Hồi xưa ở miền Bắc, lứa sinh từ giữa thập niên 50 trở về sau tới thập niên 70, trước khi vào lớp 1 (hệ 10 năm theo kiểu Liên Xô) đều phải mất 1 năm tới lớp hẳn hoi để vỡ vạc chữ quốc ngữ (tiếng Việt). Khóa đào tạo đặc biệt ấy được gọi là lớp vỡ lòng. Ông anh họ tôi vốn hiệu trưởng trường cấp 1 xã, đùa bảo là lớp vỡ thình, ví như con chim non suốt tháng đầu được bố mẹ bón ăn, tới khi vỡ bọng cứt (thình là cái bọng cứt) thì mới có thể ra ràng bay khỏi tổ được. Nửa năm đầu học vần (tên gọi vỡ lòng), nửa năm cuối học viết chữ (tập chép).
Gõ đầu bọn trẻ ranh là thứ việc cực kỳ vất vả. Chúng là loại đối tượng rắn mày rắn mặt, còn khó dạy hơn cả thế lực thù địch bây giờ. Đứa nào đứa nấy mắt đầy dử (trong Nam gọi là ghèn), mũi thường trực thò lò hai dòng xanh lè, chốc đầu tinh những gầu và chấy, hay đánh gãy bút chì, uống nước lã thành thần, có đứa còn lén giấu khoai sống đem vào lớp ăn. Ngủ gật hơn cả đại biểu quốc hội. Trốn học như ranh. Gần như không đứa nào tử tế, mà dính đầy phốt, thậm chí quá nhiều tiền án tiền sự (đánh nhau, vặt trộm ổi táo nhà người ta, ném nhãn đình, tuốt đòng đòng ruộng hợp tác, mải chơi để trâu ăn mạ, đi rình ngó trộm các đôi trai gái ngắm trăng bên bờ cừ…).
Nhẽ ra phải cử các quản ngục về trị dạy bọn này, nhưng thầy giáo, người thầy đầu tiên, vỡ thình cho chúng tôi lại là hai ông giáo làng, hai ông già, cụ Bạt và cụ Mông. Hiền hậu, đĩnh đạc như hai ông bụt. Hai cụ vốn cũng chỉ nông dân làng, hồi nhỏ được học chữ quốc ngữ, hết sơ học yếu lược (primaire), rướn thêm chút nữa, sau có “bằng” certificate (sơ đẳng tiểu học) như lớp 3 bây giờ, rồi kịch trần ở nhà tiếp tục… làm ruộng. Chỉ học bấy nhiêu thôi nhưng tinh thông có kể, thứ gì cũng biết, tiếng Pháp làu làu, chữ viết tuyệt đẹp. Cụ Bạt, quên, thầy Bạt, viết phấn lên bảng chữ giống như người ta in lên chứ không phải bằng tay, bằng chằn chặn, nét đậm nét nhạt, chữ hoa chữ thường, đúng kiểu Pháp. Cụ Mông cũng thế, cụ còn thạo cả những hát ả đào, hát nhà tơ, hát chèo xẩm đủ làn điệu, chả khác gì nghệ nhân dân gian.
Buồn cười nhất là năm 1960 tôi được vinh dự tuyển thẳng vào lớp vỡ lòng (nói sĩ diện thế thôi chứ cứ già 5 tuổi là vào) thì bu tôi cũng học lớp bình dân học vụ. Ban ngày thầy Bạt thầy Mông dạy dỗ đe nẹt thằng con, buổi tối hai cụ lại dạy cho bu nó. Tối nào cụ Mông bận thì thêm cụ Thẫn dạy thay, có hôm cả cụ Ỷ em cụ Mông đứng lớp giùm. Cụ Thẫn cũng là một người đa tài, nghệ sĩ chân đất, chỉ phải cái hơi khó tính. Cứ tối tối, tôi xách cái đèn chai theo bu tôi ra lớp học ở nhà ủy ban, ngồi chầu hầu nghe các cụ đánh vần. Thầy Mông còn dạy các cụ hát nữa, nhưng không phải chèo hay xẩm, mà là bài “Hò kéo pháo” cải biên, tới giờ tôi vẫn nhớ (công nhận trí nhớ mình khiếp thật): Tờ i ti này, đến lớp ta học đi nào. Tờ i ti này, đến lớp ta học ta viết. Mắt kém, tay run, nhưng lời bác khuyên thì ta cương quyết. Nhà neo, con mọn, học là xây dựng nước non nhà”. Hát xong thì tan học, tôi lại xách đèn theo bu về nhà.
Bu tôi chỉ học đọc được mặt chữ, đánh vần được tên sách báo, biết tính nhẩm, rồi tự… tốt nghiệp. Bu bảo, nông dân học làm gì nhiều cho phí chữ. Tôi thừa hiểu, bu tôi tiếc công tiếc việc, mỗi buổi tối biết bao là việc nhà, ngồi học trên lớp xót lắm. Còn một lý do nữa, bu tôi tiếc dầu, cả nhà mỗi tháng được phân phối có lít rưỡi, đi học đốt đèn chong chong sáng rực thế thì bằng đốt tiền. Về sau, hình như không được văn ôn võ luyện, hình như bu tôi, cũng như dì Được, thím Chung, cô Yên, bà Đẹn, bà Moi, bác Mú… đều quên tiệt, trả hết chữ cho thầy Mông thầy Bạt. Nhưng tính nhẩm thì có khi còn hơn cả giáo sư Ngô Bảo Châu. Bu tôi ngoài việc đồng áng có mở quầy tạp hóa, tính nhẩm tiền cấm sai bao giờ. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
việc gì làm nhiều cũng thành giỏi, tính nhẩm cũng vậy
Trả lờiXóa