Trang

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2021

Tự nguyện hoàn thành nhiệm vụ (kỳ 4)

Cuối phần 3 có nhắc tới việc đảng và nhà nước chính thức chấm dứt hoạt động của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Họ lập ra đẻ ra thì họ có quyền chấm dứt, bóp mũi, chả có gì lạ. Chỉ không bình thường ở chỗ, trong biên chép sử quốc doanh, trong sách giáo khoa, trong hoạt động tuyên giáo tuyên truyền, họ làm thiên hạ nghĩ rằng đó là của riêng người miền Nam, sản phẩm của sự uất ức, vùng lên tự giải phóng của người dân miền Nam. Nghe cái tên cũng rất dễ nhầm lẫn, bởi cả mặt trận lẫn chính phủ đều có yếu tố “miền Nam”, cứ như miền Bắc và cộng sản vô can.

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thực chất là tổ chức của đảng cộng sản, của miền Bắc. Một thứ cánh tay nối dài của chế độ miền Bắc. Phải khẳng định rằng, không có cộng sản miền Bắc tiếp tay, mặt trận không thể ra đời. Chính những công văn, chỉ thị, chỉ đạo, sử sách của nhà nước cũng không giấu diếm chuyện này. Những người lãnh đạo mặt trận, nòng cốt của mặt trận đều là đảng viên cộng sản, được gấp rút đưa từ miền Bắc vào, hoặc cộng sản nằm vùng, như Nguyễn Hữu Thọ, Trần Nam Trung, Phan Văn Đáng, Trần Bạch Đằng, Trần Bửu Kiếm, Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát… Những nhân sĩ, trí thức, đại diện tôn giáo sống ở miền Nam, nhất là ở Sài Gòn, Huế, nếu có tham gia mặt trận thì do chủ yếu được “giác ngộ cách mạng”, được rủ rê vào, có tác dụng làm hoa lá cành, cho có vẻ dân chủ, rộng rãi, tập hợp đông đảo quần chúng cách mạng miền Nam, kiểu như Ngô Bá Thành, Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Phước Đại, hòa thượng Thích Thiện Hào, Ngọc đầu sư Nguyễn Văn Ngợi, mục sư Ibi Aleo... Số này về sau phần lớn vỡ mộng bởi “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Ngay cả những thanh niên tham gia phong trào sinh viên học sinh như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi, Lê Công Giàu, Lê Hiếu Đằng, Hạ Đình Nguyên, Cao Lập, Lê Tự Quảng… từng vào tù ra tội, từng làm chức nọ kia trong bộ máy chính quyền mới, cuối cùng phần lớn phải chua chát thốt lên mình đã nhầm. Tôi có nhiều năm cùng cơ quan với anh Lê Tự Quảng, một người tù bị cấm cố ngoài chuồng cọp Côn Đảo nhiều năm. Hai anh em thường trò chuyện khi rảnh rỗi. Anh vẫn nói với tôi “chúng nó đã chà đạp lên cái lý tưởng mà trước kia chúng dùng để lôi kéo bọn anh vào”. Anh thất vọng hoàn toàn về “chúng”, nói như kiểu thi sĩ Bùi Minh Quốc “Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt/Lại đúc nên chính cỗ máy này”. Anh Quảng vừa mất hồi cuối năm Canh Tý, ngoài xứ Quảng, tôi chỉ biết từ xa khấn cho anh được thanh thản trong cõi vô cùng.

Thế hệ chúng tôi được nghe nhiều, biết nhiều về Mặt trận Dân tộc giải phóng. Biết nó ra đời năm 1960, sau này danh sách những ngày kỷ niệm lịch sử trong năm luôn có dòng “20.12.1960, ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam”, trước đó là ngày 19.12 Toàn quốc kháng chiến, sau nữa là ngày 22.12 thành lập quân đội. Sách giáo khoa in nhiều bài về mặt trận, chẳng hạn lớp 4 có bài thơ “Lá cờ giải phóng” tới giờ tôi vẫn thuộc: “Bà con ơi, xóm làng ơi/Sáu năm mới thấy mặt trời hôm nay/Lá cờ yêu quý tung bay/Bốt đồn tan nát lũy dày vỡ tung/Cờ bay nắng tỏa mênh mông/Em ơi dụi mắt mà trông mà mừng/Nửa cờ sắc đỏ tưng bừng/Đỏ màu cách mạng không ngừng đấu tranh/Nửa cờ mát rượi màu xanh/Hòa bình vốn giấc mộng lành chúng ta/Sao vàng năm cánh xòe hoa/Giữa cờ rọi hướng đường xa cho mình”… Ấy, nó cứ kể lể nôm na lẩn thẩn vậy, thế mà thuộc mới khiếp. Lớp 5 có bài “Em bé Thừa Thiên” sống chết với lá cờ mặt trận “Chúng giơ súng bắt em/Xé cờ trước mặt chúng/Ung dung em cuốn cờ vào bụng/Chỉ vào mũi súng/Chúng mày/Muốn xé cờ/Hãy xé xác tao đây/Mười ngón tay em/Như tia sáng mặt trời mới mọc”…, đẹp còn hơn cả thần thánh. Về sau, nghe người nhớn bảo với nhau rằng bịa cả đấy, các nhà thơ miền Bắc rất giỏi bịa, giỏi vẽ vời xây dựng hình ảnh tuyên truyền.

Mặt trận tồn tại tới năm 1969 thì trở thành nòng cốt của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trong chính phủ có cả Liên minh các lực lượng dân chủ của ông Trịnh Đình Thảo. Nói cho cùng, mặt trận hay chính phủ cách mạng thì cũng vẫn chỉ mang tính biểu trưng để người cộng sản lợi dụng, che giấu hành động. Một mặt thì họ điều khiển từng hành vi, cử chỉ, mặt khác cứ hô lên đó là chính quyền cách mạng của người dân miền Nam vùng dậy dưới ách áp bức Mỹ ngụy. Ngay cả tại hội nghị Paris họ cũng phải đòi cho bằng được một ghế của đại diện miền Nam trong các bên hội đàm. Nhiều người cứ khen bà Nguyễn Thị Bình giỏi giang xuất sắc trên trường ngoại giao Paris chứ thực ra phải nói thế này: bà Bình giỏi thì giỏi thực, con người và phẩm chất rất đáng kính trọng, nhưng trong đàm phán Paris chắc chắn bà chẳng thể tự quyết được điều gì, bày tỏ được chủ kiến gì, bởi bà chỉ có nhiệm vụ nói lại những chỉ đạo của chính quyền Hà Nội, của các ông Xuân Thủy, Lê Đức Thọ mà thôi. Ngay cả mặt trận, cả chính phủ lâm thời còn chẳng là gì thì một cá nhân như bà Bình lại càng không là gì sất.

Tháng 4.1975, người cộng sản chiến thắng bằng vũ lực. Cuộc tương tàn nồi da xáo thịt chấm dứt sau 21 năm. Tới lúc này thì “bên thắng cuộc” rất thực dụng và mưu mẹo nhận thấy rằng chẳng cần tay nối dài nối ngắn hoặc tổ chức ngoại vi làm gì nữa cho vướng víu. Cũng không cần che đậy nó là của ai. Họ chính thức cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cả Liên minh các lực lượng dân chủ và hòa bình miền Nam Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ, chấm dứt vai trò lịch sử. Một số người chủ chốt của mặt trận và chính phủ lâm thời được đưa vào guồng máy mới, như Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát… nhưng chủ yếu là những ghế hữu danh vô thực, như chủ tịch hội đồng nhà nước (chủ tịch nước), như phó chủ tịch quốc hội, chủ tịch mặt trận tổ quốc. Hồi đầu thập niên 70, đám chúng tôi còn được nghe kể rằng ông Trịnh Đình Thảo rất “liều”, trong khu đất biệt thự rộng mênh mông của ông ở Sài Gòn, ông còn đặt tên lối đi trong vườn là đường Hồ Chí Minh, treo biển đàng hoàng, nhà chức việc chính quyền Sài Gòn tới yêu cầu ông gỡ bỏ, ông quyết không tháo, mà chính quyền cũng phải chịu (nói phỉ phui cái miệng, ông Thảo mà gặp chính quyền cách mạng xử lý việc đó, chắc chỉ trong vòng 3 nốt nhạc, đường mất, tật mang). Đứa nào nghe sự liều của ông Thảo cũng lè lưỡi khâm phục. Sau tháng 4.1975, ông Phó chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Chính phủ lâm thời, tức ông Thảo, rời R về lại Sài Gòn thì chứng kiến cảnh bị mất nhà, nơi mà ông nổi tiếng với tên đường Hồ Chí Minh giữa đất Sài thành, do cách mạng tịch thu nhà… vắng chủ. Đòi mãi chả ăn thua, dù ông là yếu nhân của Chính phủ cách mạng lâm thời. Ông đã “hoàn thành nhiệm vụ” rồi thì ai cần tới nữa. Tôi có nghe nói tới khi chết ông vẫn không đòi được nhà, và hình như tới giờ vụ ấy đã trôi vào dĩ vãng (còn tiếp)

Kỳ sau về báo Tin sáng

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Chuyện về ông Thảo thực tế có nhiều vấn đề lắm; không thể kết luận ngay được

    Trả lờiXóa