Trang

Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

Sướng

Đọc câu của ông cụ lão tổng chủ (tối nghe trên tivi, sáng đọc trên báo): "Có lẽ chính vì vậy, Đại sứ EU tại Việt Nam đã cho rằng "Được ở lại Việt Nam thời dịch là một may mắn xa xỉ", sực nhớ hồi chiến tranh, trên đất Bắc người ta loan truyền câu nói tâm trạng của một bà nghe đâu dân Thụy Điển (nơi sướng nhất thế giới): "Chỉ ao ước sau đêm ngủ, sáng dậy thấy mình thành người Việt Nam".

Bà Thụy Điển sau này có tự chuyển hóa, tự diễn biến hòa bình thành người Việt Nam không thì chẳng ai rõ, chỉ có điều sau năm 1975 có mấy triệu người Việt không phải sau một đêm ngủ mà sau cả trăm đêm ngàn đêm vật lộn với cái chết trên biển khơi đã "may mắn xa xỉ" thành người xứ lạ.

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Người trẻ

Hôm qua tôi coi tivi mậu dịch (ối giời ôi, chết cái nết không chừa thói nghiện tivi). Trong một cuộc trao đổi về công nghệ giữa cô MC và hai ông quản lý mảng 4.0, tự dưng thấy rất có cảm tình với một ông trẻ.
 
Anh này tôi còn nhớ láng máng tên Ngô Hải Phan, đóng hàm Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ). Mặc dù ai cũng biết những cuộc trao đổi thế đều có sự chuẩn bị trước nhưng rõ ràng với tất cả câu hỏi, kể cả những câu bất ngờ, đột xuất của MC, anh vụ trưởng trẻ đều trả lời rất cụ thể, lưu loát, có số liệu rất chi tiết... Tất cả đều nói vo, tự nhiên, không cần ngó giấy má chi hết.

Dĩ nhiên không phải cứ ăn nói giỏi thì là người giỏi. Trên đời, đầy ông bà thao thao bất tuyệt, nói năng như nước sông Hồng mùa lũ nhưng thực chất rỗng tuếch. Hôm kia, trong chương trình Cất cánh, có một ông lên ca rằng chúng ta đã thắng lợi vượt qua được thiên tai lũ lụt chưa từng có ở miền Trung. Lạ, thiên tai đến rồi đi, xảy ra rồi chấm dứt, nó có nằm ì ra đó cản trở ông đâu mà ông vượt với chả vượt, lại còn thắng lợi nữa. Đó là kiểu nói lấy được của hầu hết cán bộ trong bộ máy cầm quyền xứ này.

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

Danh tiếng để làm gì?

Trên tivi, báo chí quốc doanh đang thông tin về vụ phá đường dây buôn lậu xe hơi từ Lào về An Nam. Chính các cơ quan truyền thông báo chí mậu dịch nói rất rõ những chiếc xe lậu, trong đó có nhiều xe hạng sang như Lexus, Camry, Mercedes... được mua với giá rất rẻ bên đó, sang xứ ta đem bán giá cao gấp nhiều lần, thậm chí cả chục lần.

Buôn lậu đương nhiên là phạm tội, là vi phạm pháp luật quốc gia, cần phải trừng trị. Nhưng từ vụ này phát lộ thực trạng rất đáng lên tiếng.

Thực trạng ấy là gì? Hầu như ai cũng biết, lâu nay hai xứ Miên (Campuchia), Ai Lao (Lào) đều bị coi là vùng ven, chậm tiến, nghèo nàn, lạc hậu so với An Nam, đất Việt. Không chỉ dân chúng mà cả cán bộ ta cũng nghĩ vậy. Còn các nhà cai trị, họ thừa biết hai ông em dại đã ruổi nhanh vượt cả thằng anh nhưng họ cố ý lờ thực tế ấy đi, vì nhiều lý do. Tuy nhiên, thời buổi công nghệ thông tin, lại cộng thêm giao thương, quan hệ, đi lại rộng mở dễ dàng nên chẳng thể bưng bít, giấu được mãi. Lào và Cam bề ngoài vẫn tỏ ra nhún nhường, tôn trọng ông anh đầu đàn Đông Dương nhưng thực tế họ đã vượt lên bỏ anh xa lại đằng sau. Cả về thể chế chính trị và đời sống họ đều đã trên một vài bậc. Người dân của họ dễ thở hơn, cuộc sống khấm khá hơn, giá cả hàng hóa rẻ hơn, ngay cả bộ máy cầm quyền cũng có vẻ ít tham nhũng hơn, ít phải chống, đốt lò hơn, ít khiến dân khó chịu bực bội. Họ (Cam, Lào) không tuyên bố "độc lập, tự do, hạnh phúc" nhưng dân chúng nước họ đã thực sự có độc lập, tự do, hạnh phúc, chứ không phải bánh vẽ.

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2020

Trong cái rủi vẫn còn cái may

Suốt nhiều tháng qua, người ta khuyên nhau có làm gì, đi đâu thì cố ráng chờ qua đại hội đảng đã, chờ họ đại hội đảng xong đã. Trên tivi, báo chí luôn ra rả tăng cường cảnh giác các thế lực thù địch chống phá đại hội đảng, tung tin thất thiệt, xuyên tạc về nhân sự đại hội; nghe ông Việt Cường của chương trình Đối diện trên tivi dẩu mỏ nói thì có cảm giác trời sập tới nơi rồi; các lực lượng chuyên chính như quân đội, công an, cảnh sát cơ động, thậm chí cả đặc công cũng được quán triệt phải bảo vệ đại hội để "thành công tốt đẹp"... Nói tóm lại, chỉ thấy rất bất an, đầy rẫy lo lắng.

Lại nghe họ khoe nhân dân hân hoan phấn khởi lập thành tích chào mừng đại hội, chào đón đại hội, có tới 93% được hỏi rất đồng tình với đảng về đủ mọi mặt, về đường lối chính sách. Cụ tổng chủ liên tục đăng đàn ca ngợi, khiến người nghe có cảm giác chưa đại hội nhưng đã tiến lên được chủ nghĩa xã hội rồi, cụ và các đồng chí của cụ lại còn vạch ra đến năm 2030 thì thế nào, 2045 thì ra sao, đạt hạnh phúc dễ như trở bàn tay, móc từ trong túi ra vậy. 

Đời tôi đã trải qua 10 cái đại hội của họ (từ đại hội 3 năm 1960) nên biết thế nào là thực chất, lúc đầu thì còn tin, sau niềm tin cạn dần, bây giờ thì mất sạch. 

Đảng nào cũng phải đại hội, đó là chuyện bình thường. Nhưng giá họ chỉ chọn người cho chính họ, cho đảng của họ thì chả có gì đáng nói, đằng này lại đòi chỉ định người lãnh đạo đất nước, nhân dân. Suốt bao tháng trời, cứ dấm dúi, ngấm ngầm, họp riêng, bàn kín, dân vẫn không biết ai sẽ là người lãnh đạo mình.

Nhiều lúc phải tự an ủi, thôi thì trong cái họa còn có cái phúc, trong sự rủi vẫn còn điều may. May phúc ở chỗ 5 năm họ mới mở đại hội một lần, chứ nếu mỗi năm lại rình rang đại hội, chắc dân chả làm ăn gì được, ngồi vỗ tay chào mừng với cái bụng đói.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2020

Gửi nhà văn quốc doanh (kỳ 4, cuối)

Một nước, một dân tộc không thể thiếu nền văn hóa. Văn học văn chương là cột trụ của nền văn hóa ấy. Nước Nam ta, bao đời nay theo dòng thời gian trôi đi, trôi mãi không ngừng, các sự kiện, vĩ nhân, anh hùng, dấu mốc lịch sử, khúc ngoặt khúc quanh dần chìm khuất, thậm chí mất hẳn sau lớp lớp sóng xô, nhưng văn chương tinh hoa vẫn tồn tại, còn mãi với đời. Người ta gọi đó là giá trị trường tồn.

Điều dễ nhận ra, những tác phẩm sinh nở từ cuộc sống hiện thực, phản chiếu bức tranh xã hội cụ thể, chứa những mảnh đời, thân phận, buồn vui trong chính thời đại mà người cầm bút sống, từng trải, chiêm nghiệm, mô tả, biên chép; những trang viết ròng ròng máu, mồ hôi, nước mắt, đầy tiếng khóc tiếng cười, thì thường thọ lâu bền hơn so với thứ văn chương hư cấu, tưởng tượng. Ngay cả Truyện Kiều, dù lấy cốt từ văn học lịch sử Tàu thì bức tranh xã hội mà cụ Tiên Điền mô tả vẫn là xã hội cụ đang sống, đang trôi từng ngày trong đời cụ, như chính cụ thổ lộ “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Đành rằng những tác phẩm hư cấu, tưởng tượng, không gắn với hiện thực đang tồn tại cũng có nhiều cái hay riêng của nó, nhất là điều được gọi là “giá trị nghệ thuật”, nhưng quả thật để tạo nên sự lay động lòng người, khiến người ta phải khóc cười thì văn chương phi hư cấu mới làm đầy đủ. Thứ văn ấy là văn trong sử, văn chứa sử, chứa bóng dáng thời đại qua mỗi chặng đường xã hội.

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2020

Vén hỏa mù, tìm thủ phạm

Bây giờ thấy quan chức, báo chí lẫn dư luận xã hội cứ bàn qua bàn lại, đổ tới đổ lui trách nhiệm và cái sai của các đối tượng: nhà nước, chủ xe công nghệ Grab, người chạy xe Grab. Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay, chẳng biết đường nào mà lần.

Nhưng có điều rõ nhất, dễ thấy nhất thì không ai bàn: người dân sử dụng dịch vụ vận chuyển bị thiệt, bị móc túi; phải trả thêm tiền cho cùng chuyến xe, cùng chặng đường so với trước. Nói túm lại, chỉ có người tiêu dùng - dân chúng, là thiệt. Cách gì cũng thiệt quyền lợi khi dính với nhà nước. Thế mà quan phụ mẫu luôn kêu gào 4.0, ưu tiên phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, hạ giá thành, vì dân cho dân...

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2020

Thay thảm đỏ bằng bàn chông

Mấy quan lớn làm chính sách cho nhà nước, kể cả mấy ông bà chuyên về thuế, nên nhớ rằng giữa công ty taxi truyền thống và các doanh nghiệp chuyên kinh doanh dịch vụ vận tải, với xe công nghệ 4.0 khác nhau nhiều lắm. Đừng lấy lý do công bằng để cào bằng, để áp thuế như nhau, trong đó có thuế giá trị gia tăng (còn có tên tây là VAT) và thuế thu nhập.

Xe công nghệ dù được tổ chức và quản lý bởi các nhà đầu tư (nước ngoài) nhưng thực chất là sự tham gia theo kiểu "nhà nước và nhân dân cùng làm", huy động được các nguồn lực kinh tế-xã hội chưa được khai thác, góp phần làm giảm sự căng thẳng về vận tải, và quan trọng nhất là tạo công ăn việc làm, đem lại thu nhập cho người nghèo, người thất nghiệp, người thu nhập thấp, các sinh viên học sinh đang đi học muốn tự kiếm tiền trang trải chi phí, gánh đỡ một phần vất vả cho cha mẹ. Grab hay các hãng xe công nghệ khác mấy năm nay đã làm được cái việc mà nhà nước làm quá kém, đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho những người bị nhà nước bỏ rơi.

