Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2021

Cờ đến tay thì phải phất

Thưa bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Cần nói ngay rằng lúc này "tướng" ngành giáo dục phải mạnh mẽ đột phá, chứ cứ chần chừ dẫm vào vết những người tiền nhiệm, rồi nền giáo dục xứ ta sẽ chẳng đi đến đâu, thậm chí lụn bại.

Mấy chục năm nay, biết bao đời thượng thư-bộ trưởng bộ dục, gần như không ai để lại được dấu ấn đáng kể nào cho ngành, cho nước cho dân, nếu có thì thiên hạ chỉ nhớ tới mấy trò cười, kiểu như "nói không với bệnh thành tích", ngọng líu ngọng lo "nói tiếng Lào ra tiếng Ý", v.v.. Nửa thế kỷ tiến lên chủ nghĩa xã hội, không tìm đâu ra được những thuyền trưởng như Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu do "thực dân" Pháp đào tạo.

Nhiều người đang hy vọng vào vị bộ trưởng đương nhiệm, riêng tôi còn có cảm tình bởi là đồng hương huyện, đồng môn, đồng sư phụ, đồng nghiệp.

Nhưng thời gian cứ trôi như nước chảy, không đợi chờ ai. Nếu không quả quyết, quyết đoán thay đổi, sẽ bỏ lỡ thời cơ, phần hại cho cá nhân chỉ là chuyện nhỏ, mà cái hại lớn nhất là cả dân tộc đất nước phải gánh chịu.

Không dám bàn nhiều, chỉ đề nghị bộ trưởng hai điều, nói theo kiểu của ông "en nờ vê en nờ" NVL -  Nguyễn Văn Linh, thì đó là "những việc cần làm ngay":

-Trong lịch sử nhân loại cũng như riêng nước này, có lẽ chưa bao giờ dịch bệnh ghê gớm nghiêm trọng như đã và đang diễn ra. Không thể biết nó sẽ kéo dài đến khi nào. Nó đã tác động kinh khủng tới mọi mặt mọi phần của đời sống, trong đó có giáo dục. Vẫn biết “nhân bất học bất tri lý, ấu bất học lão hà vi” (con người mà không học, sẽ không thể biết lẽ đời; lúc nhỏ không học, già chả làm được gì), nhưng đó là thứ chân lý trong cuộc sống bình thường. Còn bây giờ là dịch. Chết người như bỡn. Dù có công nghệ hỗ trợ, học từ xa, học trực tuyến, v.v.. thì việc cứ dứt khoát phải khai trường lúc này cực kỳ mạo hiểm, liều mạng.

Mấy đứa trẻ cấp THCS trở lên đầu óc chúng đã khá ổn định, chân tay chúng đã thành thạo, thì việc học trực tuyến có thể tạm cho là được đi. Với đám con nít tiểu học, dẫu chúng thạo chơi game nhưng bắt học trực tuyến, đảm bảo chỉ thất bại. Đó là chưa nói cuộc sống nông thôn nông dân bây giờ vẫn có khoảng cách khá xa với thành thị, lại càng trũng hơn ở những vùng sâu vùng xa.

Dịch còn căng, tạm ngưng năm học mới đã. Có thể áp dụng đồng loạt trên cả nước cho thống nhất, dễ chỉnh lý về sau. Khi dịch nhạt, mối nguy hiểm chết người bớt hẳn, hãy triển khai năm học mới, dù chậm bao nhiêu tháng cũng được. Để hoàn thành năm học bị chậm, bị thiếu thời gian, hãy cắt giảm tối đa những môn, những phần không phải “hàng thiết yếu”, những thứ hoa lá cành, những hoạt động hình thức, những tham vọng nhồi nhét cao xa. Tôi lấy ví dụ, để dạy cho trẻ lớp 1 học chữ, đọc thông viết thạo, biết làm toán cộng trừ tới 10, hồi xưa bọn con nít chúng tôi học lớp vỡ lòng trường làng chỉ cần 3 - 4 tháng, đâu phải cả năm học như bây giờ. Những lớp khác cũng vậy, cứ tinh giản tối đa. Khi nào dịch tan, lấy thực tiễn này làm bài học kinh nghiệm để điều chỉnh thứ chương trình cổ lỗ sĩ quá nặng nề và kém hiệu quả lâu nay.

-Điều thứ 2 là sách giáo khoa (SGK). Vừa xảy ra vụ ông Cục phó Cục Quản lý thị trường (cục phó, chứ không phải như nhiều báo chỉ nêu tổ trưởng tổ 1444 cho đỡ bị ảnh hưởng tới công tác cán bộ) bị bắt do liên quan tới SGK lậu. Vấn đề SGK lâu nay là thứ tệ nạn, hành hạ dân chúng và học trò, bóc lột tàn tệ, móc túi tiền nghèo của dân. Nguyên do bộ GD-ĐT quyết ôm để vơ vét cho riêng mình, ngay cả khi kinh tế thị trường đã được đề cao. Chính phủ “vì dân” biết tỏng nhưng cứ làm ngơ, suốt mấy chục năm. Chỉ dân chịu thiệt.

Đề nghị bộ trưởng xem xét dứt khoát: Bộ chỉ chịu trách nhiệm về khâu biên soạn và lựa chọn SGK. Khi sách được quyết rồi, cho đấu thầu công khai. Nhà xuất bản, nhà in nào đáp ứng được yêu cầu thì giao. Chia làm nhiều gói thầu chứ không gom làm một. Nhà xuất bản Giáo dục cũng chỉ là đơn vị tham gia thầu, bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Tước bỏ hết mọi đặc quyền đặc lợi trong vấn đề SGK. Làm được vậy, đảm bảo chỉ trong 1 năm, mọi thứ sẽ thay đổi tận gốc. Và điều quan trọng nhất là dân sẽ được mua sách rẻ hơn so với giá dao lam của NXB Giáo dục lâu nay. Nếu bộ trưởng chưa tin điều này, hãy nhớ lại vụ xuất bản lịch bloc cách nay chưa lâu.

Thưa bộ trưởng, hãy mạnh dạn đổi mới, hãy làm quyết liệt điều có lợi cho nước cho dân. Vẫn biết trong cái thể chế này, hệ thống chính trị cổ hủ và tàn ác này, còn bao thứ xiềng xích, cá nhân dù tài như Tôn Ngộ Không vẫn vướng vòng kim cô, không dễ gì xé rào. Nhưng cứ sợ sệt thế, thì bao giờ mới dám làm. Cứ “vì nhân dân quên mình” làm đi. Dân sẽ ủng hộ. Còn không thì lại tự chôn mình chung hố với những người tiền nhiệm mà đến cái tên dân cũng không thèm nhắc. 

Nguyễn Thông

1 nhận xét: