Nợ ngân hàng thì họ (ngân hàng) phải đòi, không trách họ được. Họ càng đòi riết bởi đã mấy tháng ùn nợ, có điều con nợ đang “trên răng dưới cát tút”, không biết trả bằng cách nào, suốt ngày lầm bầm chửi dịch. May mà nó chửi dịch, chứ chửi ngân hàng, chửi chính phủ, người ta lại chả kêu nhà chức việc tới gô cổ về tội đã nợ lại còn láo.
Cả con nợ lẫn ngân hàng lẫn chính phủ đều không có lỗi. Lỗi là thằng dịch, thằng ôn dịch cô vít. Chẳng trách ai, nhưng ít nhất phải tìm lối thoát cho lúc này.
Tôi đề nghị chính phủ, cụ thể là thủ tướng, ban lệnh chỉ đạo các ngân hàng thực hiện giãn nợ, giảm ngay lãi suất vay cho khách hàng (người vay), giảm tiền lãi cho con nợ. Trong hoàn cảnh dịch kéo dài tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, dân chúng cũng như các doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm lệnh, chỉ thị của chính phủ, đã ngưng sản xuất kinh doanh, đóng cửa thực hiện giãn cách. Sự làm ăn bị đình đốn, mất hẳn thu nhập, tiền bạc ngày càng khó khăn eo hẹp, nợ thì đìa ra, lãi mẹ đẻ lãi con… Trong khi đó, con người ta vẫn phải sống, doanh nghiệp phải duy trì nhà xưởng, phải trả lương cầm chừng nuôi người làm.
Có một vài ngân hàng, ra vẻ thức thời, quan tâm tới khách hàng, đã đưa ra chương trình miễn giảm khi đại dịch. Tưởng gì, chỉ là miễn hoặc giảm phí chuyển tiền, phí làm thẻ, phí tham gia một số hoạt động dịch vụ. Ôi dào, ba đồng bạc ranh. Họ chỉ cốt lấy tiếng, chứ chả giúp gì cho các con nợ nạn nhân của dịch.
Thủ tướng vừa qua đã chỉ đạo các ngành điện lực, nước, viễn thông giảm ngay tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại cho người dùng trong những tháng bị dịch. Dân chúng rất hoan nghênh. Nhưng dường như ông quên mảng ngân hàng. Vậy thì tôi mách ông. Hãy nhớ rằng hoạt động tiền tệ, ngân hàng cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế, trong nền kinh tế thị trường. Quan tâm tới nó thì phải quan tâm tới khách hàng. Mà ngân hàng cũng cần biết, không có khách hàng vay nợ thì ngân hàng chả hơn gì nhóm tín dụng chơi hụi chơi họ trong xóm ấp.
Dân chúng cũng nên ghi nhớ, những ngân hàng nào quyết giữ lập trường kiên định không mất một xu, không quan tâm đoái hoài tới con nợ trong đại dịch, thì khi dịch tan nên chia tay từ biệt nó. Không mợ thì chợ vẫn có quầy khác. Cả mấy cái siêu thị cũng vậy, nhân viên làm nhiệm vụ mà hống hách quá đáng, đuổi khách như đuổi tà thì sau dịch đừng thèm ghé nó nữa. Thiếu gì chỗ tử tế, đàng hoàng.
Nguyễn Thông
Trong lúc dịch bệnh như vậy thì mọi người phải thông cảm và chủ động khắc phục khó khăn
Trả lờiXóa