Hãng xe công nghệ, nhất là những người lao động của nó, chính là thứ đối tượng chính sách cần được ưu tiên, cần có sự phân biệt chứ đừng cào bằng. Nếu họ đã có công ăn việc làm ổn định như tài xế xe khách, xe đò, taxi của những công ty lớn thì họ chả chạy xe công nghệ làm gì cho sinh kế phập phù. Cứ lấy ngay ví dụ cụ thể, đánh vào túi, móc túi những đứa sinh viên tranh thủ chạy xe ôm công nghệ để có tiền trả học phí thì quả thật chính phủ ác lắm, ác vô cùng.

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2020

Sự nghiệp móc túi dân liệu có đời đời bền vững?

Từ hôm qua, 5.12 tây, các hãng xe công nghệ mà thời gian vừa rồi dân chúng rất ủng hộ và ưa thích (chỉ có chính phủ là không ưa thôi) đã buộc phải tăng giá, tức tiền phí sử dụng dịch vụ của họ. Đối tượng được nhắm đến là dân chúng, là người nghèo và cận nghèo (bởi nếu nhà khá giả thì đã có xe riêng, cán bộ thì đã có xe công của nhà nước), hay nói theo cách ngày xưa thì đó là bần nông và trung nông lớp dưới. Tức là móc túi dân, trấn lột người nghèo.
 
Đừng vội trút sự phẫn nộ lên các hãng xe công nghệ. Họ hoàn toàn không hề muốn làm vậy. Thậm chí họ còn có ý ngược lại, định ngày càng giảm giá tới mức có thể chấp nhận để 3 bên cùng có lợi: nhà đầu tư có lời, nhà nước thu được thuế, và quan trọng nhất là người dân được giảm chi phí dịch vụ khi đời sống còn nhiều khó khăn, đồng tiền kiếm ra ngày càng khó. Xã hội hạnh phúc không phải là thứ gì xa vời, lý luận suông chung chung, mà là đời sống dân chúng được dễ thở.

Thế thì sao lại tăng giá, lại công khai móc túi dân? Hãng công nghệ buộc phải làm thế bởi nhà nước, chính quyền bắt họ phải tăng. Nghị định 126/2020 của chính phủ ấn định tới ngày 5.12 phải móc túi dân, đố hãng nào dám chống. Làm ăn ở xứ này, không ngoan ngoãn trước nhà cai trị, chỉ còn nước bán xới đi ăn mày.

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2020

Gửi nhà văn quốc doanh (kỳ 3)

Có người bảo, việc thế sự nóng hổi sao lại cứ đòi hỏi nhà văn lên tiếng, thế nhà báo để làm gì. Đành rằng các nhà báo có nhiệm vụ bám trận địa hằng ngày, từng tháng, từng năm, nhưng để lay động tâm can dân chúng, vẽ lên bức tranh xã hội một cách đầy đủ, có chiều sâu, tạo hiệu ứng mạnh mẽ quyết liệt thì cần có nhà văn. Không lẽ nhà văn chỉ ăn theo nhà báo, chỉ ngồi trong phòng văn ngó ngắm “bức tranh vân cẩu, (vẽ) con người tang thương”, mặc cho cuộc đời điên đảo.

Nhân nhắc chuyện Đồng Tâm, Thủ Thiêm trước sự dửng dưng vô cảm lạnh lùng của hội nhà văn quốc doanh, của phần đông hội viên mậu dịch, cũng cần phải nói thêm, nói rõ rằng không phải nhà văn nào cũng chui vào vỏ ốc an toàn bản thân như vậy. Có nhẽ nhiều người từng đọc loạt bài phóng sự có tên “Đất Thủ Thiêm” của nhà văn Võ Đắc Danh. Anh Danh nổi tiếng với nhiều cuộc lăn xả phanh phui những vụ tham nhũng, cướp đất, hiểu thấu nỗi đau của dân oan, của con người hiền lành lương thiện bị cướp đoạt trắng trợn nhà cửa ruộng vườn đất đai tài sản. Những trang văn của anh nóng rực về xã hội đen tối, tàn ác, đầy máu và nước mắt, đầy bi kịch kéo dài suốt mấy chục năm qua. Phóng sự “Đất Thủ Thiêm” của anh vừa là lời tố cáo, hạch tội, vừa là sự chia sẻ chân thành với các nạn nhân, đăng trên nhiều kênh thông tin “không chính thống”. Điều may mắn cho giới cầm bút văn chương nước nhà là người dân Thủ Thiêm vẫn nghĩ đang có nhà văn đứng về phía mình, bênh vực cho mình, chứ không biết đội ngũ quốc doanh và Võ Đắc Danh khác nhau nhiều lắm, dù cùng mác nhà văn.

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2020

Gửi nhà văn quốc doanh (kỳ 2)

Nói thêm chút nữa về vụ ông trưởng ban tuyên giáo tới đại hội chỉ đạo, định hướng, dạy dỗ nhà văn phải thế này thế khác. Nếu đảng không bỏ được thói quen, lối mòn, tư duy lãnh đạo về văn nghệ thế kỷ 21 vẫn giống thời Nhân văn giai phẩm, thì nhà văn cần tỏ thái độ. Ông Thưởng hay ông gì gì đi nữa đăng đàn thuyết giáo cho bà con nông dân hoặc mấy chú chạy xe ôm ít chữ thì cứ tạm coi hợp đi, chứ với giới cầm bút thấy vênh quá. Sáng tác văn chương là thứ lao động đặc thù, không phải cứ có bằng cao cấp chính trị Nguyễn Ái Quốc là tới nói văng mạng được. Thiết nghĩ, nhà văn, dù là nhà văn quốc doanh, mậu dịch viên văn nghệ, cần biểu hiện dứt khoát trước những long trọng viên kiểu này. Các hội đoàn khác chả biết thế nào, chứ hội nhà văn nên có tiếng nói. Đừng để kéo dài “cái quay búng sẵn trên trời/mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”.

Hồi tôi đi học, từ cấp 2 tới về sau, luôn được nghe thầy cô giáo và các nhà lý luận văn nghệ khẳng định chắc nịch “nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại”, “nhà văn là người chép sử bằng hình tượng nghệ thuật”. Chúng tôi tin vào tín điều ấy khi đọc những Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Tú Mỡ, Tố Hữu…, rồi cả Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, Nhất Linh, Khái Hưng, Xuân Diệu, Huy Cận… (tác phẩm của những vị này dân chúng phải tìm và đọc lén, bởi bị nhà cai trị cấm một cách rất vô duyên). Nếu họ không mô tả, không lao vào cuộc sống, thì hậu sinh, thậm chí cả những người đương thời, sẽ chả biết cuộc sống tồn tại thế nào, thời đại đã quằn quại đau đớn ra sao, thân phận con người là thứ gì trong thời buổi hỗn loạn. Đọc tác phẩm của họ, người đọc biết chắc rằng các nhà văn nhà thơ, những “thư ký trung thành của thời đại”, những nhà “chép sử bằng hình tượng nghệ thuật” ấy đã sống hết mình với cuộc sống đương thời. Họ là nhà văn tử tế, có trách nhiệm với con người và cuộc đời, nhà văn đúng nghĩa. Sau này, trong cuộc nội chiến Bắc - Nam, cũng vẫn có những nhà văn đúng nghĩa như vậy, tôi lấy hai vị Phạm Tiến Duật, Nguyên Ngọc làm ví dụ.

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2020

Đổ thừa

Trong nam gọi là đổ thừa, còn ngoài bắc dùng từ đổ vạ. Tức là, biết rằng không phải thế nhưng cứ mồm miệng hàng tôm hàng cá nói lấy được, đổ tại lý do này lý do nọ chứ không phải tại mình.

Lâu nay, nhiều thế hệ cai trị cầm quyền ở xứ An Nam này, được sự xung kích tiên phong của các nhà lý luận (nước ta, thiếu gì thì thiếu, chứ lý luận bao giờ cũng thừa, sung mãn) hay nhắc tới từ “cấm vận”. Mọi khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, nghèo đói, lạc hậu, chậm phát triển, lè phè lạch bạch, thậm chí cả bất công, xáo trộn, bất ổn, họ cứ đổ tất cho “bị cấm vận”. Cấm vận trở thành cái thùng rác mang nhãn hiệu chính quyền, được lấy ra để đổ thừa cho thế lực thù địch, đồng thời che giấu những dở hơi, yếu kém, ngu dốt, bảo thủ, thất bại của nhà cai trị.

Sơ qua chữ nghĩa một chút. Cấm nghĩa là không cho phép, không cho làm (điều gì đó). Cấm cung là nơi vua ở, không cho những người khác tự tiện vào nếu vua chưa cho phép. Ngay cả quan thượng thư, tể tướng, quan đầu triều, hễ vua chưa vời cũng không được tự ý vào. Vua đang ngủ cũng phải đứng ngoài cấm môn (cửa cấm, không cho qua) mà chờ. Cấm địa là đất không cho ai qua lại. Nhiều trụ sở công an thời nay tự biến khu vực của mình thành cấm địa, hễ ai đi đường ngang qua chỗ đó mà vô tình dừng lại (nghe điện thoại chẳng hạn) thì có ngay anh lính tới đuổi như đuổi tà, ngoài ra còn công khai giăng biển báo cấm chụp ảnh, cứ như bên trong chứa kho vàng không bằng. Cấm dục là hạn chế tình dục. Chả hạn hai ông nào đó nói với nhau mày ạ tao bị bị bà xã nó cấm vận, rồi than thở biết sống làm sao đây.

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2020

Gửi nhà văn quốc doanh

Người xưa từng cẩn thận dạy đám hậu sinh, bằng cách nói hình tượng hay đáo để, rằng “con chim trúng “đạn” (tiễn, tên) sợ làn cây cong”. Thời bây giờ, nhìn cái gì cũng giống cánh cung. Nhà cháu cứ tiếp thu, không bổ ngang thì bổ dọc.

Chả là bữa trước, trúng ngày khai mạc hội văn bút quốc gia hoành tráng ở đê La Thành, quả nhân (người ít đức) đưa cái tút đụng chạm, thế là bị mắng tới tấp, kiểu như ông có chê cả làng vũ đại thì cũng phải trừ ABC ra chứ. Vậy nên lần này nhà cháu chỉ quan tâm tới mấy nhà văn quốc doanh, nhân viên văn mậu dịch thôi, kẻo những người có mác văn sĩ lại động lòng. Nói cho vuông, đâu phải cứ nhà văn là… xấu, như ta vẫn rỉ tai nhau, đảng viên cũng có ối người tốt. Ông em rể tôi, dù bị kết nạp đảng từ lúc chưa hiểu mấy về đảng, giờ đã hơn 40 tuổi đảng (rất kinh), nhưng công nhận tốt cực kỳ. Nhà văn cũng thế, tôi chơi, quen với nhiều người văn, già có trẻ có, biết và hiểu họ, văn lẫn người, thấy họ tốt lắm. Mà ngay cả văn sĩ thi sĩ quốc doanh vẫn không ít người tử tế đàng hoàng. Ông Nguyễn Việt Chiến thi sĩ ở thủ đô là một ví dụ. Ông em Nguyễn Một, bà chị Nguyễn Thị Ngọc Hải trong Sài thành là ví dụ nữa. Hôm trước, có may mắn gặp, trò chuyện, thậm chí còn liều bá vai bá cổ chụp ảnh chung với hai lão tướng Nguyễn Đông Thức, Lê Văn Nghĩa, về nhà ngẫm nghĩ mãi, sao các vị nổi tiếng tài hoa giỏi giang mà đức độ hiền lành khiêm tốn dễ chịu thế nhỉ. Tự cấu lên trán nhủ thầm, mình mà có cái danh của hai đấng bậc ấy lại chả một tấc đến giời.