Do ghi chép dài, mỗi lần nhà cháu chỉ đưa 1.000 chữ cho dễ đọc. Thời gian cũng có thể lộn xộn không theo trình tự, nhưng đảm bảo sự chân thật.
28.7
Chở người nhà đi tiêm vắc xin mũi 2, tiện thể ghé cửa hàng bán sản phẩm của Vifon trên đường Hải Thượng Lãn Ông quận 5 mua thùng mì gói. Chả mấy khi được ra đường. Nhà hết mì đã lâu nhưng công an dân phòng chặn chốt khắp nơi, không đi được. Nếu nói lý do đi mua mì, chúng đuổi về thẳng cánh, hàng thiết yếu hay không cũng kệ. Trước khi có dịch, thùng mì này trong siêu thị chỉ gần 80.000 đồng, giờ lên 125.000 đồng.
Về than thở, bà xã bảo cái gì chẳng lên. Cá điêu hồng mà cái Hương vẫn bán gần cửa nhà mình có 48 - 50 nghìn/ký, hôm 15.8 ở đường số 9 lên gấp ba, tới 150.000, tôm từ 100.000 lên 200.000, bó rau muống 15.000 lên 30.000, nải chuối vừa vừa 40.000, trứng vịt vỉ một chục hột 28.000 lên 45.000, quả dưa hấu, cái gì ăn được cũng gấp đôi. Trên tivi và báo chí vẫn nói hàng hóa bình ổn, giá cả ổn định.
Ông anh tôi đế thêm thuốc lá cũng tăng, trước dịch gói Con mèo Craven có 18 nghìn, giờ 23 nghìn, phải cai thôi. Ông bảo đời tao chứng kiến và trải qua 3 đại nạn: chiến tranh, cộng sản, đại dịch. Mấy thứ ngăn sông cấm chợ, bao cấp… trong đời chưa là cái đinh gì. Hai thứ chiến tranh và dịch đều có thể chấm dứt nhưng cộng sản thì không biết nó sẽ kéo tới bao giờ.
23.8
Sài Gòn bị giới nghiêm siết chặt hơn, cả ngày lẫn đêm. Than thở về dịch, ông em tôi ví von dịch cũng như cơn lũ quét, như trận lụt kéo dài. Khi hết lũ, khi nước rút đi thì lộ ra tất, phơi bày tất cả những thứ xưa nay bị che đậy, giấu diếm, kín đáo, không mấy ai biết. Tượng đất gặp nước phải rã thôi. Tôi hỏi mày nói ai, y bảo còn ai nữa, coi cái cách chống dịch lúng túng của đám lãnh đạo từ trung ương tới địa phương đủ biết họ tài giỏi đến mức nào.
14.9
Tối 13.9 tivi phát sự họp trực tuyến của thủ tướng Chính với đám lãnh đạo tỉnh Kiên Giang. Tay bí thư quan đầu tỉnh ớ ra, lúng túng như gà mắc dây thun cổ họng, ngó hết đứa cấp dưới này lại đứa cấp dưới nọ để nhờ chúng nó nhắc, tay chân quờ quạng tìm văn bản hợp với câu hỏi của sếp trung ương. Coi mà chán ngán, chết cười.
Lão hàng xóm nhà tôi bảo không thể chỉ trách thằng bí thư Kiên Giang được. Đâu phải chỉ mình nó nói gì cũng phải dùng phao, không phao thì ú ớ ngậm hột thị. Đầy thằng to hơn nó, đi đâu, làm gì, nói chuyện với ai cũng cứ phải nhăm nhăm cuộn giấy do bọn trợ lý viết sẵn, ngay đến cả lời "chúc các đồng chí sức khỏe, chúc hội nghị thành công" cũng cắm đầu vào giấy đọc, có khác gì con heo cắm mõm vào máng cám.
Lỗi không phải ở thằng Kiên Giang mà chính là lỗi hệ thống, lỗi của những kẻ đã đưa dạng đó lên ghế cai trị. Đừng cười nó, hãy cười đám quyền thế trên nó mới đúng địa chỉ.
Dịch Vũ Hán càng ngày càng làm phát lộ những thứ đồi bại của cái bộ máy cai trị này.
15.9
Coi cái cách chống dịch của chính quyền, đọc những nhận xét từ dư luận xã hội, ông Triển bảo nói gì thì nói, nhà cầm quyền xứ này đã mất điểm, mất niềm tin trong dân nghiêm trọng tới mức nếu họ có đưa ra chủ trương tốt (điều động bộ đội giúp dân, đi chợ chẳng hạn), làm được điều tốt (xăng xái mua vắc xin) thì dân vẫn chê, vẫn không tin. Đã quá lâu, người dân bị chính quyền hành hạ đủ kiểu, lừa dối đủ cách nên họ cảm thấy không có thứ gì chính quyền thực hiện là hay ho hợp lý cả.
Nhà thơ Bùi Chí Vinh làm thơ thời sự về dịch, mỗi bài cứ vừa đưa lên đã có vài nghìn người đọc. Nhiều người còm (comment) theo, ai đời chống dịch, loay hoay đủ kiểu đủ cách mà càng chống, dịch càng nặng, kéo dài không biết đến bao giờ, số người mắc tăng, người chết tăng, cứ thế hơn nửa năm trời, ai mà chịu nổi.
Anh Nguyễn Khắc Nhượng ví von chính quyền chống dịch giống như thằng bờm vác tre ngang vào cổng, vướng víu thì phá cổng chứ không chịu xoay cây tre, ai góp ý thì bị nhắc nhở dọa để yên cho người ta làm, đừng có ý kiến ý cò, nếu giỏi sao không ra mà chỉ đạo. Cả họ nhà bờm, bờm, bố bờm, ông bờm xúm vào mắng, giống như tuyên giáo huy động cả bộ máy báo chí truyền thông bênh chính quyền thì còn ai dám nói. (còn tiếp)
Nguyễn Thông (chép)
Ảnh: Chốt chặn ngừa dịch ngăn dân như thế này nhan nhản ở khắp mọi nơi (nguồn: Internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét