn của nó thì tới phiên mình lãnh 1 viên về với Bác Hồ ở chỗ Mác-Lê lúc nào hổng biết .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Nặc Danh 02:31 này chắc là dân miền Bắc XHCN! Chứ loại súng ngắn 6 viên này gọi là súng rouleau dùng cho cảnh sát VNCH và trong các phim cao bồi của Mỹ. Còn súng Lục có băng đạn gắn vào chỗ cán cầm!

      Xóa
  3. mỗi nơi lại gọi súng một tên khác nhau

    Trả lờiXóa