Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2020

Gửi nhà văn quốc doanh (kỳ 2)

Nói thêm chút nữa về vụ ông trưởng ban tuyên giáo tới đại hội chỉ đạo, định hướng, dạy dỗ nhà văn phải thế này thế khác. Nếu đảng không bỏ được thói quen, lối mòn, tư duy lãnh đạo về văn nghệ thế kỷ 21 vẫn giống thời Nhân văn giai phẩm, thì nhà văn cần tỏ thái độ. Ông Thưởng hay ông gì gì đi nữa đăng đàn thuyết giáo cho bà con nông dân hoặc mấy chú chạy xe ôm ít chữ thì cứ tạm coi hợp đi, chứ với giới cầm bút thấy vênh quá. Sáng tác văn chương là thứ lao động đặc thù, không phải cứ có bằng cao cấp chính trị Nguyễn Ái Quốc là tới nói văng mạng được. Thiết nghĩ, nhà văn, dù là nhà văn quốc doanh, mậu dịch viên văn nghệ, cần biểu hiện dứt khoát trước những long trọng viên kiểu này. Các hội đoàn khác chả biết thế nào, chứ hội nhà văn nên có tiếng nói. Đừng để kéo dài “cái quay búng sẵn trên trời/mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”.

Hồi tôi đi học, từ cấp 2 tới về sau, luôn được nghe thầy cô giáo và các nhà lý luận văn nghệ khẳng định chắc nịch “nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại”, “nhà văn là người chép sử bằng hình tượng nghệ thuật”. Chúng tôi tin vào tín điều ấy khi đọc những Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Tú Mỡ, Tố Hữu…, rồi cả Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, Nhất Linh, Khái Hưng, Xuân Diệu, Huy Cận… (tác phẩm của những vị này dân chúng phải tìm và đọc lén, bởi bị nhà cai trị cấm một cách rất vô duyên). Nếu họ không mô tả, không lao vào cuộc sống, thì hậu sinh, thậm chí cả những người đương thời, sẽ chả biết cuộc sống tồn tại thế nào, thời đại đã quằn quại đau đớn ra sao, thân phận con người là thứ gì trong thời buổi hỗn loạn. Đọc tác phẩm của họ, người đọc biết chắc rằng các nhà văn nhà thơ, những “thư ký trung thành của thời đại”, những nhà “chép sử bằng hình tượng nghệ thuật” ấy đã sống hết mình với cuộc sống đương thời. Họ là nhà văn tử tế, có trách nhiệm với con người và cuộc đời, nhà văn đúng nghĩa. Sau này, trong cuộc nội chiến Bắc - Nam, cũng vẫn có những nhà văn đúng nghĩa như vậy, tôi lấy hai vị Phạm Tiến Duật, Nguyên Ngọc làm ví dụ.

Giờ thì khác. Chỉ riêng hội nhà văn quốc doanh được nhà nước che chở đã hơn nghìn hội viên. Suốt bao năm qua, xã hội nhiều biến động, đầy bi kịch. Người dân mất đất, tan cửa nát nhà ở khắp mọi nơi, dân oan khiếu kiện, cùng quẫn, bị xô đẩy vào “bước đường cùng” hầu như vùng nào cũng có. Phần tốt đẹp của cuộc sống thì đã được truyền thông độc quyền của nhà nước phản ánh ca ngợi từng ngày từng giờ, trên tất cả các kênh, và tất nhiên họ lờ đi, ỉm đi, lướt qua những mảng xám xịt, đen tối, bi kịch. Xã hội gần như chỉ biết trông chờ vào sự lên tiếng từ giới văn nghệ, bằng lời nói và tác phẩm. Và thất vọng. Điểm lại, hầu như không có tác phẩm nào về dân oan, viết về nông dân bị cướp ruộng đất. Văn chương quốc doanh rặt màu hồng, không hề thấy những anh Pha mới, chị Dậu mới.

Nói đâu xa xôi chi cho mệt, cứ ngay năm 2020 này thôi. Bi kịch Đồng Tâm sát nách đế đô đầy máu và nước mắt, oan khí bốc tận cao xanh, mạng người không bằng con kiến, cả xã hội sôi sục, lòng dân bất an. Trời cũng phải giận dữ. Chuyện đã gần năm tròn, sắp “kỷ niệm” đệ nhất chu niên sự kiện Đồng Tâm-cụ Kình, có nhà văn nhà thơ nào ra tác phẩm chưa? Không hề. Thậm chí lên tiếng vài ba câu bày tỏ thái độ cá nhân, viết mấy dòng tút trên phây búc, cũng không hề. Tôi thành thật xin lỗi nhà văn quốc doanh nào đã có lời về vụ Đồng Tâm - Nọc Nạn thời cộng sản mà tôi chưa có dịp đọc, chỉ mong sao có sự sót lọt vậy.

Nhìn xa chút nữa, 20 năm nay, gần như không mấy ai không biết chuyện đồng Nọc Nạn mới ở Thủ Thiêm Sài Gòn. Người dân thấp cổ bé miệng bị cướp đất trắng trợn, màn trời chiếu đất, nhà tan cửa nát, qua năm này năm khác. Nỗi đau Thủ Thiêm không còn nằm trong phạm vi vùng đất, cộng đồng nhỏ, mà đã mang tính quốc gia, toàn dân. Thậm chí thế giới cũng biết, cũng lên tiếng. Thủ Thiêm giờ đây, dưới mắt nhà cai trị là khu đô thị mới, còn trong hồn dân chúng là nỗi đau triền miên, bi kịch chồng lên bi kịch. Cả nước biết, ai cũng tỏ, chỉ riêng nhà văn quốc doanh không biết. Hai chục năm, hai thập niên ròng ròng hiện thực bi kịch đen tối, tịnh không có một phóng sự, ký sự, truyện ngắn, tiểu thuyết, bài thơ… của họ về Thủ Thiêm. Hay là họ có quan tâm, nhưng còn thai nghén, để nếu tác phẩm có ra đời thì nó phải hoành tráng, trường thiên, vang động đất trời, “thiên đoàn bách luyện, ngữ ngữ kinh nhân” (rèn luyện trăm nghìn lần, mỗi lời làm mọi người kinh sợ), đoạt giải Nobel… Cứ thai nghén, chửa trâu mãi như thế, dân chúng và cuộc sống biết đợi đến bao giờ. Thứ thiếu nhất ở các mậu dịch viên văn là “mỗi câu viết ra như có máu chảy ở đầu ngọn bút”, họ không có nên họ đã im lặng. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

1 nhận xét: