Trang

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2020

Nền giáo dục thụt lùi

Thỉnh thoảng dư luận xã hội lại rộ lên những chuyện về giáo dục, đủ mọi buồn vui, nhiều điều cười ra nước mắt. Nào quan chức quản lý giáo dục chẳng khác chi bụt đất, lúng ta lúng túng trong chiếc áo cơ chế, không có cách nào đột phá, thay đổi được những trì trệ hủ bại đã tồn tại suốt mấy chục năm. Nào trường không ra trường, lớp chả ra lớp, thầy chẳng ra thầy, trò cũng không ra trò. Nào thi cử lằng nhằng tốn công tốn của mà tiêu cực vẫn hoàn tiêu cực. Nào chương trình lạc hậu, sách giáo khoa độc quyền bòn rút túi tiền dân, giáo sư tiến sĩ giấy nhiều như lợn con vẫn chẳng nên cơm cháo gì… Bao nhiêu thứ xám xịt bôi lem bôi luốc bộ mặt giáo dục nước nhà, kéo dài hơn nửa thế kỷ.

Đôi khi ta nghe chút ai đó ngậm ngùi khi so sánh nền giáo dục của chế độ này với giáo dục thời thuộc Pháp hoặc thời Việt Nam cộng hòa. Cũng khó nói bởi “không có cái gì là toàn vẹn”, nhưng phải thừa nhận giáo dục cộng sản thua kém rất nhiều, nhất là so với thời Pháp. Nền giáo dục vốn bị cộng sản coi là thực dân, vong bản, mất gốc ấy đã tạo nên những cột mốc tày tặn, giá trị vững chắc cho đất nước này, mà không biết đến bao giờ mới lập lại được. Học vấn của những người ngồi trường Pháp, có nhẽ chả cần bàn cãi nhiều. Nền tảng đạo đức được tạo dựng ở mỗi con người, cũng không cần bàn. Tôi chỉ đưa ra một tiểu tiết để thấy cách giáo dục thời Pháp rất tuyệt vời: tất cả những ai học trường của nhà nước khi ấy, dù ở bất cứ đâu trên đất Việt, đều giỏi cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, và độc đáo nhất là chữ viết đều rất đẹp, giống nhau y đúc, bất kể do thầy nào dạy. Tôi cam đoan, nền giáo dục bây giờ, với những ông trùm như ông Nhân ông Nhạ, thì một tỉ năm nữa cũng không thể làm được “tiểu tiết” ấy.

Năm 1977, tôi vào Nam dạy học. Những đồng nghiệp tôi, vốn là thầy cô giáo từng dạy trong nền giáo dục Việt Nam cộng hòa, được cách mạng ban ơn gọi là “lưu dung”, sau khi lăn lộn vài năm với nền giáo dục mới, đã rất nhiều lần nói với anh em bắc chúng tôi, giáo dục kiểu này không khác gì hàng tôm hàng cá, cái chợ buôn bán lọc lừa giả dối, chứ không phải giáo dục thật sự, kiểu gì rồi cũng đi xuống. Sực nhớ trước năm 1975 ông Vũ Hạnh có cuốn sách mỏng “Ngôi trường đi xuống”, giờ vận vào đúng là đi xuống thật, trong nền giáo dục có tên cách mạng.

Người ta nhân danh giáo dục để áp đặt thủ thứ quy định cực kỳ vô lý, bất công. Phe thắng cuộc làm tất cả những gì để ưu đãi phe mình, chả đếm xỉa tới cái chung là đất nước, dân tộc, tương lai. Họ lập ra những trường chuyên biệt, ưu tiên cho “đối tượng chính sách”, không cần tới thực chất. Tôi kể chuyện này, năm 1984, tức gần 10 năm sau “giải phóng”, trường tôi buộc phải nhận chỉ tiêu 3 thí sinh ở đảo Phú Quốc là con cán bộ tại chỗ, thi vào Trường đại học Y, tổng điểm chỉ 5 điểm. Thầy Năm hiệu trưởng trường tôi than trời, nói rằng điểm thế này mà cho nó học y ra làm bác sĩ thì để nó giết người à. Trên văn phòng bộ trả lời thấp cũng phải nhận, chỉ có nó tốt nghiệp mới chịu về đảo.

Trong khi thoáng với “đối tượng chính sách” thì nhà cai trị lại cực kỳ khắt khe, thậm chí tàn ác với người tài, chỉ bởi lý do dính dáng tới chế độ cũ. Quá nhiều vụ xung quanh chuyện này. Chỉ đơn cử vụ ồn ã một thời. Thí sinh Nguyễn Mạnh Huy ở tỉnh Nghĩa Bình (Bình Định bây giờ) 3 lần thi đại học đều đạt điểm rất cao nhưng vẫn bị loại do có cha là “lính ngụy” đã chết trận. Cộng sản đã căm thù ai thì tới tận xương tận tủy, thiếu điều đào đất đổ đi, cái vết chân trên đất cũng không còn. Cánh cửa vào đời đã đóng sập với Huy, với hàng vạn thanh niên như Huy. Điều may mắn là trong bộ máy mới vẫn có những người tốt. Ông Nguyễn Công Khế năm 1987 là tổng biên tập báo Thanh Niên đã chỉ đạo tờ báo đấu tranh cho bằng được, trả lại chỗ đứng cho người tài. Nói không quá đáng, chính ông Khế vung nhát xẻng đầu tiên và cuối cùng phá tan chính sách tuyển sinh tàn bạo, chứ nếu nó còn tồn tại tới bây giờ, chưa biết nước này, nền giáo dục này còn lụn bại đến đâu. Cũng như về sau ông đi đầu trong việc chống tội phạm xã hội đen (vụ Năm Cam), chống quan lại tham nhũng (vụ PMU18). Ông đã phải trả giá khi làm điều tốt trong chế độ này. Tiếc rằng thời nay người làm báo, cầm đầu báo như thế không còn nữa, một chút hồi quang cũng không còn.

Nguyễn Thông

1 nhận xét: