Giữa trưa. Sài Gòn nóng kinh khủng. Tôi có thói xấu, cứ người một nơi, điện thoại một nẻo. Không hội nhập, bắt vào được thời buổi công nghệ. Tiếng chuông đổ dài, như gắt gỏng, bực tức, và có cảm giác buồn, đem tin dữ. Sải bước lên cầu thang, suýt ngã, chộp cục điện tử đang keng keng ấy. Bậc đàn anh, anh Nguyễn Khắc Nhượng nói như gió thoảng, Thông đã biết tin anh Khải mất chưa. Tôi biết đến 99% anh Khải mà bác Nhượng nói là ai, nhưng vẫn cố tự lừa mình, hỏi anh Khải nào. Anh Nhượng bảo anh Nguyễn Đông Thức vừa mới báo. Vậy thì chả còn gì để nghi ngờ nữa khi nhưng đấng bậc tử tế như anh Nhượng, anh Thức truyền tin.
Nguyễn Thế Khải là con người như thế nào, Công ty Du lịch Hoàn Mỹ là doanh nghiệp như thế nào, rồi sau này các nhà biên chép về kinh tế Việt Nam thời hội nhập, thời mở cửa sẽ phải dành không ít dòng. Chưa đâu xa, thập niên 2000 và nhất là 2010, trong lĩnh vực du lịch, Nguyễn Thế Khải và Du lịch Hoàn Mỹ là ngôi sao sáng chói. So với các “đại gia du lịch” như Vietravel, Saigontourist hoành tráng, khổng lồ, đông như quân Nguyên, cơ sở rải khắp nước và thế giới, thì đương nhiên Hoàn Mỹ không to bằng, nhưng hiệu quả và danh tiếng thì có lẽ ít anh nào bằng anh Khải và Hoàn Mỹ. Suốt nhiều năm, người ta muốn đi du lịch Mỹ, Canada, đi thăm thân, đi đưa con du học… bên đó đều tìm đến Hoàn Mỹ, đến “nhờ ông Khải”. Nhiều thanh niên, ngoại ngữ như gió, mặt mũi sáng sủa, thạo nghề, coi sự được làm cho Hoàn Mỹ, là lính ông Khải, như niềm vinh dự, đổi đời. Nhắc sơ sơ như vậy để cố định chút tư liệu còn nóng sốt vào kho dữ liệu của du lịch xứ này.
Những ai chơi với ông Khải đều quý ông ở sự chân tình. Ông làm kinh tế thì như vị tướng cầm quân cực kỳ thông minh quyết đoán, nhưng chơi với bạn bè lại rất nhũn nhặn khiêm nhường. Lính của ông đều kính nể sếp, còn bạn ông thì chỉ xuề xòa với ông mày tao chi tớ. Những lần tới công ty ông chơi, tôi thường bắt gặp, nghe lính ông một điều “bố Khải”, hai điều “bố Khải”, lại sực nhớ câu xưa “tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Khi Hoàn Mỹ chưa dính dịch COVID-19, năm nào ông Khải cũng mời đủ mặt bạn hữu, cố nhân dự cuộc gặp cuối năm của công ty, rồi tiếp đến là tiệc Giáng sinh-tất niên. Ông bảo, mình làm được cũng nhờ mọi người, nhờ khách hàng, nhờ nhân viên, nhờ bạn bè, trả nghĩa như thế còn hơi ít.
Từ giờ về sau, rất nhiều cây cầu ở vùng nông thôn nghèo chằng chịt sông rạch đồng bằng sông Cửu Long mà ông Khải giúp tiền xây dựng sẽ không được đón vị ân nhân nữa. Những chiến hữu, đồng đội gắn bó với ông Khải trong sự nghiệp từ thiện này như Võ Đắc Danh, Đoàn Xuân Hải, Nguyễn Đông Thức, Nguyễn Khắc Nhượng… sau này có dịp sẽ kể kỹ hơn về ông.
Tôi có chút duyên với anh Khải. Năm 1977 tôi vào Sài Gòn dạy học, cùng trường với anh, anh em biết nhau từ bấy. Thầy Khải hơn tôi 4 tuổi, học Đại học Khoa học Sài Gòn, trước năm 1975 dạy môn lý cho Viện đại học cộng đồng Tiền Giang. Sau biến cố tháng 4.75, anh được lưu dung, tiếp tục dạy cho trường, nhưng bị biến thành Trường dự bị đại học TP.HCM. Biết nhau tới nay đã gần nửa thế kỷ, tình anh em chả phai nhạt tí nào. Năm nao cũng hẹn nhau về trường dịp 20.11, cụng ly, hàn huyên lục lọi chuyện cũ, ôn nghèo kể khổ, cười ha ha. Lúc ấy, ông trùm du lịch Khải Hoàn Mỹ lại trở về nguyên vẹn thầy Nguyễn Thế Khải dạy lý thuở xưa.
Giữa thập niên 80, anh Khải chuyển sang dạy bên Cao đẳng Sư phạm, chỗ Trường đại học Sài Gòn bây giờ. Nghe đồn bác í còn bung ra làm sách, trúng lắm. Một hôm, tôi đạp xe tuốt xuống tận chợ Bình Tây, có cái hiệu sách to lắm (bây giờ là cửa hàng Bitis’, sách giờ cũng không bằng giày). Đang lớ ngớ chưa biết nên mua cuốn nào bởi… ít tiền thì thầy Khải đứng sau vỗ vai cái bộp. Không đợi nói năng gì, ông anh mua tặng ngay tôi mấy bộ sách đang chạy nhất khi ấy, trong đó có 2 bộ: Thiên thần nổi giận (sách dịch của Mỹ, 2 tập), Con đường đau khổ (A.Tolstoi, 3 tập, mới tái bản), cả cuốn “Hãy để ngày ấy lụi tàn” nữa. Anh bảo, cầm lấy, anh biếu chú, nhìn chú lừng khừng săm soi mãi là anh hiểu rồi. Tôi mừng muốn chết, cảm động vô cùng, nhưng ngượng, còn ra vẻ đòi để em trả tiền, anh Khải bảo chuyện nhỏ, em không biết anh bây giờ đại gia à, anh có thể tặng em gấp một trăm như thế mà không cần phải phân vân. Về trường khoe với mọi người, ai cũng bảo mày biết lực ông Khải như thế là khí muộn.
Cách nay vài năm, anh Khải bảo, anh muốn bao em một chuyến đi Mỹ 1 tháng, lo tất tần tật, chỉ cần em nhìn thấy gì, cảm nhận được gì thì viết thật khách quan, viết cho hay là được. Tôi hoảng, bởi biết chi phí cho một suất như thế tròm trèm trăm triệu đồng. Không thể lợi dụng lòng tốt của bác ấy được, vợ tôi bảo vậy, mà tôi cũng nghĩ vậy. Xin hoãn binh với bác Khải, anh ơi, em cũng thích đi lắm, nếu không đi với anh có thể cả đời chả đi, nhưng để em dành dụm chia một nửa chi phí. Anh Khải cười, rõ sĩ, có đi không thì bảo, về lấy hộ chiếu đưa đây. Tôi ngại ngần mãi, chả dành dụm được đồng nào, cứ thế năm tháng trôi đi, rồi xảy ra dịch…
Nói tới dịch, càng thương anh Khải. Hoàn Mỹ đang ăn nên làm ra, thuyền băng băng lướt tới, đùng một cái, tan tác. Du lịch bị dịch giáng đòn mạnh nhất, Hoàn Mỹ tài thánh cũng không thoát. Công ty hoạt động cầm chừng, nhân viên nghỉ cả loạt, anh Khải phải bỏ tiền nuôi khoảng 5 chục nhân viên, trả lương tháng cho họ yên tâm… chờ. Mà biết chờ đến bao giờ. Xoay xỏa đủ cách, đổi tua tuyến, khai thác nội địa, mở nhà hàng… cũng chửa ăn thua. Cách nay gần tháng, nhân có luật sư Hồ Minh Kính ở miền Trung vào công tác (anh Khải là ân nhân của Kính, giúp đưa từ Mỹ về khi dịch căng), anh Nhượng mời mấy anh em đàn đúm. Vãn chuyện, tôi hỏi nhỏ anh Khải, anh ơi, dịch nó làm anh thiệt hại nhiều không, dăm bảy tỉ không (tôi chỉ dám nghĩ vống lên tới mức đó là kinh lắm rồi). Anh Khải cười, nửa buồn nửa mặc kệ, rằng sơ sơ gần 20 tỉ, còn về sau chưa biết thế nào. Lại sực nhớ một đấng bậc triều đình thỉnh thoảng tự hào năm qua (2020) chúng ta đã thành công, giữ được kinh tế ổn định, giữ được tăng trưởng, “mặt trời chiếu sáng rạng rỡ trên đất nước ta”. Chả hiểu các ông bà ấy căn cứ vào đâu, có biết đã xảy ra bao nhiêu Hoàn Mỹ, bao nhiêu Nguyễn Thế Khải không. Nói đâu xa, chính hãng hàng không quốc gia phải công khai tuyên bố lỗ 15.000 tỉ, thì những anh râu ria khó tránh khỏi chết không kịp ngáp. Mặt trời rạng rỡ, rạng nhà các ông thì có.
Cuối năm 2017, anh Khải gọi, bảo em có muốn gặp bác Du Tử Lê bằng xương bằng thịt thì đến ngay, chỗ đó chỗ đó. Phải thật lòng mà nói rằng, nếu trong lòng mình còn chút yêu thơ văn, kính trọng người hiền lành tử tế, thì được gặp bác Du Tử Lê là một diễm phúc. Tôi đã kể chuyện gặp này, giờ không kể nữa, chỉ rụt rè thêm, biết ơn anh Khải thật nhiều.
Anh ấy đi rồi. Âm dương cách biệt. Ngày mai 15.4, tôi đến thắp hương cho anh Khải, đàn anh, đồng nghiệp, người tri kỷ, sẽ lầm thầm nhắn anh, anh Khải ơi, bác Du Tử Lê sẽ mừng lắm khi đón đợi anh ở cõi vô cùng.
Nguyễn Thông
Ảnh: Cuộc gặp thi sĩ Du Tử Lê do anh Nguyễn Thế Khải tổ chức. Từ trái sang: Anh Khải, nhà cháu, anh Nguyễn Khắc Nhượng, thi sĩ Du Tử Lê. Mọi người kính cẩn mời cụ thi sĩ ngồi vào giữa, cụ nhất định không chịu.
Mất đi một người anh, người bạn tốt là điều rất nuối tiếc
Trả lờiXóa