Trang

Thứ Tư, 5 tháng 5, 2021

Nhặt dọc đường đi

Nhà cháu vừa có cuộc về đồng bằng Tây Nam Bộ, còn gọi là đồng bằng sông Cửu Long, còn được người trong này gọi tắt bằng 2 chữ "miền Tây". Nào có ham hố lễ liếc gì, tại bận chút việc nhà nên phải mò ra khỏi tổ. Nắng nôi, kẹt xe, sợ dịch, tốn tiền…, may mà bù lại được ngó nghiêng này khác dọc đường thiên lý.

Gọi “miền Tây” như vậy chẳng sai nếu sống ở vùng Đông Nam Bộ, nhưng một tờ báo nào đó phát hành toàn quốc, như Tuổi Trẻ, Thanh Niên chẳng hạn, hoặc đài truyền hình trung ương, đài phát thanh quốc gia, mà chỉ gọn lỏn “miền Tây” có nhẽ không đúng lắm. 

Với người miền Bắc, thì miền Tây là những vùng giáp nước Lào. Thi sĩ Bùi Minh Quốc thời sinh viên có bài thơ nổi tiếng “Lên miền Tây” nhằm chỉ những vùng rừng núi Sơn La, Điện Biên và một phần tỉnh Lai Châu ở phía tây miền Bắc. Lên miền Tây bấy giờ được coi là “chủ trương đúng đắn” của đảng và nhà nước, nhiệm vụ chủ yếu đi mở mang văn hóa, khai hoang, phá rừng. Thời những năm đầu thập niên 1960, những gia đình được vận động lên miền Tây được gọi bằng tên “đi khai hoang” chứ không phải đi “kinh tế mới” như phổ biến sau này. “Rừng ơi, ta đã về đây…, cây đổ rộn vang như tiếng pháo, tiếng hò nhịp theo trâu kéo gỗ, xen lẫn tiếng rìu tiếng cưa nhịp nhàng khắp trên non ngàn”, cứ ráo riết phá rừng, chỉ qua vài chục năm, rừng nguyên sinh gần như sạch bách. Thằng Tây đế quốc sài lang độc ác, suốt gần trăm năm cai trị “vơ vét tài nguyên” mà rừng vẫn không mấy suy suyển, còn ta làm chủ chả bao nhiêu niên, công cuộc phá rừng đã hoàn thành trước thời hạn. Góp vào “thành tích” ấy, có chút công của bác Bùi Minh Quốc, của nhạc sĩ Phạm Tuyên, của ca sĩ Quốc Hương, hì hì.

Nói vậy, để góp ý với mấy tờ báo, nhất là báo trong Nam, nếu viết chỉ vùng sông nước ruộng vườn đồng bằng sông Cửu Long là “miền Tây” thì nên biên đầy đủ thành “miền Tây Nam Bộ”. Tất nhiên cứ thọn lỏn “miền Tây” như lâu nay cũng chả chết ai, nhưng bị đánh giá cẩu thả không chính xác là điều không tránh khỏi.

Người ở vùng xứ Thanh, xứ Nghệ mỗi khi buột miệng bảo nhau sang miền Tây đi thì có nghĩa lên biên giới giáp Lào để buôn gỗ, buôn thuốc phiện, ma túy, làm thuê, buôn bán. Tôi từng có dịp bám xe ông bí thư thành phố Thanh Hóa đi ngó kiểu cưỡi ngựa xem hoa miền Tây xứ Thanh, mò lên tận những vùng biên viễn các huyện Quan Hóa, Mường Lát, Quan Sơn, Lang Chánh, quả thật vời vợi nghìn trùng. Gớm cho cái tỉnh Thanh, một mình nó đã to bằng gần 20 lần nước Singapore. Cái xe Toyota xịn êm thế mà cứ nhấp nhổm nhảy nhảy tưng tưng trên những con đường cheo leo vách núi, phía dưới thấy sông Mã sâu thăm thẳm nước chảy cuồn cuộn về đông, nhiều lúc phát khiếp, miệng lẩm bẩm cầu trời cầu phật, cầu cả thánh Alah, cả bà Triệu, các vua Lê chúa Trịnh, Tôn Ngộ Không, Nguyễn Bá Ngọc… che chở phù hộ. Bù lại, được lão Phi bí thư đãi bữa lẩu cá đặc sản sông Mã và vịt Bá Thước ngon quắt tai.

Bây giờ người xứ An Nam ta cũng dần quen với phía tây, nhất là khi địa danh mới “Đông Lào” vừa hóm hỉnh, vừa buổn buồn buồn thỉnh thoảng được lôi ra, được chen vào những cuộc trà dư tửu hậu. Cũng chả khác chi hồi mấy năm trước, mỗi lần tôi về quê đất Phòng, hay nghe mấy đứa rủ nhau, mày ơi, chúng mình từ thị xã Hải Phòng ra thành phố Hạ Long chơi đi. Cũng may mà có “kẻ” Lê Văn Thành làm nhiều hơn nổ, chỉ trong chưa đầy nhiệm kỳ đã quét biến mất câu khôi hài ấy. Nói đâu xa, xã Thụy Hương huyện Kiến Thụy quê tôi, sau khi ông Thành làm trùm đất cảng, đường sá trong mấy năm khác hẳn. Ông Thành nay đi rồi, bị “đuổi” lên trung ương, chả biết có đất dụng võ, có được thỏa sức tung hoành như trước không, hay lại múa tay trong bị. Các cụ xưa dạy, thà làm đầu gà còn hơn làm đuôi trâu là vậy. Mà cũng chẳng biết cái ông Lưu Quang lưu sáng gì đó sắp về trấn nhậm xứ Phòng có nối tiếp được lão Thành Vĩnh Bảo thuốc lào không, hay lại theo vết đám cố cựu từ Nguyễn Văn Thành giở về trước thì khổ dân Phòng. Nhiều khi số kiếp nó vậy, tránh cũng chả được.

Đang nói chuyện miền Tây Nam Bộ, tự dưng loằng ngoằng cà kê ngoài Bắc. Chuyến đi qua Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu kể ra cũng lắm điều biên lại. Giá không bị ngủ gật chập chờn vài chặng thì còn dày chuyện nữa. Nhưng kể đã dài, mai biên nốt. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

1 nhận xét: