Trang

Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

Nhặt nhạnh

Tôi cứ nói thẳng: phải cảnh giác trước những kết quả ngoại giao vắc xin. Đành rằng cần biết trân trọng sự cố gắng của chính phủ, của cá nhân thủ tướng, khi các vị ấy nhanh nhảu, xông xáo, chịu khó tìm nguồn vắc xin để xin hoặc mua về chống dịch cứu dân, nhưng không phải cứ tích cực đều đáng khen.

Đọc thông tin chính thống từ truyền thông nhà nước, tôi thấy những cuộc gặp gỡ hoặc điện đàm trao đổi với nước ngoài, chẳng hạn Czech (Séc), Ba Lan, Hungary... đều có kết quả khá giống nhau: được tặng vài trăm nghìn liều, và kèm theo được nhượng lại vài triệu liều. Số tặng thì luôn nói rõ thứ vắc xin gì (thường là xuất xứ Âu - Mỹ), số nhượng chỉ nói chung chung vắc xin, không ai biết vắc xin gì (tất nhiên thủ tướng và chính phủ biết nhưng cố ý không nói ra).

Các vị cứ nói liêm chính minh bạch nhưng trong những chuyện lớn nước nhà liên quan tới số phận, đời sống nhân dân thế, lại cứ cố ý không minh bạch. Sao không nghĩ mấy "nhà hảo tâm" kia họ mừng như bắt được vàng khi tìm được nơi đẩy thứ vắc xin mà dân của họ không ưa. Vắc xin không phải là... măng khô, để tới khi nào cũng được. Hết hạn dùng thì chỉ có đổ đi, ném vào sọt rác. Vớ được anh dại năn nỉ, thế là "nhượng" ngay, vừa đẩy được món hàng không muốn dùng, vừa thu được tiền vốn, đỡ lãng phí, lại được tiếng tốt, được biết ơn, một công ba bốn việc chứ không phải chỉ đôi việc. Ai cứ hay bảo bọn tây dại, nó có mà dại khối.

Sao người ta không nhớ những vụ khuân thiết bị máy móc cú đỉn, cổ lỗ sĩ, hàng tồn, hàng sì cơn hen (secondhand) của Tàu về chất đống ở Thái Nguyên, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nội... (vụ thép Thái Nguyên liên quan tới Hoàng Trung Hải, vụ đường sắt Cát - Hà là rõ nhất). Ờ, sao tay Hải lặn mất tăm, hay hạ cánh an toàn về làm người tử tế rồi?

Lôi sắt phế liệu về, cùng lắm thì nó rỉ sét, vứt đi, tốn mớ tiền; nhưng láu táu mua vắc xin "không rõ ràng" về chích cho dân thì phải dè chừng. Sức khỏe và tính mạng của dân không phải để chứng minh cho cách ăn xổi ở thì, lại càng không thể đem ra thử nghiệm.

Vơ bèo vạt tép là cách “xử lý khủng hoảng” của người ít học trong cảnh bần cùng chứ không thể của nhà lãnh đạo, quản trị ở tầm quốc gia, không thể coi đó là giải pháp tình thế với tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng cực kỳ nguy hiểm..

Ông tổ cộng sản Lê Văn Nin chả từng cằn nhằn: Lòng tốt, sự nhiệt tình cộng sự ngu dốt thành sự phá hoại. Trong vụ việc trên, ngu dốt thì không hẳn, nhưng thiếu sự tỉnh táo hoặc có ý đồ không đàng hoàng là khá rõ.

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Thủ tướng chỉ quyết việc chính thôi; cho tiết sẽ có các cơ quan chuyên môn làm việc với các nước chứ

    Trả lờiXóa