Về tiêm vắc xin, thủ tướng Chính luôn khẳng định “Vắc xin tốt nhất là vắc xin tiêm sớm nhất”. Trên mạng xã hội lan truyền câu nhại bài vè từng nổi tiếng thời bao cấp, giờ có nội dung về vắc xin:
Phai dờ là của vua quan
Mô đe là của trung gian quần thần
Át tra cho đám thương nhân
Si nô chỉ của nhân dân anh hùng
(Phai dờ - Pfizer, Mô đe - Moderna, Át tra - AstraZeneca, 3 loại này của Tây; Si nô - Sinopharm, Sinovax, Vero Cell là của T-àu).
Ông hàng xóm nhà tôi cười bảo ông Chính nói đúng đấy, xứ này ai được tiêm vắc xin sớm nhất trước nhất, trung ương chứ ai, mà khi đó chưa có hàng tàu.
6.6
Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) có báo cáo trình chính phủ, than thở nhiều tỉnh thành, nhất là các tỉnh phía nam, thực hiện chủ trương của chính phủ, cụ thể là chỉ thị 16, chỉ tập trung vào mục tiêu chống dịch mà không chịu “mục tiêu kép” nên sản xuất bị ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng. Theo VASEP kêu cứu, nếu cứ tiếp tục giãn cách kiểu này đến cuối tháng thì nguy cơ phá sản của doanh nghiệp rất cao, không thể nào phục hồi được.
15.6
Hữu Phú, tay viết xuất sắc một thời của báo Thanh Niên giờ về nằm bẹp nhà tại Thủ Đức, nhắn tin anh ơi, sống qua được cơn dịch này khó quá, nhưng nếu dịch tan, có gượng dậy được sau dịch sống càng khó hơn bởi hết sức lực rồi. Y than chống dịch kiểu gì mà cứ rối tinh rối mù, biết là không hiệu quả mà cứ kéo dài, họ kéo đến bao giờ.
Ông bạn Phạm Hùng cựu chiến binh bên quận 8, chơi với mình từ năm 1977, viết trên phây búc: Đêm nào cũng nghe còi xe cấp cứu inh ỏi không dứt. Các bố chống dịch kiểu này, chỉ chết dân.
25.6
Thằng con tôi thất nghiệp nằm nhà mãi cũng phát… khùng, liều xách xe chạy ra đường. Nó mượn được cái giấy của đứa bạn là shipper nên qua được chốt. Về, nó kể đường sá vắng tanh vắng ngắt, như thành phố chết, như sau trận bom nhiệt hạch, tức là nhà cửa vẫn còn nhưng không còn người, vắng tiệt. Nó còn kể thằng bạn nó nói, lúc này mấy ông bà tam tứ trụ lo nhất, ngộ nhỡ lăn ra chết thì khó tổ chức quốc tang, vi phạm giãn cách dân chửi cho ủng mả.
Hồi Sài Gòn mới bị giãn cách theo chỉ thị 16 (từ hôm 31.5), nhiều người, nhất là cánh phóng viên, hăm hở chụp ảnh đường phố vắng vẻ, coi như như một sự lạ, hiếm có. Trên một tờ báo điện tử rút cái tít rõ to “Phố phường vắng vẻ thanh bình”. Lão hàng xóm nhà tôi chửi thanh bình cái mả cha nhà chúng nó. Tới nay lockdown đã gần 1 tháng, chắc chán rồi, không còn thấy ai khoe cảnh phố vắng nữa.
27.6
Bác Nguyễn Khắc Nhượng dặn, cứ nhớ giữ lại mấy cái giấy chính quyền cho phép đi chợ đi siêu thị theo ngày nhất định, giấy được ra đường từ ngày nào tới ngày nào, giấy được phép đi cắt cỏ cho trâu bò…, giữ tất tật những thứ giấy mà người ta cấp cho lúc này. Đó là loại vật chứng lịch sử, sau này quý lắm. Cũng giống như chiếc biển số xe đạp, sổ/tem mua lương thực, giấy cho phép nghe đài radio… ngày xưa vậy, giờ có mấy ai còn.
30.6
Một cô lên phây búc khoe nhờ ông ngoại can thiệp nên được chen ngang vào bệnh viện Việt Xô tiêm vắc xin xịn Pfizer. Thế là um cả lên. Ông giám đốc Việt Xô trần tình, thừa nhận có chuyện đó nhưng giải thích loanh quanh. Mấy hôm sau, có lẽ nhà chức việc đã bàn tính kỹ lắm về cách xử lý, quyết định lôi cô kia ra phạt 15 triệu đồng về tội… dựng chuyện. Thế là xong, im vụ ưu tiên vắc xin xịn. Nghe nói nhà cổ giàu lắm, 15 triệu phạt như cái móng tay, chuyện nhỏ. Mà chả biết có phạt thật không, hay chỉ vống lên thế thôi để dân im mồm. Chị Nguyễn Thị Bích Hậu chưa được tiêm cứ tiếc rẻ không có ông quại (ngoại).
18.8
Báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời một công dân, anh Lê Hoàng Ân quê Vĩnh Long, lên Sài Gòn làm thuê kiếm ăn, bị phong tỏa giãn cách nên mất việc, đói, hết tiền, muốn về quê nương náu qua ngày nhưng không về được, chịu cảnh sống dở chết dở nơi nhà trọ. Chủ trọ thương tình không lấy tiền thuê nhà nhưng anh Ân đã hết tiền để ăn. Mì gói cũng hết. Anh than thở: “Nói thật, đến mức này, có thể dịch bệnh sẽ không làm tôi chết mà tôi sẽ chết bởi khốn khó và bị stress. Xin chính phủ làm ơn cho tôi được về quê. Tôi khổ quá, stress quá rồi, trụ không nổi”.
20.8
Nhiều tờ báo săn được gương người tốt việc tốt, điển hình trong chống dịch, hai nữ lãnh đạo cấp quận huyện. Đó là cô bí thứ quận 6 Lê Thị Hờ Rin và cô chủ tịch huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền. Sao lại khen? Cứ như các báo, thì hai cô trẻ này đã sáng tạo, bản lĩnh, đặc biệt dám xé rào để có biện pháp chống dịch hiệu quả tại vùng mình trị nhậm, nên dân chấp hành mà vẫn dễ thở, dịch ít lây lan. Ông anh tôi bảo nếu khen các cô ấy thì cũng cần phải lôi cổ mấy đứa dựng “rào” ra chửi. Ổng càu nhàu làm ăn, chỉ đạo chó gì mà dở tới mức người ta phải xé rào để được khen về cái sự xé ấy. Giống như thời bao cấp, ngăn sông cấm chợ, ngăn cản cấm đoán làm ăn buôn bán, bị dân chửi, sau vội thay đổi lại tự nhận có công đổi mới.
29.8
Một ông ở quận 7 chở vợ đến siêu thị mua sữa cho con bị bảo vệ chặn lại không cho vào bởi siêu thị đang thực hiện giãn cách, không bán trực tiếp. Ông làm um lên, xưng là thành viên ban chỉ đạo chống dịch của quận, xô xát với cả nhân viên bảo vệ. (còn tiếp)
Nguyễn Thông (chép)
Ảnh: Hàng rào giãn cách cực kỳ nhếch nhác ở thành phố được coi là văn minh nhất nước (Ảnh: TTXVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét