Trang

Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

Học cụ Hồ thì cần học cho tử tế

Trên đời có những thứ những chỗ những ngày cần kiêng, cho nó lành. Chả hạn hôm qua 5.6, cả trong đời thực lẫn trên tivi rất nhộn nhịp kỷ niệm ngày cụ Hồ rời bến Nhà Rồng. Tôi buồn tay mở mấy chục kênh tivi đều chứng kiến, lúc thì các ông ca sĩ Tạ Minh Tâm, Quang Thọ, Đăng Dương… (chuyên gia nhạc đỏ) véo von bài tủ; lúc thì mấy ông sử học quốc doanh hùng hồn kể lể cứ như hồi xưa từng được sống với cụ không bằng.

Vậy nên tôi tránh, để bên tuyên giáo trọn niềm vui. Bữa ni đã qua 1 ngày, độ kiêng đã giảm, nên biên điều này.

Liên quan tới sự kiện cụ rời bến tàu Sài Gòn, người ta thường nhắc tới căn nhà ở Chợ Lớn. Nhà này vốn của hãng mắm Liên Thành do các nhân sĩ Nguyễn Quý Anh, Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Hiệt Chi… đề xướng, thành lập. Hãng mua căn nhà ngay đầu đường Quai Testard (quai là bến, cảng; Testard là tên một họa sĩ nổi tiếng của Pháp thế kỷ 15), tức đường “Bến Testard”, nhà số 1 - 2 - 3. Đường này năm 1915 được Pháp đổi thành Tổng Đốc Phương (tên thật Đỗ Hữu Phương, mất năm 1914), tiếp nữa sau 1975 được chính quyền mới đặt tên Châu Văn Liêm cho tới giờ. Thời nào thì đặt tên cán bộ thời đó, còn sau này đổi là gì nữa thì chưa biết.

Khi Sài Gòn - Chợ Lớn bị giải phóng, căn nhà nói trên do của tư sản nên bị tịch thu. Người ta dựa vào truyền khẩu về hãng Liên Thành và “đồng chí” Nguyễn Tất Thành, đã giữ lại phần nhà số 5 để lưu kỷ niệm về cụ. Sử quốc doanh kể cụ (tất nhiên là cụ trẻ) sống ở đây gần 9 tháng rồi mới xuống tàu, còn theo biên chép của nhà văn Sơn Tùng (tác giả cuốn Búp sen xanh, viết về cụ thời kỳ này) thì cụ có thời gian kha khá ở khu Khánh Hội, quận 4 bây giờ, chứ không phải chỉ tá túc nơi Chợ Lớn. Có nghĩa thời gian cụ ở Quai Testard ít hơn, có khi chỉ mấy tháng. Thời gian ấy không đáng kể đối với một đời người, lại càng ít ý nghĩa khi chỉ tạm dừng chân trước chuyến đi dài.

Vẫn biết tất cả những gì liên quan đến cụ Hồ đều được nhà cầm quyền nâng niu tôn trọng. Bộ quần áo, đôi dép, chiếc mũ… còn được giữ gìn cẩn thận, huống chi ngôi nhà cụ đã ở. Nhà số 5 Châu Văn Liêm được chế độ tấn phong là di tích lịch sử cấp quốc gia. Tôi cho rằng điều này chỉ mang tính tượng trưng, để đời sau nhớ tới cụ, chứ xét về mặt lịch sử có điều không ổn. Nhỡ ra cụ trẻ không ở căn số 5 mà ở số 1 hoặc số 3 Bến Testard thì sao. Giờ con cháu các cụ Liên Thành thất tán cả rồi, chẳng lấy ai chứng minh được. Đúng ra, giữ lại thì phải giữ tất, còn không thì chỉ nên đặt tấm biển chung cho cả khu nhà là hợp lý.

Vấn đề ở chỗ, mang tiếng di tích lịch sử quốc gia nhưng nơi đây thường xuyên cửa đóng then cài, chả mấy ai lui tới. Lâu lâu trong năm, kiểu xuân thu nhị kỳ, đến dịp 19.5, 2.9, 5.6 thì người ta lại mở cửa cho… giới lãnh đạo vào ngó nghía, trò chuyện với người trông coi dăm ba câu rồi về. Nhân dân, thường cũng chỉ kiểu nhân dân mặc đồng phục. Nói chung là rất thưa vắng, ít người quan tâm. Chỉ cần hỏi bất kỳ người nào sống ở Sài Gòn - Chợ Lớn đang đọc bài này, rằng thưa ông bà cô bác anh chị, quý vị đã lần nào vào đây chưa, là rõ ngay.

Tôi không phản đối việc bảo tồn những di tích liên quan tới cụ Hồ nhưng cần phải thực tế. Nơi này gần như không để lại dấu ấn gì về cụ, ngoài sự tuyên truyền rằng cụ “đã ở đây”. Một di tích hầu như quanh năm cửa đóng then cài, hương tàn khói lạnh, ít người lai vãng, chỉ tốn người trông nom. Và cần hiểu một điều, chính cụ Hồ cũng chẳng muốn thế. Con người cụ giản dị thanh bạch, không phô trương cầu kỳ, lại càng không thích màu mè tốn kém. Ai không tin cứ đọc di chúc của cụ thì rõ. Cụ luôn nói cụ chỉ thương dân. Sao người ta không nghĩ học cụ, làm theo cụ bằng cách thiết thực hơn. Căn nhà số 5 này ở vị trí đắc địa, trung tâm Chợ Lớn, cứ theo giá cho thuê ít nhất cũng được 15 - 20 triệu đồng/tháng. Chỉ cần 3 tháng là đủ tiền xây được căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho người nghèo, dưới danh nghĩa “tiền cụ Hồ đóng góp”. Đứa nào hà lạm tiền này, phạt thật nặng. Ở… trên suối vàng, chắc cụ sẽ hài lòng. Cứ đà ấy, dân chúng càng thêm biết ơn cụ, có khi còn rồng rắn kéo nhau vào lăng xin cụ cấp nhà dài dài.

Tôi mà cầm đầu thành phố này 1 ngày, chỉ làm mỗn việc, cho thuê nhà số 5, để có “người tốt nhà số 5”, để học tập và làm theo cụ Hồ đúng nghĩa nhất, chứ không dở dở ương ương như các ông bà ấy.

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Để ghi nhớ công lao của Bác Hồ; chúng ta cần lưu giữ những kỷ vật của Bác Hồ

    Trả lờiXóa