Trang

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2021

Không bằng trẻ con

Ai không bằng? Đó là đám người nhớn, lại cầm quyền, giành phần lãnh đạo xã hội. Ai trẻ con? Là các cháu bé tí, học sinh tiểu học trường thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Tây cũ. Những em bé thật dễ thương (ảnh), không chỉ gương mặt sáng láng, thông minh, tếu táo, mà nhất là ở tâm hồn, đạo đức. Các cháu vừa nhặt được số tiền lớn, 5 triệu đồng, đem hết tới công an để tìm trả cho người đánh rơi. Tâm hồn sáng trong hơn ngọc. Không thèm thứ không phải của mình, thật thà tử tế, lại càng không có ý vơ vét, chiếm đoạt như người ta. Đây mới chính là tương lai của đất nước, chứ không phải loại “hồng phúc của dân tộc”.

Thật thà, giản dị, tiết kiệm, không tham lam… là những phẩm chất thế hệ chúng tôi được giáo dục hồi còn nhỏ. Ngay trong những ngày cực khổ, khó khăn, nghèo nàn, đói rách nhất, vẫn cố giữ được như thế. Nói chẳng phải khoe, năm 1966, khi hơn chục tuổi, tôi nhặt được cái ví tiền của ông Sáu thủ kho lương thực (kho sơ tán về làng Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng quê tôi, ngay sát nhà), không ai biết. Trong ví có gần 100 đồng, số tiền rất lớn lúc bấy giờ, mà tôi thì chỉ tới tết mới được mừng tuổi vài ba hào, còn lại quanh năm không biết mùi tiền. Tôi thưa với thày (bố) tôi, sau đó hai bố con đem lên nhà bà Tươm trưởng công an xã nộp. May trong ví có cả giấy tờ của ông Sáu kho. Khi nhận lại, ông thổ lộ, vừa lĩnh lương, cả vợ lẫn chồng mới được chừng ấy tiền. Hôm qua khi phát hiện mất ví, cả nhà buồn hơn có tang. Ông cho 10 đồng nhưng tôi nhất quyết không lấy. Bà Tươm báo lên công an huyện, công an huyện báo lên công an thành phố Hải Phòng việc có thằng bé không tham tiền. Phó giám đốc Sở Công an Hải Phòng Nguyễn Duy Hạc ban ngay cho nó cái giấy khen, kèm hiện vật thưởng là 2 chiếc đĩa to của Đông Đức, tới giờ vẫn còn (ở quê nhà). Tôi thật thà như thế chỉ bởi đơn giản học gương thày tôi (chả tham lam tơ hào của ai thứ gì), phần nữa do thấy phần lớn cán bộ hồi ấy rất tiết kiệm, giản dị, liêm khiết, họ là tấm gương cho mọi người. Và quan trọng nữa là có gương cụ Hồ.

Trẻ con miền Bắc thập niên 1950 - 1970 đứa nào cũng theo gương cụ Hồ về lối sống. Có được gặp cụ bao giờ nhưng đêm đêm luôn mơ gặp bác Hồ chứ chả phải chỉ “đêm qua”. Sách vở, báo chí, đài phát thanh, mồm cán bộ đã xây dựng trong tinh thần đám trẻ con chúng tôi một hình mẫu toàn vẹn về cụ. Nói kiểu bây giờ, cụ là một idol. Không cần ai kêu gào thúc giục học tập và làm theo tấm gương đạo đức của cụ, trẻ con cứ tự nguyện tự giác theo. Giả dụ có ai đó dở hơi, ngăn cản không học cụ, chúng tôi còn mắng cho đằng khác.

Hồi ấy, hầu như đứa nào cũng được nghe kể những sự tích “trên cả tuyệt vời” về cụ. Nhà to dinh toàn quyền, cụ quyết không ở, chỉ nằng nặc xuống cư ngụ và làm việc trong căn nhà nhỏ của thợ điện (chỗ ấy bây giờ còn cái bàn thờ cụ). Mặc tinh quần áo cũ, những chiếc áo kaki đại cán sờn cổ đứt khuy, cấp dưới lén may quần áo mới, cụ quyết không mặc, lại còn mắng cho, chấn chỉnh về thói hoang tàng, không tiết kiệm. Quanh năm diện dép cao su. Xe cũng xài xe cũ, chiếc Pobeda của Liên Xô, hỏng dọc đường vẫn vui vẻ chờ đợi sửa chữa. Ăn uống thì đạm bạc, đến nỗi thành thơ ai cũng thuộc “Bác thường để lại đĩa thịt gà mà ăn trọn mấy quả cà xứ Nghệ/Tránh nói chữ to và đi rất nhẹ cả trong vườn” (thơ Việt Phương), đi công tác rặt ăn cơm nắm muối vừng đem theo, chỗ nào đón rước làm cỗ bàn to là chỉnh liền. Đi thăm nơi này nơi kia chỉ âm thầm lặng lẽ, vào từ phía sau, chỗ nhà bếp, cổng hậu, đứa nào tiền hô hậu ủng thì chết với cụ. Trồng cây chỉ cây nhỏ, đố đứa nào dám vác cây to cho cụ trồng. Vân vân… Hầu hết đều là sự thực về con người và phẩm chất của cụ. Bây giờ vẫn còn nhiều người chưa bị trời gọi, có thể lên tiếng chứng minh những cái đó là thực, mặc dù sự tuyên truyền có vống lên một chút.

Nhiều năm qua, nhà cai trị xứ này, tức lớp con cháu cụ Hồ, đã đẩy mạnh phong trào học tập tư tưởng, phong cách, đạo đức, lối sống Hồ Chí Minh. Điều đó đúng. Mọi người nên học, càng cán bộ, đảng viên càng cần phải học. Nếu tất cả thành viên bộ máy cai trị, về phẩm chất chỉ cần được nửa cụ thôi, cũng là phúc lớn cho dân tộc.

Tôi xin hỏi các vị quan chức triều đình xã hội chủ nghĩa: Các vị đã học được cụ cái gì, hay chỉ học mồm, còn thực tế hoàn toàn trái lại. Nói đâu xa, 1.587 ông bà đang dự đại hội đảng kia, các ông bà đã học cụ Hồ được những gì. Có ai dám từ chối nhà cao cửa rộng không, chỉ mặc giản dị, ăn uống tiết kiệm, không đòi hỏi lên ngựa xuống xe, không đòi tiền hô hậu ủng, không lãng phí hoa hòe hoa sói, không trồng cây to… không. Hay là cứ phải xe chống đạn, lâu đài biệt thự, sơn hào hải vị, đón rước linh đình, băng cờ khẩu hiệu đưa đón rợp trời, áo quần xúng xính hàng trăm bộ (bà chủ tịch quốc hội chưa đáng xách dép cho cụ về khoản ăn mặc nhưng lại to mồm học nhất), trồng cây thì cứ phải đại thụ, lão cổ thụ… Đấy, cứ tự túm tóc mình rồi hỏi, bản thân đã học được cụ Hồ cái gì. Tôi khẳng định, các vị không học cụ điều gì cả, chỉ nói mồm là giỏi. Ai giỏi phản biện bảo vệ các ông bà quan cách mạng này, hãy nêu một ví dụ cụ thể cho mọi người thông tỏ, chiêm ngưỡng. Khó đấy.

Nếu không thực sự học cụ, thì từ giờ trở đi dẹp cái phong trào giả dối kia, còn dân chúng ai thấy cần học thì lặng lẽ học. Tôi bảo thật, các ông bà tham lam vênh váo thế, không học được cụ Hồ đâu. Trước hết, hãy cứ học 5 em bé học sinh thị trấn Phùng trả lại của rơi kia kìa, cũng tạm làm người được. 

Chú thích ảnh: 5 em bé thị trấn Phùng (Báo Tuổi Trẻ)

Nguyễn Thông


3 nhận xét: